Thứ bảy, 27/04/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 13:00 (GMT+7)

Thủy điện nhỏ và vừa ở Tây Bắc: Coi chừng mùa lũ

Theo dõi KTMT trên

Mất rừng, lụt lụt, lũ quét, sạt lở, môi trường sống bị thay đổi, ô nhiễm, đó là những hậu quả tiếp theo và lâu dài của hiện tượng “sốt thủy điện”.

Trước đây, diện tích rừng ở nước ta bao phủ hầu hết các đồi núi nhưng dần bị thu hẹp do nạn phá rừng diễn ra trầm trọng. Ngoài việc phá rừng để khai thác gỗ thì các nhà máy thủy điện mọc lên cũng "ngốn" rất nhiều diện tích rừng lại.

Nhiều năm qua, việc phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là có nguy cơ phá huỷ môi trường, phá rừng và xảy ra lụt lội. Cho dù thuỷ điện vừa và nhỏ cũng mang lại những lợi ích kinh tế nhất định, tuy nhiên trong bối cảnh người dân đang đối mặt với lũ lụt thì vấn đề quy hoạch, xây dựng các thuỷ điện vừa và nhỏ cũng cần đặt ra.

Thủy điện nhỏ và vừa ở Tây Bắc: Coi chừng mùa lũ - Ảnh 1
Trận lũ kinh hoàng tràn về Lai Châu. Ảnh internet. 

Mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên. Hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà cửa bị phá hủy, hàng chục người thiệt mạng mỗi năm. Nguyên nhân được chỉ ra là do biến đổi khí hậu và nghiêm trọng hơn là do vấn nạn phá rừng đầu nguồn và... làm thủy điện.

Mỗi dự án thủy điện “nuốt chửng” hàng trăm ha rừng

Hơn 20 năm qua, nhiều dự án thủy điện có quy mô và công suất khác nhau đã được quy hoạch và xây dựng ồ ạt tại Tây Bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Điện Biên. Nhìn chung, thủy điện hiện đang đóng góp khoảng 35% - 40% sản lượng năng lượng quốc gia. Nhưng sự phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã làm gia tăng các vấn đề môi trường - xã hội và chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả bất lợi, trong đó điển hình nhất là những hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng.

Theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125 ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng

PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, xây dựng công trình thủy điện đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên cùng với mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất rừng cũng bị cho xây dựng các hạng mục công trình khác (nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện).

“Mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch, kèm theo đó là mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề của di dân tái định cư”, PGS.TS Lê Bắc Huỳnh nhấn mạnh.

Những tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây ra những thiệt hại ban đầu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong những tháng tiếp theo, dự báo tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đòi hỏi các địa phương trong khu vực cần sẵn sàng các giải pháp để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, những tháng đầu năm 2021 ghi nhận trong khu vực đã xảy ra 8 trận mưa đá, dông lốc, sét; 4 trận động đất; 2 trận lũ ống, lũ quét.

Thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỉ đồng.

Trước đó, năm 2020, đây cũng là khu vực có mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, vượt quá khả năng dự báo, tính toán của cơ quan phòng chống thiên tai đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Thủy điện nhỏ, nhưng hệ lụy phá rừng rất ghê gớm

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước. Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn. Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo vệ môi trường tự nhiên, tránh việc phát triển công nghiệp “không kiểm soát”. Thực tế thì từ 7-8 năm gần đây, Chính phủ đã có những động thái để ngăn chặn “hội chứng làm kinh tế” bằng thủy điện.

Cách đây 3 năm, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải tạm dừng chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án thủy điện nhỏ. Thủy điện nhỏ đóng góp không bao nhiêu nhưng phá rừng ghê gớm. Trừ trường hợp quá đặc biệt, hiệu quả kinh tế quá đặc biệt thì báo cáo Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.

Thủy điện nhỏ và vừa ở Tây Bắc: Coi chừng mùa lũ - Ảnh 2
Một dự án thủy điện tại vùng Tây Bắc. Ảnh internet. 

Rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng thủy điện đã làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão. Các trận lũ từ năm 2009 trở lại đây đã chứng minh điều này. 

Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), theo quy định, công trình thủy điện chiếm bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng đền bù bấy nhiêu. Thế nhưng bất cập là không có đất để trồng bù.

“Đến nay, chưa có chủ đầu tư nào thực hiện việc trồng rừng này đúng quy trình. Việc trồng cũng chỉ cho có, trồng được một vài cây lưa thưa để gọi là cũng có trồng”, TS Đào Trọng Tứ thẳng thắn nêu ý kiến

Vừa mưa đã lũ, vừa nắng đã hạn và nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cạn kiệt là thực tế đang xảy ra ở nhiều vùng núi Tây Bắc. Với  bình quân mỗi tỉnh có hàng trăm thủy điện vừa và  nhỏ một thời vàng son “ngồi mát ăn bát vàng” mùa khô năm nay đang lâm vào cảnh thiếu nước phát điện trầm trọng.

Do quá trình xây dựng tàn phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên nước, góp phần vào biến đổi khí hậu, không ít nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang gặp khó khăn. Nhiều nhà máy  mùa khô đầu năm 2020 chỉ phát điện được 30% công suất. Việc xây dựng các công trình thủy điện ngoài những hiệu quả kinh tế nêu trên cũng gây ra một số hệ lụy bên cạnh những mặt tích cực của nó. Trong trường hợp đập có hồ chứa nước lớn thì dòng chảy tự nhiên của con sông sẽ thay đổi. Sự thay đổi sẽ nhiều hay ít tùy theo hồ chứa được vận hành như thế nào. Khi dòng chảy tự nhiên của một con sông thay đổi, thì hệ sinh thái trong lưu vực con sông đó cũng bị ảnh hưởng và có thể mất một thời gian khá lâu mới tìm được sự cân bằng ban đầu.

Các dự án thủy điện thường nằm ở những vùng rừng núi nên khi xây dựng cần phải khai quang một diện tích lớn để xây các công trình như: Đường thi công, đập dâng, nhà máy, đường dây dẫn điện... Phần lòng hồ sẽ bị ngập nước cũng phải được chặt hạ cây cối, dọn sạch và khử trùng trước khi tích nước, dân cư trong vùng lòng hồ phải được dời đi đến vùng tái định cư do chủ dự án thủy điện xây dựng. Những hoạt động này sẽ ảnh hưởng lên môi trường thiên nhiên đã có sẵn trước đó và tác động lên hệ sinh thái của khu vực là không thể tránh khỏi.

Mới đây, nhiều người dân không đồng tình, ủng hộ việc xây dựng nhà máy thủy điện tại địa phương. Các chủ dự án đã làm sai, thất hứa khi dự án đi vào phát điện. Họ hiểu rằng, khi công trình hoàn thành đi vào phát điện sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán và thiếu nước sản xuất cho cánh đồng Mường Tấc. Vì thế bà con không đồng tình. 

“Quả thật là người dân không mong muốn làm thủy điện, vì sợ suối không có nước nữa. Thời gian vừa qua, với những công trình đã làm thì dân thấy rồi, nhiều nơi bị cạn nước. Nếu bây giờ làm đập lên trên con suối Tấc thì chắc nước sẽ thiếu hạn nên dân không đồng ý tí nào”, một người dân bên các dòng sông, suối cho biết.

Mất rừng là mất tài nguyên, nhiệt độ tăng cao hơn, biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, nhưng trước mắt là thảm họa lũ lụt đổ ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng lớn hơn và sự phát triển chẳng khi nào bền vững được.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Thủy điện nhỏ và vừa ở Tây Bắc: Coi chừng mùa lũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới