Thượng viện Pháp chặn đề xuất trưng cầu ý dân về biến đổi khí hậu
Thượng viện Pháp với đa số cánh hữu đã thông qua dự thảo Hiến pháp lần thứ hai, trong đó khái niệm "đảm bảo" trong nội dung liên quan đến vấn đề khí hậu vẫn bị loại bỏ.
Kế hoạch trưng cầu ý dân nhằm đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở thành một phần của Hiến pháp của Pháp đang có nguy cơ đi vào ngõ cụt.
Ngày 5/7, với 210 phiếu thuận, 127 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Thượng viện Pháp với đa số cánh hữu đã thông qua dự thảo Hiến pháp lần thứ hai, trong đó khái niệm "đảm bảo" trong nội dung liên quan đến vấn đề khí hậu vẫn bị loại bỏ.
Các thượng nghị sỹ thuộc phái bảo thủ muốn bỏ từ "đảm bảo" bởi họ muốn dùng các từ ngữ ít bị ràng buộc hơn.
Theo dự thảo lần đầu do Quốc hội (Hạ viện) đề xuất hồi tháng Năm, nước Pháp “đảm bảo việc bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học và hành động chống lại biến đổi khí hậu." Tuy nhiên, Thượng viện muốn chọn cách diễn đạt mà theo đó nước Pháp "hành động để bảo tồn môi trường và sự đa dạng sinh học và chống lại biến đổi khí hậu, theo các điều khoản được quy định trong Hiến chương về môi trường năm 2004."
Các thượng nghị sỹ cánh hữu đã bày tỏ lo ngại rằng việc nhà nước “đảm bảo” có thể trở thành một trở ngại cho sự sáng tạo và kinh doanh của nước Pháp. Do đó, họ muốn thay thế thuật ngữ "đảm bảo" bằng thuật ngữ "hành động."
Từ ngữ ban đầu của điều khoản được đề xuất bởi một ban hội thẩm bao gồm 150 công dân do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập để xây dựng chính sách đề xuất ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo nguyên tắc, để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về một văn bản luật cần có sự đồng thuận của Quốc hội và Thượng viện, nhưng điều này không thể thực hiện được do hai bên có sự bất đồng về ngữ nghĩa.
Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti lấy làm tiếc rằng Thượng viện đã không "bắt tay" với các nghị sỹ. Ông cảnh báo: “Điều này có thể đóng lại cơ hội để người Pháp thể hiện quan điểm của mình về chủ đề quan trọng hàng đầu - tương lai sinh thái của đất nước."
Một nhóm Thượng nghị sỹ trung dung có liên hệ với đảng của Macron, cho rằng cuộc bỏ phiếu của Thượng viện đã khép lại khả năng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân.
Kế hoạch trưng cầu ý dân nói trên là cam kết mà Tổng thống Macron đưa ra nhằm đáp lại những lời chỉ trích rằng ông chưa làm đủ để bảo vệ hành tinh. Tuy nhiên, diễn biến mới nói trên đang gây khó khăn cho ông Macron trong nỗ lực này.
Nguyễn Thu Hà
(Theo TTXVN/Vietnam+)