Thực hiện tốt IUU để ngành khai thác hải sản Việt Nam phát triển bền vững
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa trong kiểm soát, thực thi tốt IUU để ngành khai thác hải sản Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng hội nhập.
Nhằm hướng tới ngành khai thác hải sản Việt Nam phát triển bền vững, ngày 13/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì họp trực tiếp và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố có biển về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 6 năm triển khai, các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp đã có những chuyển biến tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành khai thác hải sản đang còn tồn tại một số hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, tàu cá của ngư dân vẫn xâm phạm vùng biển nước ngoài, từ đầu năm 2023 đến nay, 63 tàu bị nước ngoài bắt giữ, với gần 500 ngư dân. Vi phạm tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang. Ngoài ra còn có hiện tượng tàu cá sử dụng biển số giả, hoặc không đăng ký sau khi sang nhượng.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế, dẫn đến không kiểm soát được sản lượng và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân chưa cao...
Tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện của Việt Nam trong công tác chống IUU. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục; đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại địa phương nên chưa thể gỡ được “thẻ vàng”. Nếu để tình trạng này kéo dài nguy cơ bị nâng cảnh báo lên “thẻ đỏ” là rất cao. Ngày 5/12/2023, EC đã có Công thư chính thức (Ref.Ares (2023)8304503) về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Đồng thời, EC đã khuyến nghị Việt Nam, tăng cường biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, cần sớm thông qua sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về việc coi hành vi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế không được phép mà không cần phải chứng minh có khai thác hay không là hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, EC cũng chỉ ra việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn chưa đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát; vi phạm nghiêm trọng việc hợp thức hóa hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. EC khuyến nghị Việt Nam cần phải tiến hành điều tra các cảng cá có liên quan trong việc hợp thức hóa hồ sơ, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, hậu quả của việc không gỡ được “thẻ vàng” của EC và nếu bị rút thẻ đỏ thì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Đồng thời, ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định, đây là thời điểm vàng để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" nên các địa phương và bộ, ngành cần chung tay và quyết liệt hơn nữa để khắc phục những hạn chế, tồn tại về công tác IUU. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phải phối hợp tốt để tổ chức đợt cao điểm từ nay đến tháng 4/2024 dồn tất cả nhân lực, nguồn lực để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại để chung tay khắc phục “thẻ vàng” của EC. Các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ không để có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ Công an khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn ngư dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác, góp phần nâng cao uy tín, tăng giá trị cạnh tranh của thủy sản Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống của chính ngư dân.
“Các địa phương đã có chuyển biến về thực hiện IUU. Nhưng đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa, để ngành khai thác hải sản Việt Nam thật sự phát triển bền vững, có khả năng hội nhập”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định.
Trước đó, vào ngày 11/12, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã họp Ban cán sự đảng UBND tỉnh nghe báo cáo triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023.
Báo cáo tại cuộc họp, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, còn một số tồn tại, hạn chế theo Công điện số 1058. Trong đó, công tác thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đồng bộ. Trách nhiệm thi hành công vụ của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, chậm trễ trong điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm IUU; đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, xử phạt hành vi vi phạm quy định về mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển.
Đối với công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại tất cả các cảng cá trên địa bàn tỉnh và công tác chứng nhận nguồn gốc thủy sản tại Chi cục Thủy sản; thực hiện nghiêm túc việc phân công cán bộ giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; tuân thủ đúng quy định việc về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT…
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, công tác quản lý khắc phục IUU của tỉnh chưa nghiêm túc, cần xem xét, làm rõ các hạn chế, tồn tại và thực hiện kiểm điểm trách nhiệm trong công tác này. Đồng thời, yêu cầu các ngành, chức năng, địa phương phải thực hiện theo đúng kế hoạch, chỉ đạo của UBND trong việc xử lý các vi phạm trên.
Song Anh