Thứ sáu, 22/11/2024 17:56 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/08/2020 15:30 (GMT+7)

Chống khai thác IUU để phát triển bền vững nghề cá

Theo dõi KTMT trên

Bình Thuận là một trong những địa phương phát triển nghề cá lớn của cả nước. Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Vừa bám sát những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) vừa triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, tỉnh Bình Thuận đã bước đầu khắc phục những tồn tại trong việc chống khai thác IUU, hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản.

Chống khai thác IUU để phát triển bền vững nghề cá - Ảnh 1
Tàu cá neo đậu trong Khu tránh trú bão đảo Phú Quý (Bình Thuận). Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Không còn tình trạng tàu cá vi phạm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2020 đến nay, Bình Thuận không còn tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Như vậy liên tục từ đầu tháng 7/2019 cho đến nay trên địa bàn tỉnh không có tình trạng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản; đồng thời, thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở ở Bình Thuận trong việc khắc phục một trong những bất cập lớn nhất mà Ủy ban châu Âu khuyến nghị sau hai chuyến kiểm tra thực tế tại Việt Nam.

Trước đây, Bình Thuận từng là một điểm “nóng” về tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, trong 2 năm 2016 - 2017, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tàu cá, ngư dân khai thác trái phép. Các địa phương như huyện Phú Quý, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong là những địa phương có số tàu cá vi phạm nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu số vụ vi phạm và đến nay không còn tình trạng nói trên.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các giải pháp chống khai thác IUU vẫn được triển khai quyết liệt. Các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về phòng, chống khai thác IUU gắn với triển khai thực hiện Luật Thủy sản.

Việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.

Bám sát khuyến nghị của EC, văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động của tàu cá khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá; các ban quản lý các cảng cá tổ chức trực làm việc 24/24h để giám sát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng hải sản khai thác...

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành ở khu vực miền Tây để quản lý có hiệu quả tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá ngoài tỉnh đến hoạt động trên địa bàn, nhất là các nhóm tàu khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục tăng cường tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức, nhất là các địa bàn trọng điểm nghề cá, cộng đồng ngư dân. Song song đó, các đơn vị, địa phương cũng sẽ tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Đồng thời, thực hiện biện pháp giám sát đặc biệt đối với nhóm tàu cá nằm trong diện nguy cơ cao, nhất là các tàu cá từng vi phạm vùng biển nước, tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh.

Phấn đấu hoàn thành lắp đặt giám sát tàu cá trước 31/8

Xác định việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để tăng cường hiệu quả trong quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, cũng như tàu giã cào bay vi phạm tuyến, góp phần khắc phục thẻ vàng của EC, tỉnh Bình Thuận đang “tăng tốc” để hoàn thành việc lắp đặt trước ngày 31/8/2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá được tiến hành quyết liệt, nhất là sau thời khi Thường trực Tỉnh ủy có chỉ đạo yêu cầu việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; trong đó triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tất cả tàu cá hành nghề giã cào bay, không phân biệt chiều dài, công suất.

Tính đến giữa tháng 7/2020, toàn tỉnh có hơn 82% tàu cá (khoảng 1.580 tàu) đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, nhóm tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên có 35/36 tàu cá lắp đặt. Một số địa phương có tỉ lệ tàu cá lắp đặt cao như: huyện Phú Quý có 465 tàu lắp đặt, đạt 98,9%; thị xã La Gi có 542 tàu lắp đặt, đạt 77%; thành phố Phan Thiết có 371 tàu cá lắp đặt, đạt 80%…

Nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng của thiết bị giám sát tàu cá đã được nâng lên rõ rệt. Mặc dù còn khó khăn nhưng ngư dân đã chủ động lắt đặt thiết bị giám sát cho tàu cá của mình. Anh Phan Văn Toàn (thành phố Phan Thiết) cho biết, sau khi được các ngành chức năng và địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với kinh phí khoảng 20 triệu đồng. Có thiết bị, mỗi chuyến đánh bắt đều mang lại cảm giác yên tâm vì không sợ vô tình vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời dễ dàng liên lạc khi có tình huống xấu trên biển.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt nhưng tiến độ còn chậm; chưa đáp ứng tiến độ theo lộ trình, trừ nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên. Hiện nay, Bình Thuận còn 344 tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt theo quy định.

Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, các địa phương, các ngành liên quan phải khẩn trương rà soát lại danh sách tàu cá thuộc diện cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kiên quyết chậm nhất đến 31/8/2020, Bình Thuận cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá và vận hành có hiệu quả trung tâm, trạm dữ liệu giám sát tàu cá, phục vụ quản lý đa mục tiêu.

Cùng với đó, lực lượng kiểm ngư, biên phòng phối hợp chính quyền địa phương triển khai thường xuyên việc kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu, cảnh cáo nghiêm khắc mức phạt, kiên quyết không cho tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát xuất bến đi biển, yêu cầu chủ tàu thực hiện ngay việc lắp đặt.

Ngoài ra, các Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá tổ chức trực làm việc 24/24h để kiểm soát tàu cá cập, rời cảng và giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản qua cảng; đồng thời, thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác theo đúng quy định; ghi chép nhật ký khai thác…

Bình Thuận hiện có hơn 6.900 tàu cá với tổng công suất gần 1,2 triệu mã lực; trong đó, tàu cá với chiều dài từ 15 m trở lên có 1.900 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 200.000 tấn/năm. Với những nỗ lực quyết liệt chống IUU, Bình Thuận không chỉ hy vọng cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản mà còn hướng tới phát triển nghề cá bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Hồng Hiếu

Bạn đang đọc bài viết Chống khai thác IUU để phát triển bền vững nghề cá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới