Thực hiện cam kết tại COP26: Các nhà khoa học sẽ đồng hành cùng Chính phủ
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch TW Hội KTMT Việt Nam, Giám đốc Viện Chính sách Kinh tế Môi trường chia sẻ, với tư cách nghiên cứu, phản biện, các nhà khoa học thuộc VIASEE sẽ có những tư vấn cho Chính phủ để thực hiện tốt cam kết tại COP26.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã đi qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, là người gắn bó với hoạt động của VIASEE từ những ngày đầu, ông có chia sẻ và đánh giá gì về sứ mệnh cũng như những hoạt động thiết thực của VIASEE trong quá trình thành lập đến nay?
- Sự ra đời của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) và Tạp chí Kinh tế Môi trường phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau khi đất nước đổi mới thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN được mười năm, vào những năm đầu thập niên 2000 nảy sinh nhiều vấn đề môi trường như suy giảm diện tích rừng ngập mặn để nuôi tôm, khai thác rừng nguyên sinh xuất khẩu, xuất hiện ô nhiễm… Những hiện tượng này đã gây ra bức xúc cho xã hội, mặc dù năm 1994 đã có Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) nhưng hiệu lực và hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Trong bối cảnh đó, năm 1998 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Chỉ thị đã đưa những nội dung rất quan trọng liên quan đến Kinh tế môi trường cần phải được thể chế hóa trong các chính sách và luật pháp cho phát triển kinh tế.
Đến năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-TW về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ngày 15/11/2004. Nghị quyết 41 đã đưa nội dung quan trọng thành nội dung chính đó là áp dụng biện pháp kinh tế để bảo vệ môi trường, chủ trương này đã cho thấy Đảng ta đã nhìn nhận vấn đề rất đúng.
Từ chủ trương của Đảng, đến năm 2005 Luật BVMT đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật BVMT 1994 tại Luật số 52/2005/QH11 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 8 thông qua, đặc biệt trong Luật BVMT 2005 lần đầu tiên đưa vào các công cụ kinh tế (công cụ thị trường) từ điều 112-117 về thuế MT, phí BVMT, ký quỹ phục hồi MT, quỹ BVMT và chính sách ưu đãi, hỗ trợ BVMT. Sự ra đời của Luật BVMT 2005 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng đã ban hành tại Nghị quyết 41.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Luật BVMT 2005 là hết sức quan trọng, với sự hỗ trợ của Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSA); sự phối hợp của Cục Môi trường thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; sự tham gia tích cực của lãnh đạo và giảng viên Khoa Kinh tế - Quản lý tài nguyên, môi trường và đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); mạng lưới thành viên đã được đào tạo về kinh tế môi trường của EEPSEA; Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước liên quan đến kinh tế và môi trường là những nòng cốt thành lập TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (Vietnam Association for Environmental Economics - VIASEE) chịu sự quản lý của Bộ TN&MT với mục đích, tôn chỉ “là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kinh tế môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trên lãnh thổ Việt Nam, tự nguyện tham gia Hội, nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm, tham gia các chương trình nghiên cứu, phổ biến khoa học công nghệ mới, phương pháp quản lý tiên tiến, ứng dụng trong xây dựng, quản lý về bảo vệ môi trường ở Việt Nam”.
Từ khi thành lập đến nay, VIASEE đã có nhiều hoạt động thiết thực phục vụ xã hội, phục vụ nhà nước và được các cơ quan hữu quan, Bộ TN&MT, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ghi nhận. Đó là điều rất đáng mừng đối với bản thân tôi và với VIASEE.
Được biết, ông cũng là Giám đốc Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) thuộc VIASSE. Vậy ông có thể khái quát đôi nét về EEPI?
- Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (tên quốc tế: Environmental Economic Policy Institute - EEPI) là đơn vị thành viên trực thuộc VIASEE được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép số A-2385, ngày 28/5/2021.
Theo đó, EEPI là nơi tập hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và cung cấp thông tin trong lĩnh vực kinh tế môi trường cho các tổ chức trong và ngoài nước. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế chính sách trong lĩnh vực kinh tế môi trường; Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, thực hiện các chương trình, đề tài, dự án trong lĩnh vực kinh tế môi trường, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, EEPI còn có nhiệm vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, phản biện khoa học; Tư vấn về quản lý môi trường như đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động chính sách môi trường, hệ thống quản lý môi trường, kiểm soát môi trường, kiểm toán môi trường. Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin, cung cấp tài liệu và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn trong các lĩnh vực nghiên cứu.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam hướng tới Net Zero vào năm 2050. Vậy trong thời gian tới EEPI có định hướng hoạt động ra sao để đạt hiệu quả cao nhất, và có những đề xuất, kiến nghị ra sao đối với các bộ ngành liên quan để thực thi những cam kết về môi trường của Thủ tướng tại COP26 nói riêng và việc bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung?
- Những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "Carbon thấp", "kinh tế xanh" và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang "kinh tế tuần hoàn". Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, đó là phát triển nhanh, bền vững.
Từ cam kết của Thủ tướng là cơ hội để Việt Nam có những đầu tư công nghệ sạch, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích đầu tư công nghệ tốt nhất "BAT", phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn như đã quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc chất lượng môi trường sẽ được nâng lên "năm sau tốt hơn năm trước", điều mong muốn của mọi người dân trong xã hội.
Để đi đến những cam kết của Thủ tướng tại COP26 có phần nhỏ đóng góp của VIASEE. Tới đây VIASEE, EEPI với tư cách nghiên cứu, thực thi và phản biện độc lập sẽ có những tư vấn cho Chính phủ để thực hiện tốt cam kết mà Thủ tướng đã đưa ra tại COP26.
Tạp chí Kinh tế Môi trường là đơn vị ngôn luận của VIASEE, vậy ông đánh giá như thế nào về những hoạt động của Tạp chí và phương hướng phát triển của Tạp chí trong thời gian tới?
- Tạp chí Kinh tế Môi trường đã khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, vì thế Tạp chí cần phát huy hơn nữa trong việc tập hợp đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa Tạp chí in, Tạp chí điện tử, trang thông tin điện kinhtexanh.vn, mạng xã hội vngreen.vn để chuyển tải kiến thức kinh tế môi trường, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn đến các nhà lãnh đạo các cấp, người dân và doanh nghiệp. Làm được điều đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ đi tiên phong và bền vững trong lĩnh vực Kinh tế -Môi trường.
Một mùa xuân mới đã đến, qua đây tôi xin gửi lời Chúc mừng Năm mới, An khang Thịnh vượng tới các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như bạn đọc của Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Trân trọng cảm ơn ông!.
Xuân Hòa