VIASEE: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, gìn giữ môi trường
Với vai trò nghiên cứu, chuyển giao công nghệ lĩnh vực môi trường, VIASEE đã đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, gìn giữ môi trường thông qua việc nâng cao chất lượng tạp chí, ấn phẩm.
Là một trong những bạn đọc thân thiết của Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Trần Thế Tuân – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có những chia sẻ hết sức thiết thực xung quanh vấn đề gắn đào tạo, giáo dục con người với môi trường vì một xã hội phát triển bền vững trong tương lai gần.
Những năm 2000, khi mới chập chững hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam từ một nền kinh tế kém phát triển, qua quá trình phấn đấu, chuyển đổi mô hình, hoàn thiện môi trường thể chế, kinh doanh, hội nhập kinh tế sâu rộng, đến nay nền kinh tế nước ta từng bước gia tăng về quy mô; được xếp vào các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới.
Trong suốt 20 năm hội nhập và phát triển kinh tế, Việt Nam đã tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nền kinh tế nước ta đã có những biến đổi quan trọng, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế liên tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001. Tốc độ tăng GDP tương đối cao, bình quân năm trong giai đoạn 2001 - 2010 tăng 7,26%, giai đoạn 2011 - 2019, GDP tăng 6,3%/năm.
Tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đại đa số người dân và nền kinh tế Việt Nam đều dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, Chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Nhiều chiến lược và kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên đang được thực thi.
Với vai trò to lớn của giáo dục đối với phát triển bền vững ở Việt Nam, trong những năm vừa qua, ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc lồng ghép các nội dung “Giáo dục vì sự phát triển bền vững” vào Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) và các kế hoạch hoạt động thường niên của ngành. Mục tiêu mới của Chương trình GDPT triển khai từ năm học 2020 - 2021 mở đường cho các đổi mới toàn diện về nội dung, phương pháp giáo dục nhằm giúp học sinh thay đổi nhận thức và hành vi; hướng đến các hành động tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Để bắt nhịp với xu thế phát triển giáo dục Đại học và sau Đại học trên thế giới, gắn liền với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu phát triển bền vững, các nhà trường đều đang có kế hoạch đầu tư đổi mới về chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giảng viên chất lượng cao và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa hệ thống giáo dục Phổ thông và giáo dục Đại học để tạo bước đột phá trong giáo dục ý thức, thái độ của người học đối với các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững.
Đối với giáo dục Đại học vì môi trường và phát triển bền vững, hiện nay đã có một số trường Đại học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Trà Vinh, Đại học Kinh tế TP.HCM…) tiếp cận quan điểm xây dựng đại học xanh, thân thiện với môi trường với tiêu chí: Có chương trình giáo dục, đào tạo xanh. Trong chương trình giáo dục, đào tạo thì quan điểm về phát triển bền vững phải trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các môn học, hình thức hoạt động, sinh hoạt, quá trình đào tạo. Triết lý đào tạo phải gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, “xanh hóa” nội dung đào tạo.
Vai trò của các trường Đại học trong việc tham gia thúc đẩy tăng trưởng xanh được thể hiện trên các phương diện: Các trường Đại học đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong, giúp các cơ quan Nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách về tăng trưởng xanh; Các trường Đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực, ý tưởng khoa học và công nghệ để phục vụ tăng trưởng xanh. Đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới và chuyển giao những tri thức này cho Chính phủ, xã hội và cộng đồng thông qua đào tạo, nghiên cứu và tư vấn.
Với vai trò nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ lĩnh vực môi trường, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đẩy mạnh công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ, gìn giữ môi trường thông qua việc nâng cao chất lượng tạp chí, ấn phẩm.
Trong thời gian tới, định hướng phát triển VIASEE dựa trên 4 chủ đề: Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển, TW Hội tiếp tục đổi mới hoạt động NCKH, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với những ưu tiên trong các lĩnh vực của cách mạng KHCN 4.0 thông qua việc hình thành và phát triển liên kết với các trường đại học nhằm tư vấn các trường trong đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy ứng dụng kết quả NCKH và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, trao đổi kiến thức chuyên môn cập nhật về môi trường và phát triển bền vững.
TS Trần Thế Tuân