Thứ ba, 26/11/2024 18:41 (GMT+7)
Thứ ba, 27/10/2020 15:06 (GMT+7)

Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý về khu dự trữ sinh quyển

Theo dõi KTMT trên

Thông qua triển khai cách tiếp cận quản lý tổng hợp tại 3 khu dự trữ sinh quyển, Bộ TN&MT với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sẽ xây dựng và thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo vệ, quản lý khu dự trữ sinh quyển.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo khởi động dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”, do Bộ TN&MT phối họp cùng UND tổ chức ngày 27/10, tại Hà Nội.

Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý về khu dự trữ sinh quyển - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam hiện có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận. Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có nhiều tiềm năng trở thành các mô hình phát triển bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ giao chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Để góp phần thúc đẩy phát triển các khu dự trữ sinh quyển, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với UNDP và các bên liên quan xây dựng và phê duyệt thành công dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ.

Trong 5 năm triển khai, dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo vệ, quản lý khu dự trữ sinh quyển; Tăng cường hiệu quả quản lý 3 khu Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù Lao Chàm – Hội An và Tây Nghệ An thông qua cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên; phục hồi và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ các mô hình sinh kế cộng đồng nhằm giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên và quản lý bảo tồn đa dạng sinh học.

Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý về khu dự trữ sinh quyển - Ảnh 2
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo UNDP, Việt Nam hiện xếp thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất của hành tinh. Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn (PA) trên phạm vi toàn quốc, cho đến nay đã có 164 khu bảo tồn trên cạn, các vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn thiên nhiên (NR), và năm khu bảo tồn biển.

Các Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) hứa hẹn sẽ mở rộng cách tiếp cận hiện có đối với việc quản lý Khu bảo tồn để bảo tồn đa dạng sinh học và chia sẻ lợi ích bằng cách tính đến bối cảnh kinh tế xã hội rộng lớn hơn mà các Khu bảo tồn nằm trong đó. Trong khuôn khổ Chương trình Con người và Sinh quyển, UNESCO hỗ trợ thiết lập các KDTSQ trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, sau khi khu KDTSQ đầu tiên được công nhận là Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000, danh hiệu mới nhất là KDTSQ Langbiang ở tỉnh Lâm Đồng vào năm 2015. Hiện mạng lưới 9 KDTSQ của Việt Nam có diện tích hơn 4,1 triệu ha đất và nước, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước, là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. Do vậy, việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác gồm: Thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các KDTSQ còn chưa hiệu quả; năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả.

Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý về khu dự trữ sinh quyển - Ảnh 3
Quang cảnh hội thảo

 “Dự án mới này sẽ góp phần hoàn thiện hơn về tính pháp lý đối với các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam; hỗ trợ triển khai cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên, phục hồi và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ các mô hình sinh kế cộng đồng nhằm giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên tại 03 khu dự trữ sinh quyển; và nâng cao nhận thức của các bên liên quan nhằm đẩy mạnh sự tham gia của các bên liên quan trong công tác quản lý khu dự trữ sinh quyển", Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Dự án khởi động trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi một số Luật và chính sách lớn liên quan như Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn sau năm 2020 và việc thực hiện Luật Quy hoạch mới ở cấp tỉnh. Điều này mang lại những tiềm năng cho việc lồng ghép, hợp pháp hóa và thể chế hóa nhằm giải quyết những thách thức phát triển khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý về khu dự trữ sinh quyển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.