Thứ ba, 26/11/2024 17:40 (GMT+7)
Thứ ba, 26/11/2024 14:56 (GMT+7)

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối)

Theo dõi KTMT trên

Việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái đã mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cũng cho thấy các khó khăn cơ bản trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 1

Định hướng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp ở Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam, xuất hiện một số mô hình trong chuyển đổi định hướng sản xuất như:

Thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải: ví dụ thường gặp nhất trong các doanh nghiệp Việt Nam, như việc chuyển đổi trọng tâm sản xuất giấy từ nguyên liệu nguyên sinh sang nguyên liệu giấy phế liệu, sử dụng tro bay và xỉ từ nhà máy nhiệt điện cho sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến các sản phẩm phụ từ chất thải nhà máy chế biến thủy sản, tái chế hóa chất và nguyên liệu từ chất thải điện tử, tái chế sắt thép, nhựa. Riêng trong lĩnh vực tái chế giấy, sắt thép và nhựa, mỗi năm, chúng ta cần tới gần 20 triệu tấn phế liệu (nhập khẩu chiếm đa số). Tiềm năng tiêu thụ tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất có thể lên đến hàng chục triệu tấn mỗi năm. Con số này đã có thể vượt quá tổng lượng chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp phát sinh hàng năm tại thời điểm hiện tại của Việt Nam.

Sản xuất sạch hơn: được giới thiệu ở Việt Nam từ những năm 1990 và cho đến này, có cơ sở pháp lý vững chắc, như thể hiện trong “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012, “Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012, “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012. Đó là chưa kể các nội dung được lồng ghép thực hiện với các chương trình khác như Chương trình khuyến công quốc gia, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 20 năm giới thiệu và triển khai ở Việt Nam, mức độ lan tỏa của sản xuất sạch hơn đã không được như mong muốn và vẫn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong các khó khăn trở ngại khi thực hiện sản xuất sạch hơn, thì rào cản kỹ thuật (công nghệ cũ và trung bình), động lực của doanh nghiệp và hạn chế trong công tác quản lý được coi là các lý do quan trọng nhất hạn chế sự lan tỏa của sản xuất sạch hơn tại Việt Nam.

Khu công nghiệp sinh thái: khái niệm khu công nghiệp sinh thái lần đầu tiên được quy định trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Khái niệm này thực tế vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam và hầu như chưa có thêm các quy định, văn bản pháp quy hỗ trợ phát triển mô hình này.

Tháng 8/2014 Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” đã được phê duyệt, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là trên 4,5 triệu USD từ Quỹ môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Dự án nhằm mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái; thí điểm tại KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ).

Từ năm 2014, thành phố Hải Phòng và thành phố Kitakyushu Nhật Bản đã có quan hệ kết nghĩa, hợp tác trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh TP Hải Phòng, trong đó có triển khai xây dựng mô hình KCNST Nam Cầu Kiền trở thành đơn vị tiên phong xây dựng mô hình KCNST theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Từ năm 2018, với những hợp tác và hỗ trợ từ các các bên, KCN Nam Cầu Kiền ngày càng hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí KCNST.

Các kết quả đánh giá tình hình thực hiện dự án cho thấy các hiệu quả và lợi ích kinh tế trong việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái trên nền tảng kỹ thuật hiện có, tuy nhiên cũng cho thấy các khó khăn cơ bản trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp trên cơ sở bán thành phẩm, phụ phẩm, chất thải nguyên liệu và năng lượng ở đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp đã tồn tại.

Với vai trò chủ trì, hướng dẫn triển khai cho các KCN, các Bộ, ngành cần nghiên cứu về chính sách ưu đãi cho các KCN trong triển khai mô hình, để các doanh nghiệp định hình và thấy được lợi ích to lớn của việc phát triển KCNST như hỗ trợ ưu đãi các KCNST giống với các Khu công nghệ cao.

Các doanh nghiệp là chủ đầu tư KCN chủ động đánh giá lại hệ thống quản lý, định hình lại định hướng phát triển của KCN; Khảo sát và kết nối cộng đồng doanh nghiệp phát triển cùng lợi ích phát triển kinh tế bền vững, phát triển các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ; Phát huy sáng tạo trong khai thác mô hình KCN hiệu quả, hợp lý, phù hợp quy hoạch KCN, quy hoạch vùng; Chú trọng yếu tố lâu dài trong phát triển nguồn nhân lực, giá trị văn hoá xã hội; Bảo vệ môi trường KCN trên cơ sở nâng cao hiệu quả, hợp lý, mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 2
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.

Định hướng công tác quản lý và chính sách kiểm soát nội bộ:

Nâng cao nhận thức về phát triển KCNST, mô hình kinh tế tuần hoàn; Quản lý doanh nghiệp trong KCN luôn chấp hành tốt các quy định.

Xây dựng bộ phận nghiên cứu triển khai và phối kết hợp kết nối cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng các tiêu chí.

KCN có những đề xuất từ thực tế của KCN với Ban Quản lý các KCN tại địa phương và các Ban ngành trong đưa ra bài toán khả thi để nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp.

Học hỏi, nghiên cứu các mô hình tiên phong triển khai thành công; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, và áp dụng phù hợp với KCN và tính chất quy mô của doanh nghiệp; Hoạch định các phương án quy hoạch, mục tiêu của KCN đối với các KCN xây dựng mới và đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với KCN hiện hữu để tìm ra nguyên nhân gặp phải trong chuyển đổi mô hình, có các phương án đánh giá tính khả thi và điều chỉnh cho phù hợp; Xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng tiện ích hợp lý, cung cấp đầy đủ; Xác định các lỗ hổng và cách thức tiến tới làm thế nào để điều chỉnh các luật và quy định cũng như các điều kiện kinh tế và tài chính để thực hiện các sáng kiến kinh tế tuần hoàn; Nghiên cứu các phương án giảm tối đa các rủi ro kinh tế, môi trường, xã hội; chia sẻ các tiện ích trong KCN.

Định hướng về môi trường:

Áp dụng sáng tạo và đảm bảo quy định trong xây dựng các công trình môi trường sinh thái, đáp ứng đầy đủ tiêu chí; Có kế hoạch lâu dài trong đánh giá các công trình, đảm bảo giám sát chặt chẽ toàn bộ hoạt động của các hệ thống, luôn có các kế hoạch phòng ngừa khắc phục; Doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của sản xuất sạch hơn, cộng sinh để tạo ra nguồn lợi nhuận các bên; Xây dựng hệ thống chuỗi kiểm soát các doanh nghiệp và có sự giám sát đánh giá khách quan hàng năm; Thiết kế các sản phẩm vì môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm, tăng hiệu quả sinh thái, đáp ứng nhiều thị trường khó tính.

Định hướng về phát triển kinh tế:

Các doanh nghiệp tham gia chặt chẽ cộng sinh công nghiệp với toàn bộ dây chuyền hoặc một phần, đồng thời phát triển các dịch vụ đi kèm nhằm tăng hiệu quả cho Dự án đặc biệt là các dự án quy mô vừa và nhỏ; Kết nối doanh nghiệp hiện hữu và các doanh nghiệp mới hỗ trợ nhau và tìm kiếm sự hợp tác thiết yếu; tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu từ địa phương nhằm giảm thiểu các chi phí không cần thiết; Tăng cường vòng đời sản phẩm, phát triển các sáng kiến của ngành và kết hợp liên ngành.

Định hướng truyền thông, đào tạo, tập huấn:

Tăng cường đào tạo, truyền thông các vấn đề hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp, KCN thông qua các mô hình sáng tạo; Triển khai nhiều hình thức đào tạo, tập huấn tại KCN.

Nghiên cứu các giải pháp xây dựng KCN sinh thái áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Khảo sát và đánh giá thực tiễn trường hợp KCN Nam Cầu Kiền 

Ngay từ khi thành lập, KCN Nam Cầu Kiền đã định hướng xây dựng và phát triển trở thành khu công nghiệp xanh thân thiện môi trường, công tác bảo vệ môi trường được KCN Nam Cầu Kiền chú trọng. Tâm huyết đó được thể hiện rõ trong cuốn sách “Sáng tạo trong Môi trường bền vững” do chính Tổng Giám đốc công ty biên soạn từ thực tế xây dựng KCN và toàn thể Ban Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên đồng lòng xác định đây là hướng đi, sứ mệnh phát triển của doanh nghiệp. KCN luôn quan tâm, tham dự, phối hợp các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình về bảo vệ Môi trường trong KCN, xây dựng KCNST do các Bộ, Ban ngành. Đồng thời việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đến ngày 22/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82/NĐ-CP/2018 về việc “Quy định quản lý khu công nghiệp Khu sinh thái”, trong đó, Điều 42 có nêu ra 8 tiêu chí xác định KCNST. Nhận thấy phù hợp với định hướng phát triển của mình, KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng và phát triển theo bộ tiêu chí với mong muốn xây dựng một KCNST, trong đó các cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích; đồng thời hợp tác chặt chẽ trong quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Với định hướng phát triển và hiện trạng của KCN Nam Cầu Kiền đáp ứng điều kiện để nghiên cứu áp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn theo các tiêu chí nghiên cứu. KCN nghiên cứu triển khai hoàn thiện mô hình và xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí sinh thái, kinh tế tuần hoàn để áp dụng mở rộng mô hình cho các dự án.

Giải pháp về phân nhóm Nhà đầu tư, Doanh nghiệp, sử dụng và phát thải

Trên cơ sở dữ liệu của các Doanh nghiệp, Nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Lãnh đạo Khu công nghiệp lên phương án nghiên cứu phân nhóm các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp theo các ngành sản xuất, doanh nghiệp có khả năng phát sinh khí xả, phế liệu…. ảnh hưởng đến môi trường để theo dõi, quản lý. Bao gồm một số nhóm chính:

  • Nhóm Nhà đầu tư, Doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề sản xuất
  • Nhóm Nhà đầu tư, Doanh nghiệp có phát sinh khí thải
  • Nhóm ngành xử lý tái chế chất thải

Giải pháp dổi mới tư duy quản lý KCN

Với những sáng tạo trên con đường xây dựng KCNST không chỉ có CĐT mà cần có sự giúp sức và đồng lòng của toàn bộ doanh nghiệp trong KCN. Tất cả các Nhà đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền đều nhận thức được rõ rệt tầm quan trọng và đưa việc BVMT phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh của mình.

Đối với chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, tư tưởng bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế cần hình thành trong tập quán sản xuất của từng Nhà đầu tư trong KCN. Biến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trở thành một lợi thế của các Nhà đầu tư trong KCN khi thương hiệu và sản phẩm đầu ra mang theo giá trị cốt lõi của Khu công nghiệp sinh thái. Để làm được điều đó, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng mạng lưới cộng đồng kết nối các DN từ tầng lãnh đạo đến cán bộ chuyên môn.

Giải pháp xây dựng hệ thống quản lý KCN

Mục đích :

Nêu cao vai trò điều hành, thiết lập các điều kiện cần thiết cho nền kinh tế TH; Tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành thành phố và giữa các chính quyền cấp tỉnh và khu vực; Thúc đẩy trao đổi thực hành giữa các tổ chức công, các tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp; Kết nối doanh nghiệp và trường đại học để kích thích sự đổi mới.

Phát triển và trang bị thêm các ngành phụ trợ và dịch vụ; Cải thiện việc thu thập dữ liệu có hệ thống hơn có thể cho phép đưa ra các quyết định sáng suốt, đo lường tiến độ và cải thiện việc thực hiện;

Gắn kết hơn nữa với các bên liên quan, góp phần tạo ra văn hóa kinh tế tuần hoàn.

Trở thành hình mẫu cho doanh nghiệp và công dân trong việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế vòng trong các hoạt động hàng ngày;

Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân và khởi nghiệp bằng cách trở thành khách hàng đầu tiên của các sản phẩm và hàng hóa sáng tạo;

Tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa nhiều bên nhằm làm cho nền kinh tế tuần hoàn diễn ra;

Quản lý được các nguồn năng lượng thay thế đã được sử dụng hoặc sẽ có trong tương lai;

Lập bản đồ mối liên kết kinh tế - môi trường – xã hội của tất cả các bên liên quan có liên quan đến kết quả hoặc có khả năng bị ảnh hưởng, cũng như trách nhiệm, động cơ cốt lõi và tương tác

Xác định đường lối ra quyết định cuối cùng, mục tiêu của sự tham gia của các bên liên quan và việc sử dụng đầu vào dự kiến.

Sử dụng các kỹ thuật tham gia của các bên liên quan, đảm bảo sự đại diện hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong quá trình.

Phân bổ nguồn nhân lực và tài chính phù hợp và chia sẻ thông tin cần thiết cho sự tham gia của các bên liên quan theo định hướng kết quả.

Thường xuyên đánh giá quá trình và kết quả của sự tham gia của các bên liên quan để học hỏi, điều chỉnh và cải tiến cho phù hợp.

Thành lập Ban quản trị môi trường trong KCN

Nhằm phát triển theo định hướng chung và hệ thống hóa bộ máy quản trị môi trường KCN, công ty CP Shinec đã ký Quyết định về việc thành lập Ban Quản trị môi trường KCN Nam Cầu Kiền nhằm xây dựng bộ quy chuẩn quản lý hạ tầng Môi trường chung KCN và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư với tiêu chí phát triển kinh tế xanh bền vững.

Sau khi nhận thấy sự phù hợp với định hướng phát triển với tiêu chí KCNST của Nghị định 82/2018/ND-CP, Công ty CP Shinec đã kiện toàn lại bộ Ban Quản trị môi trường và đổi tên thành Ban dự án Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.

Ban quản lý dự án KCNST được thành lập với vai trò quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng dự án khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền. Ban quản lý dự án bao gồm:

Trưởng ban: Chịu trách nhiệm dự án, chủ nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo các Quyết định, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ lên Ban quản trị công ty;

Ban kiểm soát: Phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới xây dựng dự án khu công nghiệp sinh thái;

Các bộ phận cấp dưới sẽ thực hiện trực tiếp, triển khai, phổ biến thông tin tới các phòng ban nắm bắt và thực hiện; Tổng hợp báo cáo kinh phí và kết quả.

Các công tác quản lý và theo dõi thực hiện dự án được tiến hành theo các quy định của Nhà nước về Quản lý đầu tư kinh doanh KCN. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền trong quá trình thực hiện dự án dưới sự quản lý trực tiếp của ban quản lý dự án thuộc Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần SHINEC.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 3

Giải pháp về cơ chế chính sách

Mục đích :

  • Hỗ trợ tài chính xây dựng KCN sinh thái
  • Về cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho KCN áp dụng dạng mô hình KTTH;
  • Sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương tại địa bàn của KCN Nam Cầu Kiền (chính quyền địa phương)
  • Xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến về mô hình KTTH đối với các doanh nghiệp trong KCN:
  • Thúc đẩy thị trường tài chính xanh cho đầu tư

Thiết kế các công cụ chính sách góp phần tạo ra các quy định có lợi cho mô hình kinh doanh, tạo ra cung cầu lớn hơn cho các sản phẩm, vật liệu;

Tăng cường hiệu quả của việc kiểm tra các giấy phép môi trường khi vẫn BVMT như cũ để tăng tốc độ phát triển và thiết lập sản xuất bền vững thông qua các sáng kiến, kinh tế tuần hoàn và công nghệ tiên tiến;

Tạo động lực cho doanh nghiệp thông qua sáng tạo, đổi mới các mô hình phụ trợ:

Đổi mới và mô hình kinh tế tuần hoàn;

Thực hiện các biện pháp tăng động lực của các công ty và khả năng thay đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn;

Áp dụng đổi mới tạo các mô hình kinh doanh mới thông qua bán các chức năng và các dịch vụ;

Sản xuất các sản phẩm với tuổi thọ dài hơn có thể được sửa chữa và hiện đại hoá;

Phát triển tái chế, số hoá, truy xuất nguồn gốc; Nâng cao năng suất kinh tế với các ngành công nghiệp lành mạnh về môi trường và các quy trình công nghệ đặc biệt thông qua đa dạng hoá, công nghiệp nâng cấp đổi mới;

Phát triển một chiến lược về nền kinh tế tuần hoàn để tăng cường sự gắn kết giữa các sáng kiến hiện có và xây dựng một tầm nhìn toàn cầu và mạnh mẽ cho nền kinh tế TH;

Thúc đẩy văn hóa kinh tế tuần hoàn và khuyến khích các giải thưởng và chứng nhận cho các dự án kinh tế tuần hoàn;

Phát triển các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực kỹ thuật; tạo không gian để thử nghiệm, và; phát triển một hệ thống thông tin, giám sát và đánh giá;

Thiết lập một cơ chế một cửa cho các doanh nghiệp tuần hoàn và hỗ trợ khởi nghiệp;

Đóng vai trò là người thúc đẩy, hỗ trợ và ban hành chiến lược kinh tế tuần hoàn KCN;

Phát triển một kế hoạch tài chính. Thiết kế một tập hợp các hành động để thực hiện các mục tiêu đã xác định, đặt ra các kết quả mong đợi và phân bổ ngân sách và nguồn lực.

Giải pháp về kỹ thuật

Mục đích :

Báo cáo đề xuất các hành động cụ thể để cải thiện khả năng của doanh nghiệp tới BQL tập hợp các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện và kích hoạt nền kinh tế tuần hoàn;

Thiết kế sản phẩm theo cách có thể tái chế và phân tách, dây chuyền công nghệ chung dễ dàng;

Tách nguồn chất thải nhựa, có các định hướng cho độ cứng, độ dẻo và quang học cho sản phẩm;

Tập trung lĩnh vực liên quan đến dòng nguyên liệu với chu kỳ sản phẩm ngắn, khối lượng lớn, mức độ tái chế thấp.

Tăng cường các giải pháp tuần hoàn các dòng vật chất, tiết kiệm tài nguyên;

Áp dụng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong sản xuất.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 4
Khu vực xử lý nước thải tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền.

Xây dựng quy chế quản lý môi trường tại KCN Nam Cầu Kiền

Tất cả các nhà máy đầu tư vào KCN đều phải thực hiện các yêu cầu của pháp luật về Môi trường và quy định chung của KCN bao gồm:

  • Thực hiện lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án;
  • Có các công trình, biện pháp xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn xả theo quy định. Các công trình bảo vệ môi trường cho dự án trong giai đoạn hoạt động phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
  • Các nhà máy phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải của KCN Nam Cầu Kiền trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải của KCN.
  • Có các biện pháp quản lý nước mưa, quản lý phế liệu, tập kết, vận chuyển hàng hoá.
  • Các nhà máy phải có các công trình lưu giữ CTR và CTNH, RTSH và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
  • Có trách nhiệm quản lý vận hành đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường và có trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường KCN trong toàn bộ vòng đời của dự án khi hoạt động tại KCN; Đóng góp các ý tưởng và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế và chung tay xây dựng KCNST;
  • Phối hợp các bên trong phát hiện các vi phạm môi trường và xử lý các vấn đề môi trường phát sinh.
  • Các cơ sở trong KCN phải thực hiện giám sát các thành phần môi trường theo đúng quyết định đã được phê duyệt.
  • Trong thời gian tới sẽ yêu cầu các nhà đầu tư có phát sinh khí thải và nước thải phải tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc online để giám sát hoạt động xả thải của nhà đầu tư 24/7.
  • Cập nhật hồ sơ môi trường và báo cáo cho KCN theo dõi giám sát chung và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu.

Về trách nhiệm của KCN là thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước thải sản xuất tại các cơ sở trong KCN. Hiện tại KCN đã có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp công suất 2.000 m3/ngày đêm xử lý toàn bộ nước thải của các nhà máy trong KCN.

KCN cũng thực hiện giám sát việc tuân thủ các quy định môi trường trong quá trình hoạt động của các Nhà máy trong KCN và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý Nhà máy hoạt động tại KCN.

Quy chế quản lý các nhà đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền

Nhà đầu tư khi hoạt động kinh doanh tại NCK cần tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy của KCN.

Các nhà máy trong quá trình thi công xây dựng hoặc sản xuất phải làm tốt các biện pháp ngăn ngừa, nhằm tránh xảy ra các trường hợp như rung động, tiếng ồn, bức xạ, điện từ trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, bụi bặm, mùi lạ, chất độc hại v.v…cần trang bị thiết bị cần thiết để định kỳ kiểm đo phù hợp các qui định hiện hành của cơ quan ban ngành, trường hợp vượt quá mức qui định cho phép, thì phải ngưng thi công khắc phục ngay.

Chất phế thải và rác sinh hoạt phát sinh trong quá trình sản xuất, DN phải ủy thác bên ngoài hoặc tự xử lý trong nội bộ tuỳ từng loại chất thải có độc hại, dễ cháy, và thu hồi tận dụng được để phân loại tập trung và để nơi qui định mà xe rác có thể chạy vào xúc lên xe được, không được vứt bừa bãi, khi vận chuyển nếu làm rơi vãi xuống đường phải cho vệ sinh thu dọn sạch nhằm giữ gìn KCN sạch đẹp.

Các loại dầu, nhớt phế trong quá trình sửa chữa thiết bị máy móc, xe cộ phải được thu gom và xử lý đúng quy định, không được làm đổ xuống nền nhà hoặc cống mương gây ô nhiễm môi trường.

Khi lưu trữ và vận chuyển chất dễ cháy và chất nguy hại, tuyệt đối phải thực hiện đúng các qui định hiện hành, chỉ được lưu kho sau khi đã làm tốt các biện pháp phòng ngừa và được sự đồng ý của Chủ đầu tư KCN.

DN có trách nhiệm kiểm soát tốt việc quản lý nguồn nguyên vật liệu và sản phẩm của dự án trong suốt quá trình hoạt động, có phương án khắc phục sự cố phát sinh trong thời gian ngắn nhất đảm bảo chất lượng môi trường theo quy định chung. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc phát sinh sự cố nghiêm trọng, Doanh nghiệp bằng chi phí của mình tiến hành các nghiệp vụ phát sinh trong quản lý, giám sát và quan trắc đánh giá hiện trạng và đánh giá tình trạng sau khắc phục.

DN có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Bụi có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 5
  1. Nước thải:
  • Hệ thống thu gom bên ngoài khu vực thuê đất của nhà đầu tư

Doanh nghiệp phải thiết kế Hệ thống thu gom nước thải nội bộ riêng cho Khu đất thuê. Yêu cầu tối thiểu đối với Hệ thống thu gom nước thải nội bộ để đấu nối vào Hệ thống chung của KCN là:

  • Đường ống ngầm từ khu đất của Doanh nghiệp đến Điểm đấu nối.
  • Xây dựng hố ga có lắp cửa phai để ngăn ngừa tình trạng xả trộm nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thu gom nước thải của KCN.
  • Điểm lấy mẫu nước thải để tạo thuận lợi cho việc lấy mẫu nước thải.

Doanh nghiệp cần phải bảo trì Hệ thống thu gom nước thải nội bộ tới Điểm đấu nối để tránh bị tắc và không được xả nước thải cho bất kỳ bên thứ ba nào xử lý hoặc xả thải.

  • Hệ thống thu gom nước thải nội bộ của Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải tuân thủ các điều khoản và điều kiện trong Hợp đồng dịch vụ và tiện ích và các giới hạn xả thải của Nước thải công nghiệp đã xử lý sơ bộ theo yêu cầu của KCN. Nếu cần thiết thì nước thải từ hoạt động công nghiệp của Doanh nghiệp phải được xử lý sơ bộ trước khi thải vào Hệ thống thu gom chung của KCN để đảm bảo nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn nêu tại đầu vào đã được thiết kế riêng cho Hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Việc xử lý sơ bộ này là trách nhiệm của Doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không được phép xả nước thải có chứa các chất sau đây:

  • Cặn lắng hay bùn
  • Vật liệu rắn
  • Các chất dễ cháy hay dễ nổ
  • Các chất không thể phân hủy bằng sinh vật (Synthetic polymers, MEG, surfactants,…)
  • Thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm
  • Chất tạo màu
  • Chất tạo mùi như: mercaptants, p-cresols, hydrogen sulfate,…
  • Các yếu tố có thể gây hư hỏng hệ thống ống nước thải hoặc tổn hại hệ vi sinh vật.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho Chủ đầu tư KCN nếu nước thải không đáp ứng các tiêu chuẩn của KCN và ngay lập tức ngừng xả thải vào Hệ thống thu gom chung. Doanh nghiệp phải chấp nhận kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm của Việt Nam đã được cấp phép của Bên thứ ba trong trường hợp nước thải không đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn Bên thứ ba này. Doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến việc xả nước thải không đạt tiêu chuẩn.

Khi có bất kỳ nghi ngờ nào về nước thải của Doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn xả thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN hoặc Chủ đầu tư KCN nhận được phản hồi của bất kỳ Bên thứ ba nào về nước thải của Doanh nghiệp, nếu cần thiết và có cơ sở, Chủ đầu tư KCN có quyền đến lấy mẫu phân tích tại bất kỳ thời điểm nào hoặc yêu cầu Doanh nghiệp tiến hành phân tích mẫu nước thải và yêu cầu ngừng ngay lập tức việc xả thải vào Hệ thống chung. Doanh nghiệp phải chấp nhận kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm của Việt Nam đã được cấp phép của Bên thứ ba trong trường hợp nước thải không đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn Bên thứ ba này. Doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến việc xả nước thải không đạt tiêu chuẩn.

Doanh nghiệp có trách nhiệm nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và các quy định liên quan đến nước thải, nước sạch và hành lang an toàn hệ thống thoát nước mưa. Hành lang an toàn hệ thống ống ngầm giữa nước thải, nước sạch và thoát nước mưa là 1m.

Nghiêm cấm việc hòa loãng nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải chung của KCN.

  • Việc kiểm tra do Chủ đầu tư KCN thực hiện

Chủ đầu tư KCN có thể tự ý kiểm tra hệ thống thoát nước thải nội bộ của Doanh nghiệp. Việc kiểm tra này là việc xem xét chi tiết và so sánh giữa hệ thống đấu nối thoát nước thải thực tế với hệ thống đấu nối thoát nước thải đã đăng kí. Nếu Chủ đầu tư KCN nghi ngờ về việc xả thải của Doanh nghiệp không đúng với nội dung đăng ký, khai báo, Chủ đầu tư KCN sẽ gửi thông báo kiểm tra cho Doanh nghiệp. Kết luận trong thông báo này bao gồm một danh mục các việc mà Doanh nghiệp phải thực hiện để tuân thủ theo các quy định của KCN.

  • Thay đổi hệ thống đấu nối thoát nước thải

Trước khi tiến hành thay đổi hệ thống đấu nối thoát nước thải, Doanh nghiệp phải trình Chủ đầu tư KCN phê duyệt phương án thay đổi kèm thiết kế chi tiết.

Khi thực hiện các công việc ngoài ranh giới khu đất của Doanh nghiệp, phải tuân thủ các nội quy và quy định của KCN.

Sau khi được Chủ đầu tư KCN phê duyệt bằng văn bản, Doanh nghiệp có thể triển khai các công việc trên hệ thống đấu nối thoát nước thải .

Nếu hệ thống đấu nối thoát nước thải và hồ sơ giấy tờ không đáp ứng được yêu cầu, Chủ đầu tư KCN sẽ thông báo cho Doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện các sửa đổi cần thiết.

  1. Nước mặt:
  • Hệ thống thu gom bên trong Khu đất thuê

Nước mưa được thu gom trong hệ thống thu gom nước mặt của KCN được đưa thẳng ra sông hồ mà không qua xử lý. Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng nước mưa được thu gom và xử lý đảm bảo các giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước mặt quy định tại cột B1, QCVN 08:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt trước khi xả vào hệ thống thu gom nước mặt chung của KCN.

Doanh nghiệp phải thiết kế Hệ thống thu gom nước mặt nội bộ riêng cho Khu đất thuê. Nghiêm cấm xả nước bị ô nhiễm, nước thải, rác thải rắn hoặc bất kỳ loại nước nào khác ngoại trừ nước mưa vào hệ thống thoát nước mặt.

  • Quy trình đấu nối tiêu chuẩn

Doanh nghiệp phải đăng kí với Chủ đầu tư KCN để chấp nhận Hệ thống thoát nước mặt của mình trước khi thực hiện đấu nối.

Doanh nghiệp phải trình chủ đầu tư KCN các tài liệu liên quan đến hệ thống thoát nước và vị trí đấu nối vào hạ tầng KCN. Chủ đầu tư KCN sẽ xem xét và thoả thuận với nhà đầu tư.

  • Việc kiểm tra do Chủ đầu tư KCN thực hiện

Chủ đầu tư KCN có thể tự ý kiểm tra hệ thống thoát nước mặt nội bộ của Doanh nghiệp. Việc kiểm tra này là việc xem xét chi tiết và so sánh giữa hệ thống đấu nối thoát nước mặt thực tế với hệ thống đấu nối thoát nước mặt đã đăng kí. Nếu Chủ đầu tư KCN nghi ngờ về việc thoát nước mặt của Doanh nghiệp không đúng với nội dung đăng ký, khai báo. Chủ đầu tư KCN sẽ gửi thông báo kiểm tra cho Doanh nghiệp. Kết luận trong thông báo này bao gồm một danh mục các việc mà Doanh nghiệp phải thực hiện để tuân thủ theo các quy định của KCN.

  • Thay đổi hệ thống đấu nối thoát nước mặt

Trước khi tiến hành thay đổi hệ thống đấu nối thoát nước mặt, Doanh nghiệp phải trình Chủ đầu tư KCN phê duyệt phương án thay đổi kèm thiết kế chi tiết.

Sau khi được Chủ đầu tư KCN phê duyệt bằng văn bản, Doanh nghiệp có thể triển khai các công việc trên hệ thống đấu nối thoát nước mặt .

Nếu hệ thống đấu nối thoát nước mặt và hồ sơ giấy tờ không đáp ứng được yêu cầu, Chủ đầu tư KCN sẽ thông báo cho Doanh nghiệp và yêu cầu thực hiện các sửa đổi cần thiết.

  1. Thiết bị phòng cháy chữa cháy:

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy, bằng chi phí của mình, đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp và được Cấp thẩm quyền phê duyệt.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 6

Xây dựng hệ tiêu chuẩn sinh thái NCK ECO IP của KCN

Tiêu chuẩn xả thải vào hệ thống của KCN đối với các nhà đầu tư trong KCN áp dụng cho:

  • Hệ thống thu gom nước thải ngoài tường rào của KCN.
  • Toàn bộ nước thải của các đơn vị trong khu công nghiệp
  • Hệ thống xử lý nước thải

Xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

KCN và các doanh nghiệp chủ động xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và đào tạo, tập huấn hàng năm nhằm tăng cường các kỹ năng khi phát sinh các sự cố, nâng cao công tác phối hợp giữa các bên.

Kế hoạch triển khai đầy đủ các nội dung đánh giá bao quát dự án và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, khi đó các doanh nghiệp cần có trách nhiệm:

  • Tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, văn hóa doanh nghiệp, BVMT và phòng chống cháy nổ;
  • Phối hợp với lực lượng công an và cơ quan có thẩm quyền xây dựng phương án phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực;
  • Xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung và các công trình BVMT khác theo quy định của pháp luật về BVMT.

Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường phát sinh, đồng thời nâng cao tính chủ động trong việc phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, công ty Cổ phần Shinec xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn KCN Nam Cầu Kiền năm 2020 như sau:

  • Dự báo nguy cơ xảy ra sự cố tại các khu vực dùng chung – khu tiện ích, cơ sở hạ tầng của KCN
Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 7
Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 8

Dự báo nguy cơ xảy ra sự cố tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN

Mỗi doanh nghiệp trong KCN đều có một loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau. Đối với đặc thù ngành nghề của mình các doanh nghiệp thứ cấp tự thực hiện công tác quản lý môi trường trong phạm vi ranh giới khu đất thuê.

Khi sự cố xảy ra tại một (nhiều) Doanh nghiệp (DN) trong KCN, chủ đầu tư KCN cần thực hiện các công việc sau:

  • Tiếp nhận thông tin về sự cố từ DN;
  • Xác định sơ bộ loại sự cố, mức độ và phạm vi ảnh hưởng;
  • Thông báo khẩn đến các đơn vị liên quan (BV, PCCC, BPMT,…);
  • Điều phối các đơn vị ứng phó khẩn cấp từ bên ngoài vào KCN;
  • Phối hợp với DN thực hiện ứng phó khẩn cấp.

Chủ đầu tư KCN chỉ đề cập đến các phát thải ngoài hàng rào khu đất thuê bao gồm việc rò rỉ hóa chất, nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa,… gây ô nhiễm môi trường: Tất cả các bên có trách nhiệm phải đảm bảo là các nguồn nhân lực, thiết bị (thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị bảo hộ cá nhân), tài chính và các nguồn lực cần thiết khác luôn sẵn sàng để triển khai ngay trong trường hợp sự cố sắp xảy ra, hoặc khi xảy ra.

Việc kiểm soát rò rỉ nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa, doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra các mối nối, định kỳ hàng năm nạo vét hố ga và đường ống. Trước khi doanh nghiệp đấu nối phải thông báo cho KCN xuống kiểm tra khu vực phát sinh nước thải xem có đấu nối sang hệ thống thoát nước mưa không.

Doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành tốt các biện pháp kiểm soát tốt vấn đề môi trường không khí, quản lý chất thải rắn ra các khu vực chung của KCN; Phát thải chất thải từ quá trình vận chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị ra vào KCN,…..

Hàng ngày, bộ phận Quản lý hạ tầng – Môi trường KCN thực hiện công tác tuần tra, giám sát, theo dõi nắm bắt tình hình về tình trạng môi trường chung của KCN để kịp thời thông báo, nhắc nhở, xử lý… các đơn vị vi phạm và yêu cầu khắc phục. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, khi phát hiện vi phạm phải yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra khắc phục ngay. Trường hợp doanh nghiệp không phối hợp, tổ chức lấy mẫu, ghi lại hành vi vi phạm và thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp xử lý.

  • Phương án xử lý tình huống xảy ra sự cố môi trường (Sự cố giả định)
  • Sự cố rò rỉ chất thải nguy hại: Bột phốtpho, thủy ngân bóng đèn huỳnh quang

Giả định

- Nơi xảy ra: Kho chứa CTNH KCN

- Thời gian: Hồi 08h00 ngày tháng năm 20....

  • Nguyên nhân : Do đầy tràn thùng chứa
  • Khả năng phát tán: Chất thải có thể tràn ra toàn bề mặt kho chứa, lẫn vào các chất thải khác và ra môi trường.
  • Kế hoạch triển khai ứng phó:
  • Ngay khi phát hiện bóng đèn bị rò rỉ, Công nhân viên phải Thông báo cho Ban lãnh đạo Công ty triển khai ứng phó;
  • Yêu cầu Người phụ trách quản lý CTNH của doanh nghiệp xử lý bước đầu: Người thực hiện phải được trang bị bảo hộ như: quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, găng tay, giầy… khoanh vùng khu vực phát tán.
  • Hủy bỏ, che chắn các nguồn thông gió vào khu vực xảy ra rò rỉ chất thải;
  • Liên hệ ngay với đơn vị chuyên trách có chức năng để thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát tán.
  • Sự cố rò rỉ hóa chất, nước thải, chất thải của các Doanh nghiệp thứ cấp ra Môi trường chung KCN

Giả định

- Nơi xảy ra : Một DN thứ cấp trong KCN

- Thời gian: Hồi 08h00 ngày tháng năm 20....

  • Nguyên nhân : Thực hiện không đúng nội quy KCN
  • Kế hoạch triển khai ứng phó:
  • Nhận diện hóa chất nguy hại và các vị có nguy cơ xảy ra sự cố: Ngay khi phát hiện hóa chất, nước thải, chất thải bị rò rỉ, công nhân viên phải Thông báo cho Ban lãnh đạo Công ty triển khai ứng phó;
  • Yêu cầu Người phụ trách quản lý môi trường của doanh nghiệp xử lý bước đầu: Người thực hiện phải được trang bị bảo hộ như: quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, găng tay, giầy,… khoanh vùng khu vực phát tán;
  • Hủy bỏ, che chắn các nguồn thông gió vào khu vực xảy ra rò rỉ chất thải;
  • Liên hệ ngay với đơn vị chuyên trách có chức năng để thu gom, xử lý chất thải nguy hại phát tán.
  • Sự cố tràn dầu của các Doanh nghiệp thứ cấp:

Giả định

- Nơi xảy ra : Một DN thứ cấp trong KCN

- Thời gian: Hồi 9h00 ngày tháng năm 20....

  • Nguyên nhân: Rò rỉ dầu trong quá trình vận chuyển trên đường nội bộ KCN
  • Kế hoạch triển khai ứng phó:

Bước 1: Ngăn chặn nguồn phát sinh và tìm hiểu rõ nguyên nhân và liên hệ với Doanh nghiệp gây rò rỉ dầu: Cô lập, khoanh vùng cách li ban đầu và loại bỏ nguồn gây cháy trong vùng cách li;

Bước 2: Cô lập khẩn cấp không cho dầu loang rộng: Trong trường hợp bị tràn ngoài bờ bao, đắp đê bằng các phao quây dầu/ hóa chất chuyên dụng hoặc tương đương để ngăn chặn lan tỏa. Sử dụng các phương tiện tạo kênh, rãnh, hố hoặc các vật cản, điều hướng dòng chảy vào các hố lưu giữ, khu vực trũng, vũng sâu, kênh,…. Để dễ thu hồi, ngăn không cho chảy vào nguồn nước, hệ thống cống rãnh, khu vực dân sinh; 

Bước 3: Thu hồi dầu tràn và làm sạch xử lý ô nhiễm: Sử dụng các phương tiện chuyên dụng có khả năng hút chất lỏng (xe bồn, xe cứu hỏa, xe hút vệ sinh, bơm hút, gàu, xô, chậu,…) thu hồi xăng, dầu trong khu vực vào thiết bị chứa, hạn chế sự bay hơi của nhiên liệu;

Bước 4: Vệ sinh, bảo trì và mua sắm trang thiết bị tiêu hao.

Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 9
  • Kế hoạch triển khai ứng phó các sự cố giả định tại KCN
Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 10
Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối) - Ảnh 11

Xây dựng phương án bố trí lực lượng để sẵn sàng ứng phó sự cố

Thành lập bộ phận môi trường chuyên trách Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã thành lập Bộ phận môi trường với 03 nhân sự chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường KCN có nhiệm vụ:

  • Kiểm soát các vấn đề môi trường phát sinh của KCN – Công ty CP Shinec và các Nhà đầu tư thuê đất trong KCN. Đảm bảo việc thực hiện theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt;
  • Xây dựng và quản lý quy trình vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN khi Nhà thầu bàn giao lại. Trong quá trình đó phải kiểm soát Hồ sơ, công nghệ, Thuê tư vấn lập Báo cáo và đăng ký xả thải ra môi trường. Làm các thủ tục để đóng phí xả thải với cơ quan chức năng;
  • Kiểm soát vấn đề môi trường của Các Nhà đầu tư theo ĐTM của họ đã được phê duyệt và các thỏa thuận đã cam kết với KCN bằng các Hợp đồng dịch vụ, Hợp đồng thuê đất và các phụ lục đính kèm Hợp đồng thuê đất. Trên cơ sở đó kiểm soát các hành động vi phạm và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời và khắc phục mọi sự cố không mong muốn có thể xảy ra;
  • Xây dựng Sổ tay quản lý môi trường; các Dịch vụ tiện ích của KCN và các Nội quy, quy định là chế tài áp dụng cho tất cả các Nhà đầu tư trong KCN;
  • Hỗ trợ các Nhà đầu tư trong vấn đề từ thành lập doanh nghiệp đến các công tác Môi trường khi Nhà đầu tư gặp vướng mắc và là cầu nối tới các cơ quan Quản lý (Huyện, Sở, Xã, Thành phố - Heza, Công an các cấp…) trong quá trình quản lý theo ngành dọc của họ đối với các Nhà đầu tư;
  • Tìm kiếm, đề xuất các giải pháp, thực hiện một số thủ tục Môi trường cho KCN và Nhà đầu tư.

Ngoài bộ phận môi trường chuyên trách, KCN Nam Cầu Kiền còn có các Bộ phận chuyên trách như: Đội PCCC chuyên trách với 12 nhân sự được đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ về PCCC-CHCN; Đội Bảo vệ chuyên trách với 20 nhân sự được huấn luyện và cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.

Với 3 bộ phận là: Môi trường; Bảo vệ an ninh trật tự, PCCC-CHCN là các bộ phận chuyên trách lòng cốt luôn sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường nếu có xảy ra trên địa bàn KCN.

Các bước chính xử lý khi xảy ra sự cố

Bước 1: Báo động có sự cố;

Bước 2: Xác định nguồn phát sinh sự cố, rò rỉ và ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm và hạn chế sự lan rộng;

Bước 3: Xử lý triệt để việc phát sinh sự cố, tràn đổ chất thải không để lặp lại. Trong quá trình thực hiện cần chú ý công tác cháy nổ, chống điện giật,...;

Bước 4: Thông báo, báo cáo chi tiết các thông tin liên quan đến sự cố sau khi kết thúc ứng phó.

Các hoạt động sau sự cố

Chủ đầu tư KCN chủ trì hoặc phối hợp với các bên liên quan thực hiện các hoạt động sau sự cố sau đây:

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng phó sự cố, theo quy định của pháp luật;

Phục hồi cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước và cung cấp điện, dọn dẹp các hiện trường ngay sau khi sự cố đi qua;

Cập nhật kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường

Theo dõi đào tạo, diễn tập kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường

  • Tập huấn, truyền thông và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường:
  • Tập huấn cho các doanh nghiệp về các quy định pháp lý liên quan, các chính sách của KCN, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố,...;
  • Truyền thông cho cộng đồng về các sự cố có thể xảy ra từ KCN, các ảnh hưởng, cách phòng ngừa và giảm thiểu tác hại, các họat động ứng phó và làm sạch sau sự cố,...;
  • Tổ chức diễn tập ứng phó SCTM cho chính doanh nghiệp của mình và các thiết bị hạ tầng chung của KCN.

Giải pháp về Truyền thông – Cộng đồng

Mục đích:

  • Nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn thông qua việc tăng cường truyền thông (thông qua một trang web chuyên dụng, các chiến dịch truyền thông, chia sẻ câu chuyện thành công trên các phương tiện truyền thông để thúc đẩy các dự án và sáng kiến) và tạo không gian cho các cuộc họp và đối thoại;
  • Tổ chức các sự kiện chia sẻ kiến thức, giao lưu kết nối và thúc đẩy nền kinh tế chu chuyển ở cấp địa phương.
  • Sử dụng mạng xã hội để cập nhật nhanh chóng dành riêng cho các sáng kiến kinh tế tuần hoàn.
  • Thúc đẩy việc thành lập một nhóm các doanh nghiệp tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn.
  • Thúc đẩy truyền thông và các sự kiện cho trẻ em và học sinh.
  • Thúc đẩy cạnh tranh các ý tưởng, giải thưởng và chứng nhận cho các sáng kiến kinh tế tuần hoàn sẽ kích thích các ý tưởng và dự án mới và cung cấp hỗ trợ thực hiện, bao gồm các cơ hội tài trợ và không gian để thử nghiệm;
  • Phối hợp với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu để phân tích các tiêu chí cho các chứng nhận / nhãn tuần hoàn. Ví dụ: Sử dụng vật liệu tái chế/ Phân tích vòng đời/ Trình bày kế hoạch thải bỏ vật liệu hoặc bộ phận/ Kéo dài tuổi thọ sản phẩm.

Nội dung của giải pháp gồm:

  • Tiếp cận sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, đối tác, doanh nghiệp
  • Tham gia và đóng góp ý kiến tích cực trong các Hội thảo về Môi trường và xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp, kế hoạch xây dựng KCNST
  • Tạo cơ hội xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp trong KCN
  • Xây dựng Cộng đồng doanh nghiệp KCN
  • Truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường

Nhóm tác giả:

TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCNST Nam Cầu Kiền

Doanh nhân Đặng Việt Bách, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Luyện thép Cao cấp Việt Nhật

Nhà báo Nguyễn Thiệu Anh, nguyên Viện trưởng Viện IOHEC

Cùng các cộng sự

Bạn đang đọc bài viết Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái (Bài cuối). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.