Thứ năm, 21/11/2024 18:24 (GMT+7)
Thứ hai, 04/11/2024 13:58 (GMT+7)

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Mô hình KCN sinh thái đã được đưa ra trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, nhưng cho đến nay, thực tế triển khai KCN sinh thái vẫn gặp nhiều bất cập, vướng mắc...

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Công ty CP Shinec đi tiên phong xây dựng KCN Nam Cầu Kiền thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt đầu tư.

Bài 1: Tổng quan nghiên cứu về khu công nghiệp và khu công nghiệp sinh thái

Việt Nam, cứ nói đến khu công nghiệp là gặp ngay nỗi ám ảnh về ô nhiễm và khói bụi, về những thảm hoạ môi trường đã gây ra. Nguyên do: Nền kinh tế tuyến tính truyền thống lâu này đã gây ra sự gia tăng rác thải vô cùng lớn. 

Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 20 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển.

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2

Nền kinh tế tuyến tính làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Dự báo tới năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than mỗi năm. Việc tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng, cũng như lãng phí phế thải không chỉ gây cạn kiệt dần tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cao, đặt biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Và hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải.

Theo đó, các cam kết trong FTA thế hệ mới, buộc các doanh nghiệp phải chú trọng đến lĩnh vực môi trường, lao động, phát triển bền vững và quản trị... nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt là cam kết về lao động, chế độ đời sống, không gian sinh hoạt trong môi trường sản xuất, tăng cường thực hiện kế hoạch sản xuất sạch và tiêu dùng xanh... Bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại.

Và mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) đã được đưa ra trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 và Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế. Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3
 Mô hình đề xuất các kết nối cộng sinh tại KCN Trà Nóc 1&2 (Báo cáo Bộ KH&ĐT, 2019)

Đối với mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), đây là mô hình ưu việt, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hay nói cách khác, mô hình KTTH chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, chất thải được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, hướng đến không thải ra môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Một là, KTTH không đơn giản là xử lý và tái chế chất thải của quá trình sản xuất đang có mà hướng tới việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống, quy trình sản xuất sao cho sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên và chất thải tạo ra có thể tái sử dụng.

Hai là, KTTH là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới.

KTTH không phải là xử lý chất thải, ngược lại, KTTH hướng tới việc “thiết kế chất thải” (Designing waste), tức là các quy trình sản xuất phải thay đổi ngay từ đầu, tính toán sao cho chất thải tạo ra sẽ có thể được tái sử dụng, tái chế ở mức độ cao nhất, trở lại thành đầu vào cho sản xuất. KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà trong một nền kinh tế có chứa nhiều mô hình KTTH. Mô hình KTTH không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức, là con đường để hướng đến phát triển bền vững.

Thực tế đã chứng minh, mô hình KCNST và KTTH góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bằng việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thiểu các chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với các KCN ở Việt Nam, việc áp dụng mô hình KTTH là phương thức ưu việt, phù hợp và đúng đắn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong chiến lược vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, KTTH sẽ song hành với các chương trình chiến lược như kinh tế xanh, sản xuất sạch… góp phần vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường bền vững.

Khái niệm chung về Khu công nghiệp

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 4

Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được quy hoạch tại những vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, trong đó, tập trung các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Khu công nghiệp gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm: Khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái.

Từ năm 2018, Nghị định 82 đã nêu rõ, Việt Nam có ba loại hình khu công nghiệp cơ bản đó là:

Khu công nghiệp hỗ trợ

Khu công nghiệp đô thị dịch vụ

Khu công nghiệp sinh thái

Trên thực tế, chúng ta có hai mô hình đầu tư vào khu công nghiệp:

Thứ nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi các nhà đầu tư vào thuê đất tổ chức sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là mô hình được đầu tư đồng bộ thành một khu công nghiệp.

Về cơ bản, các khu công nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất để kêu gọi các doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp khu công nghiệp là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu công nghiệp, gồm doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ. Doanh nghiệp sản xuất khu công nghiệp là doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu công nghiệp. Doanh nghiệp dịch vụ khu công nghiệp là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu công nghiệp, dịch vụ sản xuất công nghiệp.

Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh (trừ trường hợp có quy định riêng cho từng loại ban quản lý) là cơ quan quản lý trực tiếp các khu công nghiệp, khu chế xuất trong phạm vi địa lý hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ban quản lý trên địa bàn liên tỉnh hoặc Ban quản lý một khu công nghiệp (trường hợp cá biệt) hoặc Ban quản lý khu công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Doanh nghiệp khu công nghiệp có nghĩa vụ:

Tuân thủ pháp luật, điều lệ quản lý khu công nghiệp, quyết định chấp thuận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đăng ký với Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh: số lượng, khối lượng sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ từ thị trường trong nước (đối với doanh nghiệp khu công nghiệp), số lượng phế phẩm, phế liệu còn giá trị thương mại từ doanh nghiệp chế xuất bán vào thị trường trong nước và hàng hóa từ thị trường trong nước được mua chuyển vào doanh nghiệp chế xuất (đối với doanh nghiệp chế xuất).

Đối với doanh nghiệp khu công nghệ cao, ngoài việc đăng ký các nội dung nêu trên, tùy theo loại hình doanh nghiệp còn phải đăng ký việc chuyển giao công nghệ cao.

Nghị quyết TW (khóa VIII) của Đảng có ghi: “Phát triển từng bước và nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có điều kiện”. Đó là những định hướng rất quan trọng cho việc xây dựng, phát triển và mở rộng các khu công nghiệp ở nước ta trong tình hình hiện nay.

Khu công nghiệp là địa bàn thực hiện chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, đồng thời cũng là địa bàn để thực hiện chiến lược CNH, HĐH trên phạm vi lãnh thổ nhất định.

Từ khi chuyển đổi từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), các khu công nghiệp có cơ hội phát triển, mở rộng, hình thành mới phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, xu hướng phát triển khu công nghiệp của thế giới như khu công nghiệp cộng sinh, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, vườn ươm công nghiệp và nay đang hướng đến phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với công nghiệp, địa bàn thực hiện chính là các khu công nghiệp đã có những tiền đề cho chuyển đổi như khu công nghiệp sinh thái.

Phát triển KCN cùng với các Khu kinh tế đã góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Tình hình các KCN đến hết tháng 5/2021:

KCN đang hoạt động: 286.

Tổng diện tích đất tự nhiên: 86.000 ha

Diện tích đất KCN: 57.300 ha

KCN đang trong quá trình xây dựng: 108

Tổng diện tích đất tự nhiên: 35.900 ha

Diện tích đất KCN: 23.600 ha

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng KCN đến hết tháng 3/2021:

Tổng vốn đầu tư đăng ký : 5,8 tỷ USD và 366.600 tỷ đồng.

Vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng : 2,25 tỷ USD và 152.700 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2021 các KCN, KKT đã thu hút được :

291 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỷ USD, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020.

271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 414 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Tổng diện tích đất là 89.126 ha chiến 69% diện tích đất công nghiệp. Trong đó, có 293 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 121 khu công nghiệp đang trong giai đoạn bền bù. 26 khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích 766.000ha được thành lập ở 21 tỉnh biên giới. 18 khu công nghiệp ven biển với 43.000ha diện tích phát triển các khu công nghiệp.

Liên quan đến các xu hướng phát triển mới các KCN phải theo những nhu cầu của doanh nghiệp. Trước hết phải xác định được nhu cầu chứ không thể làm sẵn để chờ đợi, thụ động.

Khái niệm về Khu công nghiệp sinh thái

Khái niệm Khu công nghiệp sinh thái không chỉ còn mới mẻ với Việt Nam mà trên toàn thế giới, việc áp dụng thành công mô hình này còn hết sức hạn chế.

Khái niệm Khu công nghiệp sinh thái được lần đầu đưa ra năm 1997, theo đó được giải thích là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua công tác về quản lý các vấn đề môi trường.

Khái niệm Khu công nghiệp sinh thái lần đầu được đưa ra tại Điều 2, nghị định 82/2018/NĐ-CP: “Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp”.

Mục tiêu phát triển KCN Sinh thái nằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nghiễm, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.

Mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 5
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo nghiệm thu Đề tài khoa học "Khu công nghiệp sinh thái – kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới thực tiễn phát triển tại Việt Nam (Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền)".
PGS.TS Trần Đình Thiên: "Việc khảo sát KCNST Nam Cầu Kiền trở thành mô hình điểm đã vượt ra ngoài phạm vi nghiên cứu các KCN, có ý nghĩa mang tính bao trùm toàn bộ nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết khai thác, học hỏi và áp dụng tiêu chí về KCNST và KTTH, giúp các bộ, ngành, có hướng sửa đổi quy định liên quan".

Nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp trong khu công nghiệp thông qua việc áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong và xung quanh khu công nghiệp thông qua việc giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường.

Hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Xu hướng toàn cầu

Với sự tăng trưởng nhanh về phát triển kinh tế tại các quốc gia đã làm ảnh hưởng nhiều đến xu thế tăng trưởng kinh tế, năng lượng và phát thải theo xu hướng mức phát thải ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến môi trường toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng các ngành công nghiệp đã dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên do khai thác quá mức và sử dụng không hiệu quả, cùng với gia tăng dân số, nhu cầu hàng hoá tăng nhanh làm quá trình hình thành chất thải cũng xuất hiện tốc độ chóng mặt.

Với một mặt hàng sản phẩm được sản xuất sẽ trải qua nhiều chu trình sản xuất, sử dụng các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đã tiêu tốn nhiều chi phí dư, đồng thời tạo các bãi rác công nghiệp khó xử lý. Theo thống kê, đến 90% nguồn tài nguyên trở thành chất thải ngay khi được khai thác, 80% sản phẩm bị thải bỏ sau một lần sử dụng. Ngoài ô nhiễm chất thải còn có các tác động trong dây chuyền sản xuất ảnh hưởng tới chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đã làm lãng phí nguồn tài nguyên, hệ sinh thái quá tải sự phục hồi so với tốc độ khai thác, tiêu thụ của con người.

Do đó, xây dựng và phát triển các KCN sinh thái là một xu thế tất yếu của xã hội.

Thách thức đối với các ngành công nghiệp

Đứng trước nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, tác động của hoạt động sản xuất gây ra các ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các chi phí cho sản xuất ngày càng đắt đỏ, các doanh nghiệp lao đao đứng giữa môi trường đầu tư không có thị trường nguồn cung cũng như cấp. Với các thách thức đã yêu cầu quy định sản xuất ngày càng khắt khe, nghiêm cấm hay thắt chặt việc khai thác các tài nguyên khoáng sản, không phục hồi, tăng nhận thức và các quy đinh dẫn đến tăng chi phí và trách nhiệm pháp lý về quản lý môi trường đối với mỗi doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường đang hướng tới những sản phẩm thân thiện và hiệu quả với môi trường.

Do vậy, để tồn tại các doanh nghiệp cần có hướng đi đúng đắn trong đảm bảo Dự án đầu tư được bền vững, sử dụng các nguồn nguyên liệu, sản phẩm tiết giảm được chi phí tối đa, chuyển đổi các phương án khai thác nguyên liệu bằng tận dụng những nguồn có khả năng tái tạo hoặc tái sử dụng, tái chế và việc hợp tác với nhau trong chuyển đổi mô hình là cần thiết cùng với các chính sách của nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi được và nhanh chóng ổn định kinh tế theo xu thế mới hơn.

Thực tế chúng ta phân tích đánh giá, các sản phẩm như nhựa, thép,…. đều có thể tận dụng tái chế với tỷ lệ cao, đồng thời với công nghệ tiên tiến, lượng phế liệu này có thể tạo các sản phẩm với chất lượng cao giống như các sản phẩm từ nguyên liệu nguyên sinh và có khả năng xoay vòng tái chế nhiều lần, cắt bỏ công đoạn khai thác khoáng sản (đối với thép) làm ô nhiễm môi trường và giảm rác thải nhựa ra môi trường, đại dương. Hàng năm, lượng sắt thép, phế liệu hoặc các loại nhựa cứng thải bỏ chiếm tỷ lệ rất lớn ra môi trường, vừa lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa thải môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Vấn đề cần thiết là cơ quan nhà nước cần định hướng rõ cho các doanh nghiệp xu hướng phát triển chung cần có là gì, các doanh nghiệp cần nâng cao hiệu suất sản xuất thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tại các doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái với việc nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm thiểu tác động đến tự nhiên hướng tới sản xuất sạch hơn, có các phương án tham gia tương hỗ trên cơ sở cùng có lợi ích, đồng thời chia sẻ các biện pháp giảm thiểu tối đa chi phí trong chuyển đổi và phòng ngừa các sự cố phát sinh. Đặc biệt, việc thay đổi và phát triển con người trong mỗi doanh nghiệp sẽ góp phần trong nâng cao hiệu suất quản lý, nắm bắt kịp thời công nghệ, giám sắt chặt chẽ hoạt động sản xuất. Vấn đề hướng tới là phát triển kinh tế không còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên để giảm áp lực lên môi trường của tăng trưởng kinh tế, lượng nguyên liệu sử dụng cho sản phẩm, tăng vòng đời sản phẩm.

Lợi ích từ Khu công nghiệp sinh thái

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 6
TS. Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền:
"Chúng tôi sẽ chung tay xây dựng thành công Khu Công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, đem niềm tự hào này từ Hải Phòng để truyền cảm hứng cho các Nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái, nhiều tầng sinh thái cộng sinh đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người”.

Hiệu quả môi trường:

Chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN đều tuân thủ pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và lao động, phát huy các hệ thống môi trường, đảm bảo quy định về môi trường trong sản xuất kinh doanh;

Bằng những phương án tiết kiệm nguyên liệu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đã góp phần giảm nguồn phát thải ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên,…góp phần giảm thiểu ô nhiễm toàn cầu;

Sử dụng các nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn giúp tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn nước sau xử lý.

Đối với Khu công nghiệp:

Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, vì vậy, KCN luôn được ưu tiên là địa điểm lựa chọn cho các Nhà đầu tư, sẽ được nhiều Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm hơn và mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài, triển khai đầu tư nhanh chóng, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp và phát triển kinh tế gắn với môi trường bền vững. Thông qua đó sẽ nâng cao uy tín, thương hiệu của KCN.

Tạo dựng hệ thống các mô hình học tập trực quan với các công trình hạ tầng cảnh quan và hệ thống nhà máy cộng sinh, KCN sẽ trở thành không gian lý tưởng cho học sinh, sinh viên trải nghiệm khoa học công nghệ môi trường và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Các cơ quan ban ngành, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư sẽ kiểm soát hiệu quả việc chấp hành bảo vệ môi trường trong KCN.

Nâng cao nhận thức của các cán bộ, nhân viên và cộng đồng về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn kết các doanh nghiệp và gắn kết với chủ đầu tư và người dân xung quanh trong việc chung tay hướng về mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao nhận thức phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Đối với Nhà đầu tư:

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 7
Ông Đặng Việt Bách (người đứng), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Luyện thép Cao cấp Việt Nhật, đồng Chủ nhiệm Đề tài khoa học "Khu công nghiệp sinh thái – kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới thực tiễn phát triển tại Việt Nam":
"Để xây dựng thành công KCNST bắt buộc phải có liên kết cộng sinh công nghiệp. Chúng tôi đã tham gia đầu tư và vào chuỗi cộng sinh tại KCN Nam Cầu Kiền, hiện đã xây dựng 4 nhóm ngành sản xuất cộng sinh, gồm dây chuyền cấu trúc cộng sinh 18 đơn vị ngành thép, 8 đơn vị ngành nhựa, hơn 20 đơn vị phụ trợ điện tử, và các đơn vị Nhóm ngành khác".

Các Nhà đầu tư trong KCN tiết kiệm chi phí nguyên liệu đầu vào bằng cách sử dụng sản phẩm phụ, xử lý chất thải, bảo dưỡng máy móc, sử dụng năng lượng sạch,...của doanh nghiệp khác trong chuỗi cộng sinh công nghiệp ngay tại KCN; Chủ động và sáng tạo trong áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm chi phí vận chuyển và giảm thiểu phát thải ra môi trường; Tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, tái sử dụng tài nguyên, kết nối thành mạng lưới để tối ưu hóa hoạt động sản xuất …từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các DN.

Tham gia cộng đồng doanh nghiệp cùng Chủ đầu tư KCN gắn kết bền chặt trên cơ sở cùng nhau phát triển kinh tế bền vững và kiểm soát chấp hành bảo về môi trường của chính các chủ phát thải của mỗi doanh nghiệp, nâng cao ý thức và trách nhiệm, sự cam kết bảo vệ môi trường trong sản xuất Kinh doanh.

Hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, từ đó chấp hành tốt và yên tâm hoạt động sản xuất, gắn kết doanh nghiệp với KCN và cơ quan Nhà nước.

Tiếp cận, tham gia các dự án và nhận hỗ trợ từ những cơ quan, nguồn lực khác trong lắp đặt, cải tạo hệ thống máy móc hiện đại, công nghệ cao, giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường.

Các doanh nghiệp được làm việc trong một môi trường mơ ước, không gian sinh thái và giải quyết được mối lo về môi trường, sức khỏe cho người lao động. Từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động khu vực dân cư xung quanh, các tỉnh khác đến làm việc với đa dạng ngành nghề, phù hợp nhiều trình độ, thường xuyên được đào tạo, tham gia các khóa nâng cao tay nghề, chuyên môn; KCN với việc tăng cường hợp tác chính quyền địa phương nhằm tạo việc làm, cải thiện an ninh, điều kiện sống tốt và hòa nhập xã hội, ổn định chỗ ở, cơ sở hạ tầng dịch vụ,…

Đối với cộng đồng:

KCN cũng như các doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ và niềm tin của cộng đồng bao gồm chính quyền các cấp, địa phương, người dân xung quanh và các hiệp hội, những người quan tâm đến môi trường, tìm được hướng giải quyết bài toán môi trường, từ đó tạo thành cộng đồng xanh, tiếp đà và lực phát triển ổn định của KCN.

Thực trạng triển khai xây dựng Khu công nghiệp sinh thái

Từ giai đoạn tháng 6/2020, khi mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) bắt đầu manh nha ở Việt Nam, cả nước lúc đó có tổng số 366 khu công nghiệp tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm tại 61 tỉnh, thành phố. Đây là những vị trí có lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế rất thuận lợi.

KCNST là một trong những xu thế phát triển KCN tối ưu trên thế giới và đạt hiệu quả rất cao trong giảm thiểu tác động đến môi trường của các hoạt động sản xuất. Tuy khái niệm này không còn lạ lẫm ở Việt Nam, nhưng để thực hiện được đảm bảo theo các tiêu chí sinh thái cũng là một trong những câu hỏi lớn mà các nhà quản trị đặt ra trong thời điểm hiện tại. Việc áp dụng KCNST tại Việt Nam cũng được xem là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo Chiến lược phát triển của Quốc gia. Thực tế đã chứng minh, mô hình KCNST góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bằng việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thiểu các chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, mô hình KCNST còn mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho chính các doanh nghiệp đầu tư trong KCN.

Mô hình KCNST mang các đặc trưng khác nhau phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của mỗi Quốc gia, nhưng đều phục vụ mục tiêu chung đó là phát triển bền vững. Đó cũng chính là điều mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới thông qua Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác nhằm xác định các ưu tiên chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội với hy vọng vào đạt được ‘mục tiêu kép’: “Tốc độ tăng trưởng cao và bền vững song song với bảo vệ môi trường”.

Nhận thấy lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường mang lại của mô hình KCNST, nhiều KCN đã bắt đầu tìm hiểu và định hướng chuyển đổi mô hình. Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP từ ngày 22 tháng 5 năm 2018 về việc “Quy định quản lý khu công nghiệp và Khu kinh tế” trong đó có các tiêu chí xác định KCNST. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam đặt nền móng cho việc chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST.

Mặt khác, đã có những dự án được cấp kinh phí lên tới 1.821.800 USD từ các Chương trình KCNST toàn cầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) để triển khai xây dựng KCNST tại Việt Nam như:

Khu công nghiệp Đình Vũ (DeepC - Hải Phòng)

Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng)

Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai)

Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh)

Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ).

Do quá mới mẻ, nên việc hiểu khái niệm KCNST và triển khai thực hiện là vấn đề vô cùng khó, đầy thách thức và rủi ro. Ngoài chưa có kinh nghiệm, việc triển khai xay dựng còn liên quan rất nhiều đến chi phí và lợi ích giữa Chủ đầu tư KCN và các Nhà đầu tư vào KCN, giữa khối lượng các nguồn thải và khả năng xử lý nguồn thải, khả năng sản xuất năng lượng mới với công nghệ tiên tiến, cơ chế chính sách... để xây dựng được KCNST và gắn với chuỗi cộng sinh tuần hoàn trong KCN. Đây thực sự là bài toán kinh tế vô cùng hắc búa, khó và đang tìm lời giải.

Và nếu không có sự quyết tâm đi sâu nghiên cứu áp dụng các mô hình kinh tế hài hòa phù hợp với khả năng của từng KCN để từ đó đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực về kinh tế và nhân lực thì khó có thể thành công. Ngoài ra, phải có đồng lòng giữa Chủ đầu tư KCN và các Nhà đầu tư vào KCN và sự ửng hộ của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư trong và ngoài KCN thì khó đi đến thàng công.

Do đó, tính đến năm 2020, khi Nghị định 82 lúc bấy giờ đã đi vào cuộc sống, vẫn chưa có một KCN nào, chưa có một địa phương nào dám đi tiên phong triển khai xây dựng được KCNST cũng như chưa có mô hình KCNST áp dụng được mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhận thức rõ các khó khăn này, Công ty cổ phần Shinnec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền là một KCN có vốn cổ phần nằm trên địa bàn Thành phố cảng Hải Phòng đã quyết tâm đi tiên phong tại Việt Nam nghiên cứu triển khai xây dựng KCNST. Đây là một trong những dự án sẽ thúc đẩy phát triển xanh của thành phố Hải Phòng đặc biệt quan trọng, qua đó nếu thành công sẽ là mô hình điểm để triển khai xây dựng các Khu công nghiệp khác trên toàn quốc.

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 8

KCN Nam Cầu Kiền đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi tham quan thực tế và học hỏi kinh nghiệm của các mô hình KCN sinh thái ở nhiều nước tiên tiến như: Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua tìm hiểu các mô hình, KCN Nam Cầu Kiền xác định chọn Mạng lưới Ecotown của thành phố Kitakyushu – Nhật Bản để học hỏi phát triển xây dựng mô hình KCN sinh thái.

Để cụ thể hóa hợp tác đó, từ tháng 4 năm 2019, Ban lãnh đạo Nam Cầu Kiền đã tổ chức đưa cán bộ phụ trách môi trường của KCN sang tham quan, học hỏi kinh nghiệm với Cục Môi trường Kitakyushu – Nhật Bản. Tiếp đó, tháng 10 năm 2019, đại diện KCN Nam Cầu kiền cùng lãnh đạo của 11 nhà đầu tư trong KCN đã sang thành phố Kitakyushu tham quan mô hình Mạng lưới Ecotown và một số cơ sở tái chế rác thải, làm việc với Trung tâm giảm thiểu Carbon khu vực Châu Á thành phố Kitakyushu thuộc Cục Môi trường Kitakyushu để nhờ sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật giúp Nam Cầu Kiền xây dựng KCNST.

Xây dựng được KCNST sẽ đạt mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của KCN thời gian tới, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần “Chủ động thích ứng và phát triển bền vững”.

Khó khăn trong triển khai xây dựng KCNST

Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn - Ảnh 9

Thời gian qua, đã có rất nhiều mô hình, sáng kiến được đưa ra để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, tuy nhiên đã gặp phải nhiều rào cản trong quá trình triển khai, như việc thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, định hình được tầm quan trọng của việc thay đổi phương thức một dự án, hay với mỗi quy mô rất khó để có thể áp dụng các mô hình một cách phù hợp, nhiều khó khăn trong thiếu sự đánh giá toàn diện các lĩnh vực gây ra sự chuyển đổi “lưng chừng” và cuối cùng là trở về mô hình hiện hữu.

Nguyên nhân, ngoài những khó khăn do khái niệm về mô hình KCNST còn quá mới mẻ, chưa có kinh nghiệm... hiện có nhiều khó khăn trong triển khai cần phải giải quyết được trước mắt, như hệ thống văn bản pháp lý. Nguyên do chúng ta chưa tích hợp giữa các luật với nhau như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, mà khó nhất là Luật Đất đai. Ví dụ, Luật Đầu tư cho phép miễn giảm thuế nhưng Luật Thuế lại không. Hoặc Luật Xây dựng, nếu định dạng khu công nghiệp đô thị, sinh thái nhưng Nghị định 82 (giai đoạn trước), giờ là Nghị định 35, lại đưa ra KCN phải có điều kiện hạ tầng tốt, dịch vụ thiết yếu cho người lao động, mà các dịch vụ này lại “xung đột” Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Vì thế, muốn thu hút được các nhà đầu tư xây dựng KCN thì tất cả các Luật phải tích hợp được với nhau. Đặc biệt, như từ giai đoạn dịch Covid-19 đến nay, đã bộc lộ những bất cập như lực lượng lao động, công nhân không có nhà ở thì họ không yên tâm sản xuất, kinh doanh, nguy cơ hệ quả sẽ bị thiếu lao động. Vì thế, rất cần có các kiến nghị, đề xuất cụ thể để Bộ Xây dựng cùng các bộ liên quan có cơ sở nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh lại một số nội dung trong Luật Xây dựng.

Trên cơ sở đó, trong tình hình hiện tại, để thúc đẩy sự phát triển các KCN theo xu thế sinh thái ở Việt Nam cần có các giải pháp như:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát hoàn thiện bổ sung chính sách, văn bản pháp luật đảm bảo gắn đồng bộ quy hoạch phát triển KCN với phát triển khu đô thị trong một phương án tổng thể, thống nhất giữa các quy hoạch quốc gia gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện bổ sung quy định pháp luật về đầu tư xây dựng KCN phù hợp với từng loại hình sản xuất và từng thời kỳ. Nếu quy định về Luật Đầu tư (2020), Luật Đất đai (2024) khi triển khai mà còn khó khăn, vướng mắc thì vẫn phải tiếp tục bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện.

Thứ ba, xây dựng hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn về quy mô, cấu trúc sử dụng đất hạ tầng kỹ thuật trong KCN.

Tiếp nữa, đa phần các KCN hiện nay đều vận hành theo mô hình truyền thống, tuy nhiên hiện có một số ít chủ đầu tư đã thử nghiệm và thành công với mô hình KCN đô thị dịch vụ. Do đó, phát triển KCNST quan trọng nhất vẫn là sự gắn kết, tương tác hỗ trợ để đảm bảo phát triển cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bài 2: Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái

Nhóm tác giả:

TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCNST Nam Cầu Kiền

Doanh nhân Đặng Việt Bách, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Luyện thép Cao cấp Việt Nhật

Nhà báo Nguyễn Thiệu Anh, nguyên Viện trưởng Viện IOHEC

Cùng các cộng sự

Bạn đang đọc bài viết Kiến tạo mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phương thức kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.