Thứ bảy, 20/04/2024 06:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/04/2020 06:00 (GMT+7)

'Thuận tự nhiên' trong cuộc chiến giữ nước ngọt cho miền Tây

Theo dõi KTMT trên

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do đợt hạn mặn gay gắt nhất trong lịch sử. 5/13 tỉnh trong vùng gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó. Theo các chuyên gia, thay vì chống lại tự nhiên thì người dân phải thích ứng với hạn mặn khốc liệt. TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) - Chuyên gia về tài nguyên nước vừa có cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường.

'Thuận tự nhiên' trong cuộc chiến giữ nước ngọt cho miền Tây - Ảnh 1
Hạn mặn nghiêm trọng khiến người nông dân ở ĐBSCL điêu đứng.

Nông dân phải thích ứng với hạn mặn

Thưa ông, hạn mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng sinh hoạt của người dân các tỉnh ĐBSCL. Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 39.000ha lúa bị thiệt hại. Vậy đâu là những tác nhân chính của hiện tượng thời tiết cực đoan này?

TS. Đào Trọng Tứ: Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng hạn mặn khốc liệt hiện nay tại ĐCSCL là do thời tiết. Trong thời gian qua, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong rất ít vì bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Lượng mưa thấp kỷ lục này khiến nước đổ về hạ nguồn thiếu hụt. Theo các số liệu quan trắc, tính toán của Uỷ hội sông Mekong, lượng nước ở thượng nguồn thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm.

Thứ hai là ở các tỉnh ven biển ĐBSCL từ thời điểm 2-3 tháng gần như không có mưa. Nước đã thiếu từ thượng nguồn lại không được bổ sung từ các cơn mưa nên hạn ngày càng nặng, kênh rạch khô cạn, đất đai nứt nẻ, cây trồng cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hiện tượng này khi kết hợp với nước biển dâng, mặn từ biển đẩy vào đã trở thành hạn mặn vô cùng nghiêm trọng.

Thứ ba, do ít mưa nên dẫn đến việc các đập thủy điện dọc lưu vực sông Mekong phải tích nước cho đến khi đầy mới xả ra để phát điện. Điều này khiến lượng nước đổ về hạ nguồn rất ít và tình trạng hạn mặn càng thêm nghiêm trọng. Hiện tại, dọc lưu vực sông Mê Kông có hàng chục đập thủy điện khác nhau ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam.

Chúng ta có thể dự báo trước mức độ và tình hình hạn mặn để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực không?

TS. Đào Trọng Tứ: năm 2019 - 2020 là xâm nhập mặn lịch sử, xuất hiện sớm, cường độ cao, thời gian ảnh hưởng dài hơn đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2015 - 2016. Tính đến tháng 3/2020, mức độ xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã vượt mốc kỷ lục 100 năm từng xảy ra năm 2016. Tuy vậy thiệt hại gây ra cho lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực này vẫn đang ở mức khá thấp nếu so với kỳ hạn mặn lịch sử vừa qua.

Cụ thể, thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 khoảng gần 39.000ha, chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng (1,54 triệu ha), bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015 - 2016.

Kết quả này một phần là nhờ khả năng dự báo sớm về tình hình hạn mặn nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng đưa ra từ nhiều tháng trước. Đó là những thông tin rất quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh cung cấp, sử dụng nguồn nước; tăng cường biện pháp khai thác, tích trữ nước ngọt trước mùa lũ, nên phần nào hạn chế thiệt hại.

Từ giữa năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn. Do có chỉ đạo cấy sớm vụ đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã tới 93% diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL đã tránh hạn và né mặn thành công.

Đây cũng là minh chứng cho việc chúng ta đang dần coi hạn mặn là một yếu tố thời tiết và cố gắng thích nghi với nó chứ không thể tìm cách bài trừ hay cách ly nó. Chúng ta phải sống với hạn mặn, giống như sống chung với lũ bão, lũ hằng năm.

Đến lúc xây dựng văn hoá tiết kiệm nước ngọt

Để đối phó với hạn mặn khắc nghiệt, có những bài học nào trên thế giới mà ĐBSCL có thể áp dụng không, xin ông phân tích cụ thể?

TS. Đào Trọng Tứ: Rõ ràng Việt Nam không phải là nước duy nhất trên thế giới chịu tác động của hạn mặn. Nhiều thành phố, đô thị ven biển của các nước như Hà Lan, Israel, Bỉ… đã từng phải gánh chịu những hiện tượng hạn hán hay xâm nhập mặn khủng khiếp hơn chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên, họ đã thích nghi và tìm cách sống chung với nó.

Tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước, họ áp dụng những giải pháp khác nhau song vẫn có những điểm chung như: chủ động trong trữ nước ngọt hoặc chuyển nước ngọt từ thượng nguồn xuống hạ nguồn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như thổ nhưỡng. Ví dụ, tập trung chọn những loại cây phù hợp, chịu được hạn mặn, thay vì phát triển tràn lan các loại cây trồng.

Israel là nơi có 60% diện tích là sa mạc, đất dai khô cằn, hạn hán quanh năm. Sau rất nhiều nỗ lực thoát hạn, những sa mạc ở Israel đã “nở hoa”, họ đã thành công trong việc tự chủ nước sạch, thậm chí còn dư thừa để xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Thành công của họ đến từ việc giáo dục ý thức tiết kiệm nước của người dân. Mỗi người Israel đều trân trọng tài nguyên nước, luôn có ý thức bảo tồn nguồn nước và tiết kiệm nước đến từng giọt.

Bên cạnh đó, công nghệ tưới nhỏ giọt được Israel phát triển cũng đặc biệt thành công trong việc đối phó với hạn hán khi giúp tiết kiệm 70% lượng nước và còn làm tăng năng suất cây trồng lên khoảng 40% so với tưới ngập và tưới phun.

Ngoài ra, Israel còn áp dụng thành công nhiều giải pháp như: tận dụng mọi nguồn nước thậm chí là cả nước thải, phát triển các giống cây ưa nước mặn, gieo hạt mây để tăng cường lượng mưa, công nghệ tự động báo rò rì đường ống nước... Những công nghệ nước của Israel không những tạo điều kiện cho quốc gia này có một nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới mà còn được ứng dụng tại nhiều các quốc gia đang phát triển gặp vấn đề nước, trong đó có Việt Nam.

'Thuận tự nhiên' trong cuộc chiến giữ nước ngọt cho miền Tây - Ảnh 2
Công nghệ tưới nhỏ giọt cho phép nhỏ từng giọt nước xuống cây trồng trong mỗi lần tưới đã giúp Israel trở thành cường quốc về nông nghiệp ở sa mạc.

Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng các công trình kiểm soát mặn cũng được Hà Lan - nơi có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển- áp dụng hiệu quả. Thay vì tìm mọi cách để chinh phục và đánh bại thiên nhiên, họ học được cách “sống chung với lũ”. Hà Lan hiện có mạng lưới các đập nước và rào cản chắn nước Delta Work nối từ tỉnh Zeeland đến South Holland, giúp giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt và hạn chế sự xâm lấn của biển, ngoài ra có đập chắn sóng tự động Maeslantkering - hàng rào chắn sóng di động duy nhất trên thế giới.

Dù vậy các chuyên gia cho rằng biện pháp này cần phải được xem xét một cách rất thận trọng để đảm bảo các vấn đề về môi trường, hạn chế các tác động tiêu cực tới dòng chảy tự nhiên cũng như cuộc sống con người.

Các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần phát triển theo hướng “thuận thiên” như thế nào để hạn chế tác động của hạn mặn cũng như những tác động xấu của biến đổi khí hậu?

TS. Đào Trọng Tứ: Khu vực ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, với diện tích khoảng 1,7 triệu ha, sản lượng hàng năm trên 25 triệu tấn, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa quốc gia (xuất khẩu 95%); sản lượng thủy sản chiếm 65% và 70% sản lượng cây ăn trái cả nước. Đó là những thành tích vô cùng ấn tượng sau một thời gian dài khu vực này đẩy mạnh phát triển. Nhưng đây cũng là khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Điều này đặt ra bài toán phải tận dụng lợi thế của ĐBSCL để phát triển bền vững theo chiều sâu chứ không phải chạy đua để mở rộng quy mô trồng trọt, tìm mọi cách để sử dụng nước ngọt.

Phát triển theo hướng “thuận thiên” không phải là tìm mọi cách để chống lại biến đổi khi hậu, hạn mặn mà là dựa vào thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên để phát triển một cách bền vững.

Chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng hạn mặn là tình huống thiên tai, rất khó để ngăn chặn vì vậy con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ. Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân ĐBSCL đã biết chủ động thích ứng “thuận thiên, hợp địa”, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Người dân ven biển dùng lu để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân "né hạn" nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, chuyển đổi 1 vụ sang trồng hoa màu hay thậm chí là tranh thủ nước mặn để nuôi tôm…

Theo dự báo của Tổ chức Quỹ bảo vệ thiên nhiên Thế giới (WWF), trong số 5 dòng sông đang bị cạn kiệt ở châu Á, ngoài các sông Dương Tử, Salween, Ganges và Indus, có cả sông Mekong đi qua Việt Nam. Trong khi đó, 95% lượng nước ở ĐBSCL đến từ thượng nguồn, chỉ có khoảng 5% lượng nước mà được sản sinh ra ngay tại khu vực này thông qua các cơn mưa. Tuy nhiên, mùa khô ở ĐBSCL hầu như không có mưa, nguồn nước chủ yếu do sông Mekong cung cấp. Những con số này cho thấy ĐBSCL rất dễ “tổn thương” trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu nói chung và hạn mặn nói riêng.

Trong bối cảnh đó, việc người nông dân ĐBSCL chuyển đổi từ độc canh lúa sang các mô hình nuôi trồng, canh tác thích ứng với mùa hạn mặn sẽ là những giải pháp phù hợp, hướng tới phát triển bền vững.

'Thuận tự nhiên' trong cuộc chiến giữ nước ngọt cho miền Tây - Ảnh 3
Để thích ứng với hạn mặn, nông dân huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang xoay vụ trồng dưa hấu không đòi hỏi nhiều nước, cho quả vị ngọt đậm đà và lợi nhuận cao hơn.

Vậy theo ông cần cần thực hiện những giải pháp nào để “biến nguy thành cơ”, để người dân ĐBSCL không còn sợ ảnh hưởng của hạn mặn?

TS. Đào Trọng Tứ: Để tìm được những giải pháp căn cơ trong việc giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của hạn mạn tới ĐBSCL, chúng ta cần giải quyết được 3 bài toán quan trọng đó là: nước ở thượng nguồn, nước biển dâng do biến đổi khí hậu và nước ở ngay trong khu vực ĐBSCL.

Giải pháp căn cơ đầu tiên, theo tôi chính là phải có được một quy hoạch trong đó nhìn nhận được một cách toàn diện các vấn đề của ĐBSCL từ đó đưa ra những hướng phát triển thích hợp để tận dụng lợi thế và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là với tình hình khan hiếm nguồn nước và xâm nhập mặn vào sâu với nồng độ cao.

Quy hoạch vùng đó vừa tận dụng lợi thế mà lại vừa tạo liên kết vùng để mà phân công trong sản xuất để tạo nên chuỗi giá trị cao. Nếu như trước đây các thứ tự ưu tiên phát triển của ĐBSCL là lúa, thuỷ sản và cây trồng thì bây giờ để thích ứng với điều kiện khí hậu cần phải quay xoay trục thành thuỷ sản, cây trồng, cây ăn quả, lúa.

Thứ hai là câu chuyện liên quan đến vấn đề nước ở thượng nguồn. Chúng ta cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về khai thác, sử dụng nước với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong để chủ động hơn trong các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Khi nhiều nước cùng chia sẻ một dòng sông thì các quốc gia phải cân nhắc lợi ích của nhau để có thể tránh được những thiệt hại và cùng phát triển. Điều này đã được quy định trong luật quốc tế cũng như các điều lệ của Uỷ hội sông Mekong.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo trước thiên tai, hạn mặn để có những biện pháp chủ động tại chỗ như trữ nước ngọt hoặc quy hoạch, xây dựng các vùng chứa nước ngọt để giải quyết triệt để hạn mặn sẽ kéo dài.

Chúng ta cần tính toán kỹ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn những loại thích hợp với điều điện thời tiết để sản xuất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đặc biệt, giải pháp cần thiết là áp dụng công nghệ để đối phó với hạn mặn. Gần đây, việc triển khai máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt gần đây không chỉ giúp người dân đảm bảo được nước sinh hoạt mà cả nước sản xuất, từ đó không còn phải lo sợ thiếu nước ngọt. Hay công nghệ tưới nhỏ giọt đã giúp tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất cho cầy trồng.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một giải pháp rất quan trọng đó chính là việc đề cao ý thức tiết kiệm nước ngọt. Ở nhiều nước trên thế giới người ta dạy học sinh từ khi còn trên ghế nhà trường phải biết quý trọng nguồn nước, dạy trẻ những thói quen sử dụng nước tiết kiệm nhất, như cách đánh răng, cách rửa tay…

Chúng ta cần phải để việc ý thức bảo tồn nước còn len lỏi trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, đi vào tâm thức của con người để mỗi cá nhân biết quý trọng và giữ gìn nguồn tài nguyên nước vô giá.

Ngọc Lê

Ngọc Lê

Bạn đang đọc bài viết 'Thuận tự nhiên' trong cuộc chiến giữ nước ngọt cho miền Tây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới