Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương
Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, những tháng đầu năm 2023.
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng.
Trước cuộc làm việc, tại trụ sở Tỉnh ủy Hải Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong chuyến công tác, chiều 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hải Dương hoàn thành xây dựng nông thôn mới; làm việc với Công ty Ford Việt Nam; thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương; thăm, dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc và Di tích quốc gia đền thờ Chu Văn An.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hải Dương, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); quy mô nền kinh tế năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm tỷ trọng trên 90%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87.300 tỷ đồng (tăng 14,2%); giá trị hàng hoá xuất khẩu 11,45 tỷ USD (tăng 4,8%); hàng hoá nhập khẩu 8,42 tỷ USD (tăng 9,4%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52.100 tỷ đồng (tăng 5,7%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, là một trong 5 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong vị trí tốp đầu cả nước; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 3 toàn quốc. Cuối năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2045, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.
Tỉnh xác định quan điểm phát triển là: Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương".
Tỉnh xác định chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột - ba nền tảng - một trung tâm, ba đô thị động lực - bốn trục phát triển.
Bốn trụ cột gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp đa giá trị; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.
Ba nền tảng gồm: Văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Một trung tâm và ba đô thị động lực gồm: Trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang.
Bốn trục phát triển gồm: Trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây phía Bắc, trục Đông-Tây trung tâm, trục dọc các tuyến sông.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 sau khi được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ, hiệu quả thu chi ngân sách; tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiêp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương.
Theo Báo Chính phủ