PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Thủ tướng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra một thông điệp mạnh mẽ tại COP26: Thế giới phải đoàn kết lại.
Sáng 29/11, Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 – Góc nhìn Kinh tế Môi trường" do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực kinh tế môi trường đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) khẳng định, Chính phủ đã đưa ra nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ: “Không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp về cả công nghệ và những vấn đề liên quan đến việc sử dụng các công cụ kinh tế để giải quyết bài toán phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đất nước phát triển bền vững.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng, các ý kiến chuyên gia cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để từng bước giải quyết vấn đề các vấn đề nan giải. Và biến đổi khí hậu là vấn đề các đảo quốc lo nhất hiện nay. Nhiều quốc đảo đang lo ngại mất nước vì ô nhiễm môi trường. Nếu mực nước biển đang lên thì quốc đảo sẽ bị xóa sạch, có những quốc đảo chỉ cao chừng 1m.
"Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong có lấy dẫn chứng 2 vựa lúa ở ĐBSCL và Đồng bằng Bắc Bộ liệu có còn được bao nhiêu nếu như kịch bản xấu nhất xảy ra. Biến đổi khí hậu nan giải từ năm 1995 đến nay. Vậy liệu có đến tận năm 2062 hay không?", Chủ tịch VIASEE đặt câu hỏi.
Cũng theo Chủ tịch VIASEE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra một thông điệp mạnh mẽ: Thế giới phải đoàn kết lại. Thủ tướng đã mượn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Đây là thông điệp mạnh mẽ và chỉ có thể đoàn kết với nhau, chung tay lại hành động thì mới làm được.
Tất cả hệ thống chính trị của chúng ta đang thực hiện cam kết. Tới đây góc nhìn kinh tế môi trường sẽ trở thành trang chính trên các phương tiện truyền thông, để xem xét các vấn đề đang làm có đúng hướng hay không, cần phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với bối cảnh thế giới và thực tế ở Việt Nam hiện nay.
Cho đến lúc này có thể khẳng định rằng, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự vào cuộc, hành động và các chương trình cụ thể của chính phủ và cả hệ thống chính trị thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa đất nước ta đi đúng hướng. Và đồng bào nước ta đang chia sẻ với Chính phủ mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, nhưng các hoạt động được triển khai rất mạnh mẽ.
Tọa đàm sẽ chia ra thành các mảng khác nhau để biểu thị nỗ lực của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là chống biến đổi khí hậu.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Chúng ta phải bám sát COP 26. Thắng lợi hay không thì chúng ta chưa thể đánh giá được. Điều chúng ta cần chú ý ở đây là cam kết Net Zero, có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển. Tuy nhiên việc tính ra lượng khí thải như thế nào, có tính được lượng khí thải ra môi trường hay không.
Điều chúng ta tính được ở đây đó là rừng, đất rừng chúng ta có thể tính được trên mỗi nước, diện tích rừng là bao nhiêu từ đó tính ra mỗi nước có thể hấp thụ được lượng khí thải là bao nhiêu. Bên cạnh đó, chúng ta cần có nhóm nghiên cứu COP26 để có đánh giá tốt nhất.
Nước ta có thể thực hiện giảm lượng carbon bằng cách thực hiện nhiều dự án điện gió, điện mặt trời. Vì Việt Nam là một nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VIII, chúng ta vẫn phát triển điện than đến năm 2050.