Thủ tướng chủ trì họp với 63 tỉnh, thành phố về phòng, chống Covid-19
Sáng 10/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi kiện toàn, đây là Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo. Việc tổ chức họp Ban Chỉ đạo tùy vào tình hình dịch. Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP tình hình dịch được kiểm soát trên toàn quốc, kinh tế-xã hội đang từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số ca mắc có xu hướng tăng, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng; trong khi nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập lây lan cao...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề: tình hình, nguyên nhân của diễn biến dịch Covid-19 thời gian vừa qua; hiệu quả, kinh nghiệm hay và những vấn đề cần bổ sung sau 2 tháng thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP; tình hình và tiến độ tiêm vaccine, giải pháp phấn đấu chậm nhất đến hết tháng 12 tiêm vaccine đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên, triển khai tiêm mũi 3 cho các đối tượng cần phải tiêm, đến hết quý 2/2022 tiêm đủ 2 mũi cho đối tượng từ 12 đến 18 tuổi, có ý kiến xem xét về tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tình hình chuẩn bị dự trữ, nhu cầu thuốc điều trị, xem xét bán rộng rãi thuốc điều trị Covid-19 để người dân dễ dàng tiếp cận; về năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng còn những vấn đề gì cần bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, nhất là trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới; tiếp tục mở cửa trở lại trường học, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh...
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến ngày 10/12/2021, Thế giới ghi nhận trên 268 triệu ca mắc Covid-19, trên 5,3 triệu trường hợp tử vong. Trong tuần đã ghi nhận trên 4,3 triệu ca mắc mới, gần 50.000 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc tăng 8%, tử vong tăng 1%.
Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến ngày 09/12/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (77%).
Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm hơn 100 ngàn ca mắc mới (57.538 ca cộng đồng, chiếm 57% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 73,3% ca mắc mới trong cộng đồng. Một số địa phương có số mắc cộng đồng tăng cao so với tuần trước, gồm: Bến Tre (tăng 1.431 ca), Hà Nội (757), Cần Thơ (734), Cà Mau (684), Khánh Hòa (670), Thừa Thiên Huế (632), Tây Ninh (558), Sóc Trăng (524), Bình Định (505), Hải Phòng (412), Gia Lai (323)…
So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 10%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 203%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%.
Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhất là giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và tiêm chủng vaccine do thời tiết chuyển mùa Đông-Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 và nguy cơ xâm nhập của biến chủng mới; bên cạnh đó, có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số đơn vị, người dân trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch sau một thời gian dài nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo Báo Tin tức