Thứ bảy, 23/11/2024 05:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/12/2021 10:00 (GMT+7)

Hơn 56.000 tỷ ngân sách đã được chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính ước tính đến hết tháng 11, ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi 56.270 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Ngân sách Nhà nước đã chi hơn 56.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch

Theo Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 11, ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi 56.270 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Trong đó, Trung ương đã chi 25.350 tỷ đồng, bao gồm: 18.490 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021 để mua vaccine và chi cho công tác phòng, chống dịch (bổ sung cho Bộ Y tế 6.900 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 2.710 tỷ đồng, Bộ Công an 1.440 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương 5.570 tỷ đồng...); mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (bổ sung cho Bộ Tài chính 1.700 tỷ đồng) và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (hỗ trợ cho các địa phương 164 tỷ đồng); chi 6.337 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vaccine; chi 523 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương (NSĐP) là 30.920 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 là 7.940,1 tỷ đồng để mua vaccine.

Hơn 56.000 tỷ ngân sách đã được chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân - Ảnh 1
NSNN đã chi hơn 56.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 153.400 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, lũy kế 11 tháng mới đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 71,22%). Trong đó, vốn trong nước đạt 69,19%, vốn ngoài nước chỉ đạt 21,51% kế hoạch.

Có 7 Bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch, 34 Bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 55% kế hoạch, trong đó vẫn còn 3 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021.

Như vậy, tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 121.400 tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng ước đạt 1.268,86 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt gần 294.600 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 90.180 tỷ đồng, bằng 81,9% dự toán; chi thường xuyên đạt 874.800 tỷ đồng, bằng 84,4% dự toán.

Tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 329/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng đầu năm 2021; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, không được lơ là, chủ quan, nhất là trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới, có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn; đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine, chủ động, có kế hoạch bảo đảm nguồn vaccine, thuốc điều trị, kít xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao ý thức và sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp phải tham gia tích cực, hiệu quả và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.  

Đồng thời, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để vừa giữ vững ổn định vĩ mô, vừa góp phần phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý, điều hành giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tiếp tục thực hiện biện pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, NSNN; triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; chủ động có giải pháp khai thác hiệu quả các dư địa thu NSNN.

Chủ động nghiên cứu và thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI, thúc đẩy triển khai công tác quy hoạch; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Hội nghị của Chính phủ với các địa phương về đánh giá năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.

Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 để góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết; đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu, đề án cụ thể và thời hạn hoàn thành thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả, khả thi và có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để báo cáo Chính phủ.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Hơn 56.000 tỷ ngân sách đã được chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới