Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung
Hôm nay (20/8), tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, mặt tiền ra biển của Việt Nam và cũng là nơi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”.
Thủ tướng tới thăm gian hàng trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là sự kiện mới nhất nằm trong chuỗi các hội nghị phát triển vùng do Thủ tướng chủ trì thời gian vừa qua, gồm hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam, hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung (thường được gọi là miền Trung) gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7%.
Mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm, có bước phát triển tích cực thời gian qua, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới đạt mức GRDP/người tương đương với mức bình quân GDP/người của cả nước và là “vùng trũng” phát triển so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Vấn đề đặt ra là động lực nào để thu hút đầu tư, tạo bước phát triển đột phá đối với những ngành, lĩnh vực có điều kiện phát triển nhanh, bền vững thời gian tới để Vùng có mức phát triển đuổi kịp 2 vùng kinh tế trọng điểm ở 2 đầu của Tổ quốc? Một bài toán nữa cần lời giải là liên kết vùng khi mà Vùng chưa có “nhạc trưởng”, hạt nhân tạo sự phát triển lan tỏa cả vùng như Hà Nội đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và TP. Hồ Chí Minh đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hội nghị hôm nay sẽ là dịp để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe các ý kiến, hiến kế của đại diện hiệp hội trong và ngoài nước, các học giả, chuyên gia, doanh nhân, lãnh đạo các địa phương. Từ đó, đề ra các giải pháp, chính sách nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Vùng, trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của đất nước, để làm sao phát triển Vùng mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng thành một thể thống nhất, không chỉ là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc Vùng.