Thứ bảy, 20/04/2024 20:12 (GMT+7)
Chủ nhật, 18/08/2019 13:23 (GMT+7)

Tháo gỡ khó khăn để 'đầu tàu' kinh tế phía Bắc tăng tốc phát triển

Theo dõi KTMT trên

Số liệu kinh tế - xã hội thời gian qua cho thấy, vùng kinh tế phía Bắc đang có sự phát triển tăng tốc so với các vùng kinh tế trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số hạn chế của Vùng, đặc biệt là những chỉ số về thu hút FDI, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm…

Vùng kinh tế phía Bắc - đầu tàu phát triển của cả nước

Bộ KH&ĐT vừa tổ chức Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng Đồng bằng sông Hồng ngày 16/8 tại Hải Phòng. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá khu vực Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực rất quan trọng của cả nước, có tốc độ tăng trưởng cao so với các vùng khác. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít vướng mắc về thể chế, trình tự thực hiện các thủ tục... cần được khẩn trương tháo gỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tháo gỡ khó khăn để 'đầu tàu' kinh tế phía Bắc tăng tốc phát triển - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng Đồng bằng sông Hồng. Nguồn: Báo Chính phủ.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2010 - 2020. Đây cũng là năm hoàn thành mục tiêu của Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Quy mô kinh tế của Vùng đứng thứ 2 cả nước, chiếm 35,8% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 34%, xuất khẩu hàng năm chiếm gần 35%.

Vùng có nhiều thế mạnh để phát triển

Vùng Đồng bằng sông Hồng này là trung tâm về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, điện tử, phần mềm…. Đây là nơi tập trung các cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ hiện đại với nhiều nhà máy của các Tập đoàn, Công ty hàng đầu trong và ngoài nước như Samsung, LG, Panasonic, Vinfast…

Trong đó, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước nên Vùng Đồng bằng sông Hồng có nhiều thuận lợi trong việc thí điểm những cơ chế, chính sách mới cũng như đề xuất với Chính phủ, Quốc hội.

Đặc biệt, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc Đồng bằng sông Hồng gồm 7 tỉnh và thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh (hạt nhân của vùng), Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đây là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế quan trọng của miền Bắc và của cả nước Việt Nam. Ưu thế lớn nhất của vùng kinh tế này là nhân lực có đào tạo tốt, trình độ cao, có điểm thi vào các trường đại học, cao đẳng và tỷ lệ sinh viên trên đầu người cao nhất nước.

Với lợi thế là cửa ngõ ra biển ở khu vực phía Bắc, có nhiều cảng Container đã và đang được đầu tư và tiếp tục mở rộng (Cảng Đình Vũ, Cảng container Quốc tế Cái Lân, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện…) đã góp phần phát triển dịch vụ logistics và tăng khả năng cạnh tranh loại hình này với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đồng bằng sông Hồng đạt 7,59%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng đạt 12,1%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đạt 251,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 33,7% tổng số thu ngân sách nhà nước); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 432,8 nghìn tỉ đồng; Xuất khẩu đạt 39,8 tỉ USD (chiếm 32,4% cả nước); Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, toàn vùng có 2/11 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh nằm trong top đầu của cả nước (Quảng Ninh, Hà Nội).

Tổng vốn đầu tư của vùng đạt 7,82 tỉ USD (chiếm 42,5% cả nước) với 1.845 dự án; Số doanh nghiệp đang hoạt động của toàn vùng hiện nay là 228.895 doanh nghiệp (chiếm 31% cả nước).

Tháo gỡ khó khăn để 'đầu tàu' kinh tế phía Bắc tăng tốc phát triển - Ảnh 2
Cảng container Quốc tế Cái Lân là một trong những cảng nước sâu hiện đại và chuyên nghiệp nhất miền Bắc. Nguồn: CICT.

Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2018, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Tháo gỡ khó khăn để kinh tế Vùng phát triển hiệu quả

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Duy Đông cho biết, về kinh tế - xã hội dự kiến năm 2019, theo báo cáo của các địa phương, toàn Vùng có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố đề ra. Vùng tiếp tục khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước.

Tuy nhiên, dù đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng trưởng GRDP 6 tháng của Vùng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,5%) do chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp trong nông nghiệp, thương mại quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ số hạn chế của Vùng, đặc biệt là những chỉ số về thu hút FDI, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm…

Với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ KH&ĐT, đại diện các địa phương đã tập trung trao đổi về những vấn đề vướng mắc diễn ra trong thực tế điều hành của từng địa phương trong Vùng liên quan đến công tác của ngành kế hoạch-đầu tư và thống kê như quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế…

Các ý kiến xoay quanh các vấn đề vướng mắc liên quan đến các quy định trong hoạt động đầu tư công, tiến độ giải ngân quá chậm, quản lý quy hoạch quản lý đất đai chưa rõ, hay việc xúc tiến đầu tư riêng rẽ, thiếu tính gắn kết kinh tế vùng. Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc phân cấp cho địa phương có việc tốt nhưng có việc phân cấp quá mức, có tình trạng các địa phương cạnh tranh nhau thu hút đầu tư cùng một lĩnh vực, dẫn đến lãng phí không cần thiết, ảnh hướng xấu đến nền kinh tế tổng thể.

Về quản lý đất đai có điểm vừa quá chặt, lại có điểm quá lỏng lẻo, việc triển khai bị chậm chạp do vướng các quy định không thực tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng lại phân tích việc các dự án BT trong đó đó tư nhân đầu tư, Nhà nước góp vốn bằng ngân sách hoặc đất đai nhưng cơ chế quản lý vẫn có lỗ hổng.

“Các dự án có vốn nhà đầu tư bỏ ra ban đầu, thực chất là Nhà nước vay của nhà đầu tư, sau đó họ “quyết hết”, dẫn đến quản lý vốn ngân sách, hay đất đai đóng góp vào dự án chưa chặt, có thể gây thất thoát”, ông Vương Đức Sáng góp ý.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ: “Nếu mỗi địa phương tự tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư độc lập không có sự chia sẻ thông tin, phân công, không có sự gắn bó sẽ tạo ra sự lãng phí không cần thiết”. Do đó, các ý kiến của các đại biểu cùng các tham luận của các địa phương tại Hội nghị sẽ được Bộ KH&ĐT tổng hợp trong báo cáo phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất. Bộ mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện các khung khổ chính sách nếu vướng ở đâu thì sẽ nhận được sự trao đổi trên tinh thần cầu thị.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn luôn lắng nghe, luôn cập nhật các ý kiến của các địa phương, báo cáo cơ quan cấp trên nhằm tìm cách tháo gỡ một cách nhanh chóng và hiệu quả”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Nguyễn Luận

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ khó khăn để 'đầu tàu' kinh tế phía Bắc tăng tốc phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới