Thử sống giản dị vì 'Mẹ Trái Đất'
Lối sống xanh, không gây hại cho môi trường được xem là hành động dễ nhất để con người hành động vì môi trường. Nhà văn trẻ ở New York đã thử sống không gây hại trong một năm để chứng minh rằng một cuộc sống vì mẹ Trái Đất không phải là không thể.
Tấm gương sống không gây hại
Beavan, nhà văn chuyên viết những cuốn sách về lịch sử của ngành pháp y, hay những sự kiện lịch sử nổi bật, cảm thấy ám ảnh trước thực tế Trái đất đang ấm dần lên. Rồi một lần anh trở về nhà và thấy mình để máy điều hòa chạy suốt thời gian không có ai ở nhà. Anh tự hỏi: mình có quyền gì để phàn nàn nếu bản thân cũng tàn nhẫn với môi trường như vậy?
Mục tiêu của Beavan và gia đình là giảm tối đa ảnh hưởng của sinh hoạt thường nhật đến môi trường. Thậm chí họ còn đề nghị công ty điện lực cắt luôn điện dùng cho căn hộ của mình ở Manhattan. Họ không dùng bất kỳ thứ hàng hóa nào dùng một lần, hoặc không mua đồ mới. Ở thành phố toàn nhà chọc trời, họ lại từ chối đi thang máy. Họ đi lại bằng xe đạp có thùng phía sau, vừa chở được người, vừa chở được thực phẩm do nông dân địa phương trồng trọt.
Vợ anh, chị Michelle, cũng rất hào hứng muốn thoát khỏi những “nghiện ngập” của phụ nữ, mà trong đó hai thứ hàng đầu phải loại bỏ là mua sắm vô hạn và “ngồi đồng” nhiều giờ trước màn hình tivi.
Họ bắt đầu ăn chay, mua thực phẩm của nông dân địa phương. Buổi tối, cả nhà ngồi quanh bàn chuyện trò thật ấm áp. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều thứ họ nghĩ phải... hi sinh nếu muốn thử nghiệm lối sống xanh hóa ra lại chẳng phải hi sinh chút nào. Họ có thêm tình yêu, có thêm nhiều thời gian dành cho nhau hơn.
Nhưng điều này không dễ đối với Beavan và vợ anh. Beavan là nhà văn còn là cố vấn truyền thông của nhiều tổ chức, còn Michelle là cây bút của tờ Business Week. Họ từng quen tiệc tùng, ăn tiệm, đi taxi, mua sắm giải trí, các chương trình truyền hình thực tế, thói quen ăn tối trước tivi đang nói ra rả. Khi anh và gia đình tạm dừng những thú vui như vậy, anh nói đã nhận ra được ảnh hưởng kinh hoàng của chủ nghĩa tiêu thụ mà con người sở hữu đối với Trái đất. Anh tìm được sự thư thái cho tâm hồn và lương tâm bớt cắn rứt.
Một năm sống theo những nguyên tắc - những thứ họ không được làm - cuối cùng cũng kết thúc. Trải nghiệm của Beavan với lối sống “không gây hại tới môi trường” được mọi người biết đến qua blog của anh tại trang No impact man. Đây cũng là tên cuốn sách anh mới xuất bản và một bộ phim tài liệu. Bộ phim được quay trong một năm qua cũng để trả lời các câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cố không làm hại tới môi trường? Điều này có khả thi hay không? Điều này có thoải mái hay không?”. Bộ phim dài 90 phút ra mắt đầu năm 2009, được đánh giá là “cực kỳ có ý nghĩa và hài hước”.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sống xanh như Beavan. Hệ thống xã hội ở nhiều nơi trên thế giới không phải được tạo ra để phục vụ cho lối sống bền vững. Ở những nơi đó hầu hết người dân không thể dùng xe đạp đi làm, không có năng lượng sạch để dùng, và mua cái gì cũng có một đống túi đựng bằng nilông kèm theo. Hạn chế ở mức cực đoan thì khó, và thậm chí có thể gây hại tới sự vận động tuần hoàn trong môi trường. Nhưng rõ ràng cách mà gia đình Beavan đã làm cho thấy chúng ta hoàn toàn có những cách để sống thân thiện với môi trường. Nhưng cho đến giờ đó vẫn là sự lựa chọn của mỗi cá nhân có trách nhiệm.
Sống xanh thời hiện đại
Để thực hiện, điều đầu tiên bạn cần thay đổi vài thói quen tiêu dùng như: Từ chối những thứ dùng một lần như ống hút nhựa, muỗng nĩa khi mua đồ ăn, thức uống; mang theo ống hút và bình đựng nước cá nhân; dùng hộp đựng thức ăn thủy tinh, inox thay hộp xốp dùng một lần; đem theo túi vải khi mua sắm… Bởi đồ nhựa dùng một lần tuy tiện,, nhưng lại gây lãng phí tài nguyên và tạo ra rất nhiều rác thải.
Với những món đồ gia dụng, bị hư hỏng, bạn có thể biến chúng thành một món đồ khác để tiếp tục sử dụng. Ví dụ: dùng chai lọ làm chậu trồng cây, tận dụng những chiếc áo cũ thành ghẻ lau… Việc chia sẻ đồ không còn nhu cầu sử dụng cũng là một cách để tránh lãng phí. Quan trọng hơn hết, việc tái sử dụng và chia sẻ sẽ giúp cho vòng đời của món đồ kéo dài hơn, làm giảm được lượng rác thải ra môi trường.
Trong cuộc sống hiện đại, để thực hiện triệt để lối sống xanh là điều không hề dễ dàng bởi nhiều thói quen tiêu dùng không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Xu hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên của người tiêu dùng khiến cho nhiều doanh nghiệp cũng nhanh nhạy chuyển hướng. Nhiều sản phẩm được làm từ những nguyên liệu có thể tái chế đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Những hộp cơm được làm từ bã mía đang dần thay thế những hộp xốp làm từ nhựa. Các sản phẩm dinh dưỡng đựng trong hộp giấy dần được lựa chọn nhiều hơn những sản phẩm cùng loại đựng trong các nguyên vật liệu khác…
Tái chế rác thải được xem là hành trình cần thiết để có thể hướng tới một lối sống xanh bền vững. Việc tái chế tạo ra nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm mới; làm giảm việc khai thác nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và mang lại giá trị cho các sản phẩm đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để có thể tái chế đúng cách, hiệu quả còn phụ thuộc rất lớn vào thói quen tiêu dùng và phân loại rác thải.
Và khi phân loại rác bạn sẽ dễ kiểm soát được mỗi ngày mình đã sử dụng bao nhiêu sản phẩm từ các nguyên vật liệu khó phân hủy, gây hại cho môi trường. Từ đó, bạn sẽ có trách nhiệm hơn trong các quyết định chọn mua các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Nguyễn Linh (T/h)