Thu hồi, tháo dỡ hơn 90% vận dụng lấn chiếm trái phép trên đầm Ô Loan
Việc giải tỏa các vật dụng lấn chiếm và khai thác thủy sản tận diệt trái phép trên đầm Ô Loan gặp rất nhiều khó khăn do đây là nghề mưu sinh của phần lớn các hộ dân từ nhiều năm qua.
Tháo dỡ cọc tre đóng trái phép trên đầm Ô Loan. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN) |
Tỉnh Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm mặt nước và không gian ven di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan nhằm trả lại nguyên trạng và phát triển bền vững di tích quốc gia này.
Ô Loan là đầm nước lợ, có diện tích mặt nước gần 1.570ha thuộc 4 xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư của huyện Tuy An.
Với thắng cảnh hữu tình Ô Loan có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế biển, ngoài ra đầm nổi tiếng với nhiều loại hải sản quý, trong đó sò huyết Ô Loan đã tạo nên thương hiệu riêng cho nơi đây.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích mặt nước của đầm đã bị người dân khoanh vùng để nuôi trồng thủy sản trái phép, tình trạng khai thác thủy sản tận diệt, lấn chiếm xây dựng công trình ven đầm đã ảnh hưởng tới cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An Phạm Ngọc Thanh cho biết với quyết tâm trả lại nguyên trạng cảnh quan cho đầm Ô Loan, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch 37, 89, chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân giải tỏa, thu hồi và tiêu hủy các dụng cụ vây chắn, đánh bắt thủy sản tận diệt trên đầm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay trên 90% vật dụng lấn chiếm trái phép trên đầm đã được thu hồi, tháo dỡ.
Lực lượng chức năng các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư đã thu giữ và tiêu hủy 4.173 lờ bóng Thái Lan, 3.082 cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng; đồng thời rà soát xác định 119 hồ nuôi tôm trái phép với diện tích 58,44ha và yêu cầu các hộ dân ngừng nuôi vụ 1 năm 2020 để chờ giải tỏa.
Tỉnh Phú Yên đã cắm các mốc khoanh vùng bảo vệ di tích thắng cảnh đầm Ô Loan. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN) |
Chủ tịch UBND xã An Hiệp Võ Chí Tình cho biết, việc giải tỏa các vật dụng lấn chiếm và khai thác thủy sản tận diệt trái phép trên đầm Ô Loan gặp rất nhiều khó khăn do đây là nghề mưu sinh của phần lớn các hộ dân từ nhiều năm qua.
Cùng với việc thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của huyện về triển khai lực lượng tháo dỡ các vật dụng lấn chiếm trái phép mặt nước, lãnh đạo UBND xã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân từng thôn, xóm khu dân cư, vận động người dân ngừng đánh bắt thủy sản theo hình thức hủy diệt và tự tháo dỡ các vật dụng trái phép trên đầm, sớm trả lại nguyên trạng không gian đầm thông thoáng, xanh sạch đẹp trong thời gian đến.
Để tái tạo lại nguồn lợi hải sản và cảnh quan ven đầm, UBND huyện Tuy An cũng đã cấp 102ha diện tích ven đầm cho người dân thả nuôi sò huyết, quy hoạch hơn 200ha các khu nuôi tôm tập trung, xây dựng các bến bãi an toàn cho ghe, thuyền.
Đồng thời, địa phương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát thực địa triển khai Dự án trồng rừng ngập mặn ven đầm.
Trước đó, trong tháng 4/2020, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã khảo sát thực địa cắm 278 mốc giới khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên Phạm Văn Bảy cho biết, việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích và bàn giao di tích cho huyện Tuy An quản lý, nhằm phát huy giá trị của di tích tốt hơn; đồng thời tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch và ổn định đời sống của nhân dân ở các xã ven đầm.
Phạm Cường