Thống đốc Ngân hàng "vạch" rõ lý do phải kiểm soát tín dụng bất động sản
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro, bởi tín dụng lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng lại là vốn ngắn hạn.
Tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro
Đây là quan điểm được bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu tại phiên chất vấn chiều 3/11, khi nghe Bộ trưởng Xây dựng dự báo thị trường bất động sản khó khăn, một phần nguyên nhân do siết tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phân tích, thị trường bất động sản cần huy động nguồn lực qua nhiều kênh vốn để phát triển, như vốn đầu tư trực tiếp, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân... Nên vốn tín dụng chỉ là một kênh trong số nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển.
Dư nợ tín dụng bất động sản tới cuối tháng 8 đạt 777.235 tỷ đồng, giảm 7.340 tỷ đồng so với cách đó hai tháng.
Theo bà, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi vốn cho lĩnh vực này là dài hạn, số tiền lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn, nên "không điều tiết tốt, ngân hàng sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản".
Nhắc lại mục tiêu điều hành tín dụng là đảm bảo tuân thủ chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói trong từng giai đoạn sẽ có những điều chỉnh linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.
Chẳng hạn, giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thì mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, chứ chưa nói tới đi ngược lại mục tiêu này. "Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng", bà nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro gián tiếp, chẳng hạn quy định hệ số điều chỉnh rủi ro với khoản vay bất động sản là 200%, vay mua nhà giá trị trên 4 tỷ đồng là 150%...
Hệ số này với vay mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng là dưới 50%. Tức là, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới "ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp".
Bà Hồng nói thời gian tới, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Vay vốn mua nhà ở xã hội đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện
Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận, đặt vấn đề về tín dụng cho nhà ở xã hội hiện thấp, trong khi dòng tiền bất động sản chủ yếu chảy vào phân khúc cho người giàu.
Trước băn khoăn này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ, hiện nay Chính phủ cũng quan tâm và đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 và năm 2021 đã sửa bằng Nghị định 49, trong đó có giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và giao cho các tổ chức tín dụng được chỉ định.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị được thực hiện theo Nghị định thì đến nay đã giải ngân với doanh số là 10.584 tỷ đồng và dư nợ đến 30/9 là 9.147 tỷ đồng. “Đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định này thì hiện nay chưa giải ngân được là bởi vì tiền cấp bù lãi suất cũng chưa được bố trí cho các tổ chức tín dụng, cho nên các tổ chức tín dụng cũng chưa thực hiện cho vay đối với chương trình theo Nghị định 100 này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nằm trong khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ để kiên định đối với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cũng như đảm bảo an toàn hệ thống.
“Đối với các công cụ, giải pháp của tín dụng thì chúng tôi sẽ cân nhắc vào trong tổng thể các công cụ, giải pháp khác để làm sao đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Hà Lan