Thiên tai gây thiệt hại hơn 33.500 tỉ đồng trong năm 2020
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, đã làm: 342 người chết, mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỉ đồng…
Ngày 21/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị "Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới".
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, năm 2020 thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, đã làm: 342 người chết, mất tích. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỉ đồng…
Đặc biệt trong khoảng 2 tháng (từ giữa tháng 9 đến nay), xảy ra bão, mưa, lũ lớn lịch sử tại khu vực Trung Bộ. Cũng trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10, tháng 11 vừa qua, cho thấy phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
"Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để tiếp tục phát huy tinh thần, vai trò, nhiệm vụ đó, hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu tổng quan về xây dựng nông thôn mới và định hướng xây dựng nông thôn mới bền vững chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025; dự thảo sửa đổi bổ sung tiêu chí 3.2.
Bên cạnh đó, giới thiệu những nội dung cơ bản của công tác phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các cấp về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là cấp huyện trong việc chỉ đạo duy trì hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai.
Hướng dẫn xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống thiên tai cấp xã; vai trò, nhiệm vụ cụ thể của lực lương xung kích trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Giới thiệu dự thảo quy định chế độ chính sách cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai", ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Cụ thể: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4,9 richter; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5,3 richter); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long...
Do mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày kết hợp với địa hình đồi, núi dốc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Các vụ sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sĩ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.
Bão đổ bộ dồn dập, kết hợp triều cường, mưa lũ lớn kéo dài nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung, trong đó từ Nghệ An đến Phú Yên đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141km. Ngoài ra, hàng trăm kilômét đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.
Hà My