Thứ bảy, 23/11/2024 01:26 (GMT+7)
Thứ ba, 12/01/2021 08:57 (GMT+7)

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên

Theo dõi KTMT trên

Thiên tai trong năm 2020 thực sự là một cơn ác mộng. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường hay có nguyên nhân từ tác động của con người khiến môi trường sống của chúng ta ngày càng không an toàn. Đâu là nguyên nhân chính?

Trong ký ức của cụ Nguyễn Thị Bưởi (100 tuổi, ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chưa bao giờ lũ lụt lại khủng khiếp như năm vừa qua. Đất sạt lở, nhà bị cuốn trôi hay ngập chìm trong lũ dữ là điều khủng khiếp nhất cụ phải chứng kiến khi đã sống đến tuổi này.

Còn với bà Phạm Thị Sương (62 tuổi, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), dù đã sống hơn nửa đời người tại dải đất miền Trung - nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai, kiến thức về ứng phó với mưa lũ đã ngấm vào máu - cũng chưa bao giờ chứng kiến lũ lớn và quá nhanh như vậy. “Mọi người gần như không kịp trở tay. Thóc lúa và tài sản trôi sạch theo dòng nước lũ dù trước đó chúng tôi kê cao hơn mức hàng năm”, bà Sương bùi ngùi.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 1

Sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 vùi lấp 17 công nhân, hiện vẫn còn 11 người mất tích chưa tìm được thi thể; 13 liệt sĩ hy sinh khi tìm kiếm, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3; sạt lở núi kinh hoàng tại Nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vùi lấp 19 người, hiện vẫn còn 13 người mất tích; hay vụ sạt lở tại doanh trại của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh… là những thảm cảnh đau lòng cho thấy mức độ tàn khốc của thiên tai mà người dân miền Trung phải gánh chịu trong năm 2020.

“Thiên tai dị thường” là từ được dùng để nói về diễn biến thời tiết năm 2020. Ngay trong ngày 30 và 1 Tết Nguyên đán 2020 đã xuất hiện dông lốc, mưa đá - một điều rất hiếm khi xảy ra. Đặc biệt chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề. Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường, đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi; lũ lớn xảy ra trên toàn tuyến 16 sông chính, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 2

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020 đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỉ đồng. Tại miền Trung, đợt mưa lũ từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020 đã cướp đi sinh mạng của 249 người, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái. Nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu bị hư hỏng; 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3,2 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính hơn 30.000 tỉ đồng.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 3

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Những con số thiệt hại mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ. Đợt bão lũ ở miền Trung năm 2020 để lại hậu quả lâu dài mà không thể tính toán được hết bằng con số. Bao nhiêu người mất đi sinh kế, phải rời bỏ quê hương. Tôi đi thực tế, chứng kiến nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, có nơi như trở về thời kỳ đồ đá. Khoảng 10 năm nữa may ra mới có thể phục hồi hoặc cũng có thể không bao giờ phục hồi được như trước đây, dù nhà nước có cấp ngay 30.000 tỉ đồng hay nhiều tiền hơn vẫn không thể tái thiết như cũ”.

Thiên tai, mưa lũ bất thường tất cả là do “lỗi tại ông trời”?

Thảm họa thiên tai lịch sử liên tiếp tại miền Trung thời gian qua khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng tất cả do thời tiết biển đối thất thường? Những tác động của con người đến tự nhiên có phải là một phần của những thảm họa đó? Và chúng ta có thể rút ra điều gì sau những thảm họa đau lòng để có ứng xử hài hòa với thiên nhiên hay không?

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: “Nguyên nhân chính gây ra mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung thời gian quan là biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến thiên tai diễn biến bất thường, khó lường và không theo quy luật. Bây giờ, diễn biến thiên tai chỉ tuân theo một quy luật, đó là không theo quy luật gì”.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 4

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì cho rằng: BĐKH khiến thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. BĐKH cũng khiến nước biển dâng, nóng lên toàn cầu,… lượng mưa tăng kỷ lục. Thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát tính cực đoan của BĐKH, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.

“Nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng ở khu vực miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Hầu hết các vụ sạt lở ở miền Trung, từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam, đều có yếu tố nội sinh rất rõ ràng. Bản đồ dự báo sạt lở cho thấy những vùng này là nơi trước đây từng xảy ra sạt lở và đều nằm trên cấu trúc có dải đứt gãy đã được xác định. Mặt khác, những đứt gãy này cùng hoạt động kiến tạo cho thấy, đất đá hình thành vùng phong hóa rất lớn, có nơi dày 15 đến 16m, khiến đất đá vỡ vụn, gồm có cát, bùn và đất sét”, ông Hà cho hay.

Dưới góc độ khoa học, TS Nguyễn Quốc Thành - Viện Địa chất (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, địa hình khu vực Quảng Nam, nơi xảy ra sạt lở gây hậu quả nhiều nhất, chủ yếu là đồi núi có độ dốc lớn, trung bình mái dốc có độ nghiêng từ 20 - 40 độ. Có hệ thống đứt gãy kéo dài từ Trà Bồng - Sông Tranh 2 làm đất đá bị vỡ vụn. Khu vực ranh giới giữa 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My là nơi đứt gãy đi qua. Các hoạt động kinh tế của con người, xây dựng nhà ở, công trình sát núi còn thiếu phương pháp phòng chống thiên tai.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 5

Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho biết, khu vực xảy ra mưa lũ gây sạt lở vừa qua ở miền Trung có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh nên hình thành 1 khe suối hẹp hình chữ V, có độ dốc từ 300 + 450; 2 vách bên khe suối có cấu tạo nền đất bở rời, nằm trên nền đá gốc nên dễ gây sạt trượt.

Bên cạnh đó, thời gian qua mưa kéo dài hơn 16 ngày (từ ngày 6 đến 22/10), đất bị bão hòa, khi gặp trận mưa lớn ngày 27-28/10 (bão số 9) với gần 180mm thì đất như một khối bùn lỏng sạt lở lao nhanh xuống phía dưới, tạo ra một trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước dẫn tới dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, cuốn theo tất cả trên đường đi, tạo ra một thảm họa như chúng ta đã thấy.

Thủy điện là thủ phạm gây ra lũ?

TS Nguyễn Ngọc Chu - nguyên cán bộ Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân và mối liên hệ giữa thủy điện và chặt phá rừng: “Không dự án thuỷ điện nào mà không lấn chiếm diện tích rừng, từ vài trăm ha cho đến hàng chục nghìn ha. Từ đó có thể thấy đã có hàng triệu ha rừng bị hy sinh cho thuỷ điện. Thuỷ điện là một nguồn năng lượng rất quý giá, khai thác đúng khoa học thì rất tốt, nhưng hiện nay chúng ta đã khai thác một cách bừa bãi, phản khoa học”.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Chu, thuỷ điện đang mang đến những thách thức sống còn cho nhiều thế hệ con người, động vật, sinh vật trên phạm vi toàn lãnh thổ. Ở miền Trung, với địa hình dốc từ Tây sang Đông, có nơi chỉ 40-50km, sông miền Trung ngắn nhưng có độ dốc lớn. Chính độ dốc lớn của sông miền Trung là lý do con người tận dụng dòng chảy để đặt chi chít những thuỷ điện nhỏ. Len lỏi quanh co giữa các khe núi cao, là nơi hứng nước mưa chảy từ các triền núi, với độ dốc đột ngột, cứ cách khoảng 10-20 km, thậm chí 5 -7 km đắp một con đập là tạo nên một nhà máy thuỷ điện. Cụ thể như trên 24 km của sông Rào Trăng mà có đến 4 nhà máy thuỷ điện. Miền Trung là cứ địa của các thuỷ điện “cóc”. Và đó cũng chính là nguồn cơn đưa đến tai hoạ lũ lụt và sụt lở đất nguy hiểm ngày một nhiều hơn cho miền Trung.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 6

Một mối nguy khác chính là việc xây dựng đường giao thông đến thuỷ điện nhỏ. Các nhà đầu tư chỉ chú trọng đến chi phí. Họ chọn những cung đường ngắn nhất dù phải làm đường dưới sườn núi dốc đứng. Những con đường không đủ rộng. Họ bạt rừng để làm đường. Nguy cơ sạt lạt lở ở các con đường dẫn đến thuỷ điện nhỏ rất cao, đầy ắp nguy hiểm. Các trận lũ lụt và sụt lở đất trong tháng 10/2020 ở miền Trung đã minh chứng điều đó.

TS Nguyễn Ngọc Chu diễn giải: “Ở nước ta nói chung và ở miền Trung nói riêng, việc xây dựng các thủy điện nhỏ quá ồ ạt, trên một dòng sông có đến 3 - 4 nhà máy thủy điện, thì thử hỏi việc cắt lũ, ngăn lũ, điều tiết lũ có ổn không hay càng làm cho việc lũ lên không có nơi thoát nước nhanh hơn. Tôi phải nói rằng, thuỷ điện nhỏ không giúp giải bài toán năng lượng, nhưng lại “giúp” chúng ta phá rừng. Đó là điều cần phải nhìn một cách trực diện”.

Lũ lụt, mưa bão, sạt lở đất ở miền Trung không chỉ làm nóng dư luận mà còn trở thành chủ đề trong các phiên thảo luận và tranh luận tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV. Tại đó, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung mổ xẻ về mối liên hệ giữa phát triển thủy điện, tình trạng chặt phá rừng và thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản vừa qua... Chỉ thẳng ra nguyên nhân xuất phát từ thủy điện, nhiều đại biểu cho rằng các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng làm hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi. Các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất, ngoài những yếu tố về địa chất thì phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỉ lệ rừng giàu tự nhiên rất thấp. Việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã làm mất đi diện tích rừng đáng kể, làm đất đá dễ xói mòn, nguy cơ lũ quét, lũ ống ngày càng gia tăng.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 7

Trước một số ý kiến cho rằng thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trong giải trình trước Quốc hội cho rằng: Giai đoạn trước, nhiều thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn, chức năng của rừng. Vì vậy, từ lâu, thủy điện đã được quan tâm đặc biệt. Từ năm 2016, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang ở các lưu vực sông, đồng thời loại bỏ 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện và không có dự án thủy điện nào được bổ sung sử dụng đất rừng tự nhiên.

“Liên quan đến quản lý đất, nhất là đất rừng tự nhiên. Trên thực tế,  đối với các dự án thủy điện, khâu rất quan trọng là phải bổ sung quy hoạch và xuất phát từ địa phương. Địa phương phải căn cứ theo các Thông tư hướng dẫn như Thông tư 43 của Bộ Công Thương hướng dẫn việc xem xét các dự án thủy điện, trong đó nói rõ những tiêu chí để sử dụng đất, nếu vi phạm vượt quá 10 ha đất cho một 1 MW không được thực hiện, nếu là đất rừng tự nhiên thì không được xem xét” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng thừa nhận mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật, mất độ kết dính của đất do tác động của con người thông qua dự án thủy điện cũng như các dự án khác là không thể phủ nhận trong một mức độ, chừng mực nhất định.

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 8

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên chất vấn chiều 6/11/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, để làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả. Việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa được thực hiện nghiêm. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi, những công trình giao thông, công trình điện, công trình đường ống,... đã làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất, nhất là các tuyến đường. Khi chúng ta đi trong mùa mưa lũ thì thường xuyên gặp phải sạt lở đất ở trên đường, rất nguy hiểm. Mặt khác, việc xây dựng các công trình giao thông, công trình xây dựng khác đã gây cản trở lũ và làm cho lũ dâng cao.

Thiên tai khốc liệt, dị thường năm 2020, đặc biệt là mưa lũ, sạt lở đất kinh hoàng tại miền Trung phần nào đã được lý giải dưới góc độ khoa học. Vậy chúng ta có thể có những giải pháp chung sống một cách hòa thuận với thiên nhiên hay không trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ ngày càng khốc liệt hơn? Câu hỏi này sẽ được chúng tôi đề cập đến trong bài viết thứ hai với nhan đề:

“Nâng cao năng lực dự báo đi đôi với giải pháp chung sống thuận hòa với thiên nhiên”

Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên - Ảnh 9
Bạn đang đọc bài viết Thiên tai dị thường năm 2020 - Lời cảnh báo nghiêm khắc của mẹ thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới