Thế nào là sinh học bảo tồn?
Sinh học bảo tồn là một khoa học đa ngành được xây dựng nhằm hạn chế các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học.
Theo đó, sinh học bảo tồn nhằm hai mục tiêu:
Thứ nhất, tìm hiểu những tác động tiêu cực do các hoạt động của con người gây ra đối với các loài, quần xã và các hệ sinh thái.
Thứ hai, xây dựng các phương pháp tiếp cận để hạn chế sự tuyệt diệt của các loài và cứu các loài đang bị đe dọa bằng cách đưa chúng hội nhập trở lại các hệ sinh thái đang còn phù hợp đối với chúng.
Sinh học bảo tồn ra đời vì các khoa học ứng dụng truyền thống không còn đủ cơ sở để giải thích những mối đe dọa cấp bách đối với đa dạng sinh học. Nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý động vật hoang dã, sinh học thủy sản,... chủ yếu quan tâm đến vấn đề xây dựng các phương pháp quản lý một số ít các loài có giá trị kinh tế và làm cảnh. Những khoa học này thường không đề cập đến việc bảo vệ tất cả các loài có trong các quần xã sinh vật, hoặc chỉ đề cập như là vấn đề không quan trọng.
Từ đó, sinh học bảo tồn bổ sung các nguyên tắc ứng dụng bằng cách cung cấp phương pháp tiếp cận có tính chất lý thuyết tổng thể cho việc bảo tồn đa dạng sinh học. Sinh học bảo tồn khác với các khoa học khác ở chỗ là bảo tồn một cách lâu dài toàn bộ các quần xã sinh vật là chính, các yếu tố kinh tế thường là thứ yếu. Các khoa học kinh điển như sinh học quần thể, phân loại học, sinh thái học, và di truyền học... là nội dung cơ bản của sinh học bảo tồn.
Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Theo báo cáo về tình hình đa dạng sinh học thế giới do Diễn đàn Khoa học - Chính sách liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) thực hiện, ước tính khoảng 1 triệu loài động thực vật đang gặp nguy hiểm trong những thập niên qua. Trong đó, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Hơn 40% các loài lưỡng cư, 33% san hô và 1/3 các loài động vật có vú ở biển đang bị đe dọa.
Có thể thấy rằng, môi trường sinh thái đang ngày càng dễ bị tổn thương do sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt như hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, góp phần làm xói mòn các hệ sinh thái, đe dọa kinh tế toàn cầu. Vì vậy, thế giới cần phải đẩy nhanh tiến trình bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu các mối đe dọa đối với hệ sinh thái.
Năm 2020 thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người”, ông Erik Solheim - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ.
Trong bối cảnh các hệ sinh thái đang bị phá hủy và suy yếu trên toàn thế giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước hành động quyết liệt để bảo vệ đa dạng sinh học. “Loài người đang tiến hành một "cuộc chiến vô nghĩa" chống lại thiên nhiên, do vậy chỉ có hành động mạnh mẽ mới có thể chấm dứt tình trạng khủng hoảng sinh học”.
Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn (đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn). Các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng là nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững nhiều ngành kinh tế của đất nước.
Theo thống kê, hiện có khoảng 10 - 15 triệu loài sinh vật sinh sống trên hành tinh, tạo thành một mạng lưới cân bằng sinh thái. Do đó, sự biến mất của một loài sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới rất nhiều loài khác. Đặc biệt đối với các loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thì sự tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Chính vì vậy, chúng ta bảo tồn động vật hoang dã chính là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta không chỉ hôm nay mà bảo vệ cho mai sau.
Lan Anh (T/h)