Thế giới tuần qua: Bão Laura tàn phá phía nam nước Mỹ, Hỗ trợ Indonesia 100 triệu USD đối phó cháy rừng và BĐKH
Bão Laura cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người và tàn phá nhiều nhà cửa khi đổ bộ vào bang Louisiana, Mỹ. Indonesia vừa nhận được ngân sách hỗ trợ hơn 100 triệu USD để tăng cường ứng phó nạn cháy rừng và giảm lượng khí thải carbon ra môi trường... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Siêu bão Laura tàn phá phía nam nước Mỹ
Bão Laura là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Mỹ. Ban đầu, cơn bão được xếp vào cấp độ 4 với sức gió lên đến 240 km/h. Song tình hình hiện tại cho thấy mức độ thiệt hại không nghiêm trọng như dự đoán.
Trong sáng ngày 27/8, cơn bão đã yếu dần và giảm xuống cấp độ 2 với sức gió cao nhất là 160 km/h. Thống đốc John Bel Edwards cho biết: “Dù không phải chịu đựng mức thiệt hại thảm khốc như dự tính, chúng tôi vẫn trải qua những mất mát to lớn”.
Cơn bão đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, thổi bay các ngôi nhà và khiến hàng trăm nghìn người phải đi di tán. |
Theo ông John Bel Edwards, đây là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ bang Louisiana, thậm chí vượt qua cả siêu bão Katrina năm 2005. Với sức gió tối đa là 241 km/h, bão Laura trở thành một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công nước Mỹ.
Khi đổ bộ vào đất liền, bão Laura quét qua các khu vực trũng, thấp trên toàn bang. Tại thành phố Lake Charles, hàng loạt khu nhà dân bị tàn phá nghiêm trọng. Cơn bão còn thổi bay cửa sổ của các tòa cao ốc, gây đổ cây và cột điện.
Cảnh sát địa phương phát hiện một nhà máy sản xuất chất tẩy bị rò rỉ hóa chất. Vụ việc tại cơ sở của hãng Biolab đã tạo ra nhiều cột khói đen. Chính quyền đã yêu cầu cư dân trong vùng phải đóng cửa và tắt máy điều hòa.
Bão Laura khiến ít nhất 6 người thiệt mạng trên toàn bang. Trong số đó, một bé gái 14 tuổi và một người đàn ông 68 tuổi tử vong vì bị cây đổ vào nhà riêng. Một người khác, 24 tuổi, chết vì ngộ độc khí carbon monoxide rò rỉ từ máy phát điện. Chính quyền cũng bổ sung thêm thông tin về một trường hợp tử vong do chết đuối.
Dưới tác động của bão Laura, hơn 580.000 người Mỹ phải sơ tán. Khi phòng khách sạn kín chỗ, nhiều người phải ngủ trong xe hơi. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều thành phố còn thiết lập khu lánh nạn đáp ứng quy định phòng chống dịch.
Liên hợp quốc hỗ trợ Indonesia 100 triệu USD để đối phó cháy rừng và biến đổi khí hậu
Indonesia vừa nhận được ngân sách hỗ trợ hơn 100 triệu USD từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên hợp quốc (UN) để tăng cường ứng phó nạn cháy rừng và giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Liên hợp quốc hỗ trợ Indonesia nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters) |
Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp (MoEF) Siti Nurbaya Bakar cho biết, ngân sách trị giá 103,8 triệu USD được cấp theo chương trình REDD+, kế hoạch bảo tồn rừng do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Dẫn phát biểu của Bộ trưởng Siti Nurbaya Bakar, Reuters ngày 27/8 cho biết, kiểm soát cháy rừng là một phần quan trọng trong việc giảm nạn phá rừng. Năm 2019, tình trạng phá rừng để trồng dầu cọ tại Indonesia đã gây thiệt hại lớn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2020, với 137.000 hecta rừng bị đốt phá.
Ngoài nỗ lực đối phó với nạn phá rừng, Indonesia cũng đặt mục tiêu giảm 29% lượng khí carbon thải ra môi trường vào năm 2030, hoặc giảm 41% nếu nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế. Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy, Indonesia mỗi năm sẽ cần 19 tỉ USD để hoàn thành mục tiêu vào năm 2030.
Trong 5 năm qua, Chính phủ Indonesia chi trung bình 6,14 tỉ USD mỗi năm để ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngân sách dành cho kế hoạch này trong năm 2020 đã giảm còn khoảng 5,48 tỉ USD do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Lũ quét đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 160 người tại Afghanistan
Lực lượng cứu hộ ở Afghanistan tiếp tục tìm kiếm những người mất tích giữa đống bùn và đống đổ nát hôm 29/8 sau khi lũ quét tại đây đã giết chết khoảng 160 người và cuốn trôi nhà cửa trên khắp đất nước.
Bộ Quản lý Thiên tai cho biết 13 tỉnh, chủ yếu ở phía bắc của đất nước, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Một người đàn ông Afghanistan đi qua chiếc xe bị phá hủy do lũ lụt ở Charikar, thủ phủ tỉnh Parwan, Afghanistan vào ngày 26/8/2020. (Ảnh: Reuters) |
Tại Parwan, ngay phía bắc thủ đô Kabul, 116 người đã thiệt mạng và hơn 120 người bị thương, 15 người vẫn mất tích.
Wahida Shahkar, phát ngôn viên của thống đốc Parwan cho biết: “Các đội cứu hộ vẫn đang ở trong khu vực và tìm kiếm các thi thể mất tích.
Lũ quét ập đến Parwan vào sáng sớm hôm 26/8, cuốn trôi nhiều nhà cửa, các nhà chức trách đã sơ tán hơn 900 gia đình ra khỏi các khu vực của tỉnh miền núi Parwan bị tàn phá bởi lũ quét do trận mưa lớn trong tuần này gây ra.
Phát ngôn viên cảnh sát địa phương Salim Noori nói rằng cộng đồng ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu là nông dân và lao động phi chính thức vốn đang gặp khó khăn về tài chính và cảnh sát đang kêu gọi hiến máu cho nhiều người bị thương.
Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết lực lượng an ninh Afghanistan đang hỗ trợ các nỗ lực khôi phục và phân phối viện trợ.
NATO cho biết, họ cũng đang hỗ trợ quân đội Afghanistan và đã vận chuyển thực phẩm, nước và chăn đến khu vực này vào đầu tuần tới.
Afghanistan là nơi thường xuyên xảy ra hạn hán nhưng có thể hứng chịu những trận mưa rất lớn trong mùa mưa của Nam Á.
Pháp tung gói khôi phục kinh tế 15 tỉ euro, đặt mục tiêu 10 năm
Tổng thống Pháp vừa tuyên bố về một gói khôi phục kinh tế trị giá 15 tỉ euro để hỗ trợ thúc đẩy các kế hoạch đổi mới và tái định cư nền công nghiệp.
(Ảnh minh hoạ) |
Ông Emmanuel Macron khẳng định, kế hoạch khôi phục kinh tế mang tên “Khởi động lại nước Pháp” không phải là 1 kế hoạch ngắn hạn.
"Chiến dịch “Khởi động lại nước Pháp” không phải là một chiến lược để chống lại những khó khăn ở thời điểm hiện tại. Đây sẽ là một chiến dịch kéo dài 10 năm nhằm giúp nước Pháp khẳng định vị thế trên thế giới và trở nên mạnh mẽ hơn vào năm 2030” - ông Emmanuel Macron cho biết.
Trước diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, Chính phủ Pháp vừa qua đã tuyên bố lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng với người dân toàn quốc. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi người dân áp dụng tốt biện pháp này và chấp nhận việc đeo khẩu trang trong 1 thời gian để bảo vệ bản thân, làm chậm quá trình lây nhiễm của Covid-19.
Covid-19: thế giới đã ghi nhận hơn 25,1 triệu ca mắc, trong đó có 845.531 ca tử vong
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 30/8, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 25.141.268 trường hợp, trong đó có 845.531 trường hợp tử vong.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức cực đoan, đáng lo ngại tại một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
(Ảnh minh hoạ) |
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc Covid-19.
Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch Covid-19 với số ca mắc đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới.
Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 6.135.900; số ca tử vong ở Mỹ do Covid-19 đã lên tới 186.792.
Tại châu Mỹ Latin, Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 33.548 ca mắc và 858 ca tử vong, nâng tổng số lên 3.846.153 ca bệnh và 120.452 ca tử vong. Dịch bệnh cũng đang lây lan mạnh tại Mexico, Peru, Chile.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 371.816 sau khi ghi nhận thêm 1.905 trường hợp trong 24h qua. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 21.359 trường hợp.
Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng. Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 78.472 ca mắc và 944 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 3.539.712, trong đó có 63.657 ca tử vong.
Khu vực Đông Nam Á,Philipines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 213.131 ca sau khi ghi nhận thêm 3.637 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.
Quang Huy