Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/10/2023 19:53 (GMT+7)

Thấy gì từ việc 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động tại Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), đến năm 2022, Việt Nam đã cán mốc 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đã đăng ký thành lập và hoạt động.

Năm 2019, khẩu hiệu “Make in Viet Nam” được đưa ra đã khiến nhiều người tò mò xen lẫn hoài nghi. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cụm từ này đã trở thành định hướng và tạo động lực, cổ vũ các công ty công nghệ số trong nước.

Chiến lược quốc gia “Make in Viet Nam” ra đời không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số mà còn đặt nền móng quan trọng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số. Chưa kể, các doanh nghiệp công nghệ số đã được đặt một sứ mệnh lịch sử khi sẽ là hạt nhân để đưa Việt Nam bứt phá với nền kinh tế số giữ vai trò chủ đạo, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển vào năm 2045.

Thấy gì từ việc 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động tại Việt Nam? - Ảnh 1
FPT tổ chức triển lãm công nghệ AI, IoT. Ảnh: Kinh tế và Đô thị.

Theo định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông (ICT) năm 2023 và giai đoạn 2024- 2025, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, đặt chỉ tiêu năm 2023, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử- viễn thông đạt 165 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 175 tỷ USD trong năm 2024 và đạt 185 tỷ USD vào năm 2025.

Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6- 6,5% mỗi năm. Xuất khẩu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 137 tỷ USD trong năm 2023, tăng lên 148 tỷ USD năm 2024 và đạt mức 160 tỷ USD vào năm 2025.

Trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34,336 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021.

Như vậy, trong suốt 5 năm qua, doanh thu công nghiệp ICT Việt Nam liên tục tăng trưởng cao từ mức gần 103 tỷ USD năm 2018 lên hơn 124,67 tỷ USD vào năm 2020 và 136,15 tỷ USD vào năm 2021.

Số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 tại Việt Nam ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021 và đạt kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra năm 2022. Trong đó, theo thống kê có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Những con số trên đã cho thấy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Báo cáo đo lường về hoạt động của người dân trên các nền tảng số “Make in Viet Nam” vào tháng 9/2022 cũng cho thấy, Việt Nam có tổng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động là 265 triệu lượt, đứng thứ 10 toàn cầu. Còn trong top 50 ứng dụng có số lượng người dùng nhiều nhất, những ứng dụng “Make in Viet Nam” có thứ hạng cao bao gồm Zalo (vị trí số 2), Zing Mp3 (số 17), Báo Mới (đứng thứ 26)....

Điều này cho thấy, một số lĩnh vực, các doanh nghiệp số Việt Nam đang cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thống kê, nền tảng “Make in Viet Nam”, Zalo tiếp tục là ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất Việt Nam năm 2022 (với tỷ lệ sử dụng là 87%, theo sau là Facebook với 72%, Messenger là 58% và Instagram chiếm 15%). Kết thúc năm 2022, Zalo công bố có 74 triệu người dùng thường xuyên (chiếm tới hơn 74% dân số nước ta).

Hay trong lĩnh vực tài chính số, Momo đang chiếm 50% thị phần ví điện tử ở Việt Nam (với khoảng hơn 31 triệu người dùng). Trong đó, những công đoạn, sản phẩm công nghệ quan trọng của MoMo đều hoàn toàn do người Việt thực hiện.

Không chỉ các doanh nghiệp công nghệ số, các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, CMC... cũng đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm “Make in Viet Nam” để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, giúp chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm.

Cụ thể, Tập đoàn Viettel đã đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển hạ tầng mạng 4G và 5G, nhằm tăng sự chủ động, giảm thiểu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, cũng như có thể tinh chỉnh sản phẩm nhanh hơn theo yêu cầu của khách hàng.

Hay với FPT các sản phẩm, giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, blockchain, cloud... mang lại 1.150 tỷ đồng doanh thu, trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của công ty trong dài hạn.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam vươn tầm thế giới.

Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thành danh thì hãy thượng tôn pháp luật, hãy nhận lấy sứ mệnh giúp Việt Nam hóa rồng, hóa hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam thì không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn phải làm ra vũ khí bảo vệ Việt Nam.”

Nhât Hạ

Bạn đang đọc bài viết Thấy gì từ việc 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động tại Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP
Mới đây, 2 trang trại lớn của Mavin đã chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của Mavin trong việc xây dựng một hệ thống chăn nuôi hiện đại, bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Tin mới