Thứ năm, 25/04/2024 22:50 (GMT+7)
Thứ năm, 25/05/2023 16:50 (GMT+7)

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số

Theo dõi KTMT trên

Với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của Việt Nam sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả.

Cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước,…

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số - Ảnh 1
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý tài nguyên nước.

Do đó, cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ

Với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của Việt Nam sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh được giữ nguyên như Luật 2012. Về đối tượng áp dụng, Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Góp ý về vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.  

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước; trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong cập nhật, chia sẻ thông tin về điều tra cơ bản tài nguyên nước… 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.