Tháo gỡ khó khăn về vốn cho xây dựng 2 tuyến Metro số 1 và 2 tại TP.HCM
Việc chậm trễ triển khai dự án và trả lời các kiến nghị của Nhà tài trợ cũng như việc chưa thống nhất về giá trị cấp phát là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn, trì hoãn tiến độ thi công 2 tuyến Metro 1 và 2 tại TP.HCM, cần tháo gỡ.
Trước đó, như đã thông tin, việc triển khai đồng thời các dự án xây dựng Metro só 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại TP.HCM hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn, dẫn đến tiến độ thi công bị trì hoãn. Trong đó, vướng mắc về thủ tục hành chính mà cụ thể là việc các Bộ ngành đang chưa thống nhất với nhau về giá trị cấp phát, đang là một trong những "nút thắt" quan trọng cần được tháo gỡ.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 8/2021, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị cho phép thành phố giải ngân 9.671 tỉ yên Nhật (khoảng 1.952 tỉ đồng).
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính mới đây cũng đã có ý kiến chính thức.
Theo đó, đối với dự án tuyến Metro số 1, đây là dự án đang gặp vướng mắc vì căn cứ quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính toán phần vốn cấp phát cho Dự án theo VNĐ tại thời điểm phê duyệt Quyết định đầu tư dự án ban đầu, nay áp dụng đồng tiền vay là JPY (đồng Yên Nhật) có chênh lệch.
Về vấn đề tỷ lệ cấp phát/cho vay lại, căn cứ ý kiến đồng thuận của TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về tỷ lệ cấp phát dự án là 67,5%/ tổng vốn vay theo tổng mức đầu tư ban đầu, phần tổng mức đầu tư tăng thêm áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.
Để thúc đẩy giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND.TP Hồ Chí Minh cần thống nhất với Bộ KH&ĐT xác định số vốn cấp phát cho Dự án phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay khi Dự án được giao kế hoạch vốn cấp phát và có đề nghị rút vốn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rút vốn.
Đối với dự án tuyến metro số 2, căn cứ các Quyết định của UBND Thành phố và quyết định của các cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt Dự án, Bộ Tài chính đã ký các Hiệp định vay từ các nguồn ADB, EIB và KfW cho Dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của Dự án là rất chậm, phần lớn giá trị vốn vay đã cam kết phải hủy và mới chỉ giải ngân cho chi phí tài chính (khoảng 40,34 triệu USD), chưa giải ngân cho xây lắp, mua sắm thiết bị. Đến nay, toàn bộ các Hiệp định vay tài trợ Dự án đều đã hết hạn giải ngân/đã hủy.
Đối với việc gia hạn thời gian giải ngân Dự án (nguồn vay KfW), Bộ Tài chính cho biết Tại thư ngày 5/8/2021 gửi Bộ, KfW chỉ đồng ý gia hạn thời hạn giải ngân của phần vốn viện trợ không hoàn lại (đến ngày 30/12/2026). Đối với phần vốn vay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến đồng thuận của KfW về việc gia hạn và điều chỉnh lịch trả nợ gốc.
Bộ Tài chính đã có ý kiến, đề nghị UBND TP.HCM cập nhật về tiến độ triển khai Dự án đến nay; có ý kiến về các đề xuất của KfW; đề xuất ý kiến trao đổi với KfW về trách nhiệm trả phí cam kết đối với phần vốn vay theo quy định của Thỏa thuận vay trong giai đoạn từ khi hết hạn giải ngân vào ngày 30/12/2020 đến khi KfW đồng ý tiếp tục gia hạn thời hạn giải ngân (ở mức 0,25%/năm tính trên số vốn chưa rút) trong trường hợp KfW đồng ý việc gia hạn đối với phần vốn vay.
Căn cứ ý kiến trả lời của UBND TP.Hồ Chí Minh về nội dung này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trao đổi với KfW về việc gia hạn thời hạn giải ngân khoản viện trợ và khoản vay. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là Ban QLDA và UBND TP.Hồ Chí Minh chậm trễ trong việc triển khai Dự án và trả lời các kiến nghị của Nhà tài trợ.
Huệ Đỗ