Thanh Hóa: Việc triển khai thực hiện các mỏ đất đắp đê theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn
Dự kiến trong giai đoạn 2024-2030, các dự án nâng cấp, duy tu, sửa chữa công trình đê điều tại Thanh Hóa có nhu cầu sử dụng khoảng 09 triệu m3 đất đắp. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện các mỏ đất đắp đê theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn.
Thông tin từ Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 51 mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép và đang còn thời hạn khai thác, trong đó, riêng năm 2024 đã cấp 09 giấy phép mới, trữ lượng khai thác 54,9 triệu m3, công suất khai thác khoảng 5,9 triệu m3/năm.
Đối với các mỏ đất đắp đê đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, xác định có 17 mỏ, với diện tích 368,6 ha, trữ lượng khoảng 26,2 triệu m3 tại 11 huyện, gồm: Vĩnh Lộc 03 mỏ, Hoằng Hoá 02 mỏ, Thạch Thành 02 mỏ, Thọ Xuân 02 mỏ, Nông Cống 02 mỏ, Hậu Lộc 01 mỏ, Hà Trung 01 mỏ, Cẩm Thuỷ 01 mỏ, Yên Định 01 mỏ, Triệu Sơn 01 mỏ, Như Thanh 01 mỏ.
Dự kiến trong giai đoạn 2024-2030, các dự án nâng cấp, duy tu, sửa chữa công trình đê điều trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 09 triệu m3 đất đắp. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện các mỏ đất đắp đê theo quy hoạch có nhiều khó khăn, như: Có 13/17 mỏ đất đắp đê không được các huyện đưa vào quy hoạch sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt, chủ yếu quy hoạch cho các loại đất trồng rừng sản xuất, đất ở nông thôn, đất trồng cây lâu năm…
Tại các huyện: Hoằng Hoá 02 mỏ, Thạch Thành 02 mỏ, Vĩnh Lộc 03 mỏ, Cẩm Thuỷ 01 mỏ, Yên Định 01 mỏ, Triệu Sơn 01 mỏ, Thọ Xuân 02 mỏ, Như Thanh 01 mỏ. Có 02/17 mỏ tại huyện Nông Cống được quy hoạch 100% diện tích sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản. Có 02/17 mỏ được quy hoạch một phần sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản, là: Mỏ đất núi Ngằn, huyện Hậu Lộc (khoảng 1,7ha/20,146 ha); mỏ đất xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (khoảng 2.287 ha/8,565 ha).
Qua kiểm tra thực địa cũng có tới 09/17 mỏ đất đắp đê việc tổ chức khai thác đất là không khả thi, trong đó: 06 mỏ có hiện trạng một phần là đất ở, một phần là đất tôn giáo, đất nghĩa địa, đất giao thông (huyện Thạch Thành 02 mỏ, huyện Hà Trung 01 mỏ, huyện Thọ Xuân 02 mỏ, huyện Như Thanh 01 mỏ); 03 mỏ hiện trạng là đất lúa, đất của Công ty cao su, đất vùng nguyên liệu của nhà máy đường (huyện Cẩm Thuỷ 01 mỏ, huyện Nông Cống 02 mỏ).
Ngoài ra, một số vị trí các mỏ quy hoạch đất đắp đê có nguồn gốc là đất trồng rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý; các mỏ chưa được giải phóng mặt bằng, gần khu dân cư, đường giao thông vào khu vực mỏ là đường bê tông nông thôn; chi phí giải phóng mặt bằng lớn, vị trí mỏ khai thác đất có khoảng cách xa so với các dự án, thời gian từ khi xin cấp phép khai thác đến khi tổ chức khai thác mất nhiều thời gian, trong khi thời gian thi công công trình đê ngắn…
Đình Đông