Thứ ba, 17/09/2024 05:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/08/2024 10:33 (GMT+7)

Huyện Quan Sơn có nhiều thay đổi sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp

Theo dõi KTMT trên

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đây là một trong những nội dung được khẳng định tại Thông báo số 447-TB/VPTU, ngày 19/7/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa về thông báo kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quan Sơn.

Huyện Quan Sơn có nhiều thay đổi sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp - Ảnh 1
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Quan Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo kết luận, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Quan Sơn đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế duy trì đà tăng trưởng; các lĩnh vực sản xuất có bước phát triển; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt gần 90%, cao nhất cả tỉnh.

Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm. Sản xuất công nghiệp - xây dựng duy trì tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,19%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, đến nay đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng "đường - điện - trường - trạm" trên địa bàn huyện; việc bố trí, sắp xếp, xây dựng các khu dân cư gắn với phòng, chống thiên tai được tập trung chỉ đạo; các hoạt động dịch vụ - thương mại ngày càng phát triển; tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt 38%; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đã làm tốt công tác đối ngoại với các địa phương của nước bạn Lào; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.

Tuy nhiên, Quan Sơn vẫn nằm trong nhóm các huyện nghèo nhất của tỉnh và cả nước; nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Kinh tế phát triển chậm, thiếu bền vững. Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hiệu quả chưa cao; hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức hợp tác, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm quy mô lớn, giá trị cao, có thương hiệu…

Để đưa Quan Sơn nhanh chóng thoát khỏi huyện nghèo và sớm trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong huyện phải thật sự đoàn kết, tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:

Khẩn trương rà soát tổng thể các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đã đề ra, nhất là 27 chỉ tiêu, 3 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, năm 2025, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cao nhất tất cả các chỉ tiêu đề ra. Tập trung thực hiện "5 vững", đó là: Giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện; Giữ vững lòng dân, niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể; Giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, từ tiềm năng, thế mạnh, từ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của huyện; Giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; Giữ vững an ninh, môi trường rừng đầu nguồn và an ninh nguồn nước; từ đó, tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Bám sát các quy hoạch của tỉnh và yêu cầu phát triển của địa phương để rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, khớp nối, nâng tầm quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng các khu chức năng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng và không gian phát triển,… Với phương châm "mở rộng tầm nhìn để gia tăng cơ hội phát triển" theo cơ cấu kinh tế "nông - lâm - thủy sản; dịch vụ - du lịch; xây dựng - công nghiệp" nhằm khai thác tối đa lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt của huyện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh vận động, thu hút đầu tư, huy động đa dạng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các quy hoạch; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, rừng tạp; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi nông hộ với quy mô phù hợp, gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên phát triển vật nuôi đặc sản, giá trị kinh tế cao, có lợi thế. Tận dụng, phát huy, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước vùng lòng hồ, lòng ao ở những nơi có đủ điều kiện để nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm.

Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm; xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó cây luồng, cây nứa, cây vầu là chủ đạo; quan tâm cao cho lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nguồn sinh thủy, giữ gìn môi trường sinh thái rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, giữ vững an ninh rừng, phát triển rừng bền vững gắn với việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính (bán tín chỉ carbon dioxide - CO2).

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh rừng, trồng cây nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản; thực hiện hiệu quả Đề án phục tráng rừng luồng, đẩy mạnh phát triển vùng thâm canh luồng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng luồng và thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Nâng cao chất lượng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, nghiên cứu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế để có thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng, thương hiệu, giá trị cao. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng NTM, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; trong đó chú trọng hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu.

Tập trung phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng phát triển các ngành nghề có thế mạnh như: Khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh khôi phục và phát triển các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn (người Mông), nấu rượu cần… và nhân cấy nghề mới để phục vụ du lịch, xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ; chú trọng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững với đa dạng các loại hình, như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; gắn du lịch với phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tập trung thu hút đầu tư vào các điểm du lịch đã và đang khai thác; tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để mở rộng thị trường khách du lịch; phấn đấu đưa du lịch Quan Sơn trở thành điểm đến mới hấp dẫn của tỉnh và trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đa dạng hóa các hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế... Đẩy mạnh công tác phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể và tăng cường liên kết, hợp tác giữa các loại hình kinh tế. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn huyện. Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; chú trọng thực hiện các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu mới và tiết kiệm chi thường xuyên, để dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường…

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Huyện Quan Sơn có nhiều thay đổi sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhân lên tình người vượt mưa lũ
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với đời sống hàng nghìn người ở nhiều địa phương, vì thế, cần thêm nhiều hơn nữa những bàn tay ấm dang rộng ra với đồng bào.
Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam'
Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.
"Hết mưa là nắng hửng lên thôi"
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi!” - Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua mạnh mẽ để phát triển bền vững. Là người Việt Nam, với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm, chúng ta sẵn có niềm tin tự cường ấy!

Tin mới