Thanh Hoá: Tăng cường phòng, chống ô nhiễm môi trường không khí
Ngày 21/6/2023 UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Văn bản số 8753 gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2023 - 2025. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí; tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh (AQI); kịp thời cảnh báo cho chính quyền địa phương khi xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khoẻ cộng đồng dân cư; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xả bụi, khí thải không qua xử lý ra môi trường.
Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông cấp tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo vệ sức khoẻ đối với việc ô nhiễm bụi trong không khí tại thời điểm này. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn xử lý phụ phẩm nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo hướng tái chế thành sản phẩm có ích, tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng theo phân cấp; yêu cầu UBND cấp huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn khi tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân, báo chí hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện kiểm định khí thải đối với phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở để tuyên truyền về dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí cho cộng đồng xã hội hoặc thông tin dự báo thời tiết hàng ngày.
Đối với UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, phải ban hành kế hoạch, lộ trình chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý thực bì sau mỗi vụ thu hoạch, đảm bảo tỉ lệ thu gom, xử lý, chế biến rơm rạ, phụ phẩm nông lâm nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích đạt 100%; chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị chức năng, tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch; kiểm tra đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Đặc biệt, nếu địa phương nào để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, thì tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và trước pháp luật.
Đình Đông