Chủ nhật, 24/11/2024 17:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/11/2023 09:05 (GMT+7)

Thanh Hóa: Nhiều xã để xảy ra tình trạng tự ý chuyển nhượng, san gạt đất

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã để xảy ra tình trạng tự ý chuyển nhượng và san gạt đất khiến địa phương này phải tổ chức hội nghị tìm hướng giải quyết.

Thường Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay kinh tế nông lâm nghiệp vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Do đặc điểm địa hình phần lớn là đồi núi nên nhu cầu san gạt, chuyển nhượng đất (nhất là chuyển nhượng đất lâm nghiệp) để phục vụ các mục đích khác nhau diễn ra tương đối cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiến hành san gạt, chuyển nhượng đất theo đúng quy định của pháp luật thì thời gian qua không ít xã đã để xảy ra tình trạng tự ý san gạt, chuyển nhượng đất không đúng với quy định của pháp luật, như: Xuân Cao, Tân Thành, Thị trấn Thường Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ.

Thanh Hóa: Nhiều xã để xảy ra tình trạng tự ý chuyển nhượng, san gạt đất - Ảnh 1
Gần như toàn bộ quả đồi nằm sát cầu Thành Viên 2, thôn Thành Lợi, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân đã bị tự ý san gạt làm thay đổi hiện trạng.

Một phần diện tích đất lâm nghiệp và hàng nghìn m3 đất tại các sườn đồi đã bị tự ý chuyển nhượng, san gạt, làm thay đổi hiện trạng và tác động xấu đến môi trường. Thực trạng này đã khiến huyện Thường Xuân phải tổ chức hội nghị để giải quyết vụ việc vào 30/10/2023. Qua hội nghị, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã đưa ra kết luận: Đối với việc tự ý chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái quy định, giao Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Biên chỉ đạo phòng TN&MT tham mưu thành lập tổ rà soát về việc chuyển nhượng đất lâm nghiệp ở tất cả các xã trên địa bàn huyện; Cơ quan Công an huyện cung cấp lại hồ sơ rà soát tại xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ và các tài liệu có liên quan, hồ sơ một số xã khác có liên quan đến hoạt động tự ý chuyển nhượng đất lâm nghiệp để tổ công tác làm cơ sở rà soát; sau khi hoàn tất công tác rà soát, tổ công tác báo cáo Thường trực UBND huyện, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo Thường trực Huyện ủy.

Thanh Hóa: Nhiều xã để xảy ra tình trạng tự ý chuyển nhượng, san gạt đất - Ảnh 2
Hàng nghìn m3 đất từ quả đồi cũng được dùng để san lấp làm nhà.

Đối với việc tự ý san gạt đất trái quy định (xã Xuân Cao, Tân Thành, thị trấn Thường Xuân) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm quản lý trên địa bàn khi để xảy ra tình trạng trên, báo cáo kết quả kiểm điểm về UBND huyện.

Kết luận cũng yêu cầu các xã, thị trấn rà soát nhu cầu san gạt đất của các hộ dân, báo cáo chi tiết, cụ thể và đăng ký với cơ quan, đơn vị chuyên môn có thẩm quyền; yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm khắc, quyết liệt tình trạng tự ý san gạt đất, tạo mặt bằng để xây dựng cơ sở băm dăm keo, cơ sở sản xuất thủ công; yêu cầu lãnh đạo các xã tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt địa bàn, tuyệt đối không để phát sinh việc tự ý san gạt đất trái phép; các xã, thị trấn giao trách nhiệm đến cán bộ thôn, Ban quản lý thôn trong việc quản lý địa bàn về quản lý đất đai nói riêng và quản lý địa bàn nói chung.

Qua sự việc trên cho thấy, mặc dù huyện Thường Xuân đã tiến hành biện pháp để giải quyết những vi phạm vừa nêu tại các xã, thị trấn, song, cũng qua đây đã bộc lộ những yếu kém và dấu hiệu buông lỏng quản lý trong công tác quản lý đất đai ở một số đơn vị trên địa bàn huyện và vấn đề này cần phải sớm được ngăn chặn, xử lý.

Cũng liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Thường Xuân, phóng viên sẽ tiếp tục thông tin về những vi phạm trong việc chuyển đất trồng cây hàng năm và lâu năm sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, cũng như sự chậm trễ trong khắc phục sai phạm của những đơn vị liên quan trong bài viết tiếp theo.

Khoản 1,2 Điều 208 Luật đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương.

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Điểm b khoản 1 Điều 207 Luật đất đai sửa đổi 2018 cũng quy định việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau: Người nào thiếu trách nhiệm trong quản lý, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Nhiều xã để xảy ra tình trạng tự ý chuyển nhượng, san gạt đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới