Thanh Hóa: Mất an toàn tại các mỏ đá, cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý
Mặc dù đã được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm, chỉ đạo, tuy nhiên thời gian gần đây không ít vụ việc mất an toàn tại các mỏ đá vẫn xảy ra, đòi hỏi cần xiết chặt hơn nữa công tác quản lý.
Hiện nay, các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng, sản phẩm cho xuất khẩu mà còn tạo công ăn việc làm cho không ít lao động, nộp ngân sách Nhà nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Song, cùng với những lợi ích mang lại, thời gian gần đây tại một số mỏ đá đã để xảy ra tình trạng mất an toàn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý.
Tháng 11/2023, tại mỏ đá của Công ty cổ phần Loan Dương đóng trên địa bàn xã Hà Tân, huyện Hà Trung đã xảy vụ tai nạn lao động khiến ông V.V.D (là chủ mỏ đá) bị tử vong do đá rơi đè bẹp cabin máy múc trong lúc ông lái máy dọn dẹp sân bãi. Ngày 18/3/2024 tại khu vực mỏ khai thác đá của Công ty TNHH đá ốp lát Hoan Liên, đóng trên địa bàn thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân xảy ra vụ tai nạn lao động khiến ông L.V.N (46 tuổi, trú xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) tử vong.
Mới đây nhất, vào ngày 28/3, trong quá trình nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá thuộc khu vực núi Bền (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) của Công ty cổ phần xây dựng đô thị 5 đã khiến đá văng làm thủng mái nhà và hư hại nhiều tài sản của 30 hộ dân trên địa bàn thôn 9, xã Minh Tân. Sự việc khiến mỏ đá bị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động động khai thác, chế biến để tập trung khắc phục hậu quả và điều tra làm rõ nguyên nhân.
Như vậy chỉ trong khoảng thời gian ngắn (từ tháng 11/2023-3/2024) tại Thanh Hóa đã có tới 3 vụ mất an toàn xảy ra tại các mỏ đá. Mặc dù các vụ việc đã và đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu có sai phạm, thế nhưng qua đây cho thấy công tác đảm bảo an toàn tại các mỏ đá trên địa bàn cần phải được quan tâm hơn nữa.
Trước đó, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã xảy ra 18 vụ tai nạn lao động làm chết người tại các mỏ đá. Tính đến thời điểm tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 330 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, trong đó có 222 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng được khai thác khoảng 190 triệu m3, tổng công suất khai thác đạt khoảng 8,25 triệu m3/năm.
Với số lượng lớn các mỏ đá đang hoạt động, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã rất quan tâm, chỉ đạo trong việc kiểm tra, giám sát để các chủ doanh nghiệp khai thác mỏ chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn lao động. Mặc dù vậy để các doanh nghiệp và người lao động tại các mỏ đá nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, qua đó đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản thì cần phải xiết chặt hơn nữa công tác quản lý. Đặc biệt trong việc tăng cường kiểm tra đột xuất và điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến mất an toàn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Phạm Viết Luân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Để xử lý các vụ tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ khai thác đá thì căn cứ kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn; mức độ vi phạm và hậu quả vụ việc.
Theo đó, nếu các vụ tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng và các vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì căn cứ các quy định liên quan để xử phạt hành chính… Nếu tai nạn lao động dẫn đến chết người mà những căn cứ cho thấy lỗi hoàn toàn do đơn vị sử dụng lao động, vi phạm tổ chức khai thác thì cơ quan có thẩm quyền có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 227 Bộ luật hình sự về việc vi phạm các quy định an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng…
Đình Đông