Chủ nhật, 28/04/2024 01:28 (GMT+7)
Thứ hai, 11/12/2023 14:42 (GMT+7)

Thanh Hóa: Dự kiến chi gần 12 nghìn tỷ cho đầu tư công năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Theo dự kiến, vốn đầu tư công năm 2024 ở Thanh Hóa được Trung ương phân bổ gần 2.600 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương dự kiến hơn 9.000 tỷ đồng.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa xác định là một năm then chốt để tăng tốc và bứt phá, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND các cấp quyết nghị. Do đó, việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới; tập trung vào định hướng một số dự án quan trọng, có tính cấp bách.

Thanh Hóa: Dự kiến chi gần 12 nghìn tỷ cho đầu tư công năm 2024 - Ảnh 1
Nhiều tuyến đường giao thông sẽ được tỉnh Thanh Hóa tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trong năm 2024.

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng, kết nối các hành lang kinh tế, trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; các tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện và đường liên xã ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Thanh Hóa; đường nối QL1 với QL45 từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa (Km5+250-Km14+603); đường khu công nghiệp Bỉm Sơn nối với tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; Đường từ Vạn Thiện đi Bến En; các tuyến tỉnh lộ 524, 506B; đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn...

Hoàn thành các dự án: Đường giao thông nối QL47 xã Đông Anh, huyện Đông Sơn với QL45 xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (đoạn từ tỉnh lộ 517 huyện Đông Sơn đi xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương); tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân... Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và khởi công một số dự án: Mở rộng đại lộ Lê Lợi đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, TP. Thanh Hóa; cầu Cẩm Vân; đường từ núi Văn Trinh (ĐT 504) đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn (ĐT 506)…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản, sẽ ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối, công trình trọng điểm của tỉnh; các công trình, dự án hạ tầng, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thuộc Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025; di dân xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn...

Thanh Hóa: Dự kiến chi gần 12 nghìn tỷ cho đầu tư công năm 2024 - Ảnh 2
Khu KT Nghi Sơn và các KCN cũng sẽ được Thanh Hóa ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng.

Ở khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN): Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong KKT Nghi Sơn và các KCN; thực hiện một số dự án quan trọng, như: Xây dựng kéo dài kênh thoát nước làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn; Đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 - KKT Nghi Sơn; hạ tầng các khu tái định cư phục vụ GPMB trong khu kinh tế...

Cùng với nguồn vốn của các huyện, thị xã, thành phố đầu tư chỉnh trang đô thị, các dự án đầu tư phát triển đô thị của các nhà đầu tư, nguồn vốn do tỉnh quản lý tập trung đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô lớn, như: Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc... Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất Trường Chính trị tỉnh; đầu tư và hoàn thành các công sở xã, trụ sở MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện; cải tạo, sửa chữa các trụ sở làm việc ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã xuống cấp...

Bên cạnh đó, về văn hóa sẽ đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trọng điểm của tỉnh, gồm: Tôn tạo khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (Giai đoạn 2); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Nhóm dự án số 4); Thành nhà Hồ; Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc; Di tích lịch sử Ba Đình; bảo tồn, tôn tạo Di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (hạng mục: Đền thờ các thủ lĩnh và nghĩa quân Ba Đình) huyện Nga Sơn; Khu di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và tượng đài trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc...

Ở lĩnh vực du lịch sẽ đầu tư hạ tầng giao thông trục chính đến các khu, điểm du lịch trọng điểm, như: Tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (Đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã đến QL47) và đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo), TP. Sầm Sơn; đường giao thông khu du lịch suối cá thần, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy; đường giao thông vào khu di tích cấp quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa (đoạn tuyến từ Km7+300 đến Km16+950)...

Cùng với đó, sẽ đầu tư các bệnh viện: Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa, huyện Vĩnh Lộc, huyện Như Thanh; chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công một số bệnh viện, như: Dự án khu điều trị số 1, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện đa khoa các huyện Như Xuân, Hoằng Hóa, Hậu Lộc... Về quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội: Đầu tư tuyến đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, vật nổ trên các địa bàn trọng điểm, trụ sở công an cấp xã, nhất là khu vực khó khăn, miền núi...

Tiếp đó là các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Tiếp tục ưu tiên đầu tư 3 chương trình MTQG: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Tổng nguồn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Thah Hóa là 11,785,053 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương là 9,189,157 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 2,595,896 tỷ đồng. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm tham mưu, kiểm tra, đôn đốc, giám sát… để hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Với việc tập trung vào đầu tư một số định hướng đã đề ra, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Dự kiến chi gần 12 nghìn tỷ cho đầu tư công năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới