Thái Nguyên: Vi phạm môi trường, TISCO bị xử phạt 565 triệu đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) về các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường.
Trước đó, theo phản ánh, bãi thải bụi lò của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được tập kết lộ thiên, kéo dài hàng chục mét, chất cao khoảng 2 m. Thực trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được chủ nguồn thải xử lý dứt điểm. Đáng chú ý, ngay sát núi chất thải bụi lò xuất hiện các vũng nước thải nổi váng có màu xanh, vàng tích tụ trên bề mặt diện tích rộng cả trăm m2.
Liên quan đến việc quản lý chất thải nguy hại nêu trên, đại diện Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên khẳng định, bụi lò phát sinh từ quá trình luyện gang thép là chất thải nguy hại, phải được quản lý đúng quy trình kỹ thuật theo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Sở TN&MT tỉnh này cũng cho biết, hai nhà máy là chi nhánh của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên phát sinh bụi lò gồm Nhà máy luyện thép Lưu Xá và Nhà máy luyện gang. Mỗi năm, hai chi nhánh này phát sinh khoảng 8.000 tấn bụi lò.
Trước tình trạng núi bụi lò sau luyện thép (chất thải nguy hại) chất lộ thiên trong khuôn viên Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Sở TN&MT đã lập đoàn kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với bụi lò luyện gang, thép.
Qua kết luận kiểm tra của Sở TN&MT Thái Nguyên xác định, hoạt động của hai nhà máy nêu trên làm phát sinh bụi lò đã để xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm.
Trong đó, TISCO bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại là bụi lò luyện gang, thép tại các bãi chứa không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Không báo cáo theo quy định với cơ quan nhà nước về lưu giữ chất thải trên quá 6 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải. Quá trình lưu giữ bụi lò các bãi chứa làm tràn ra môi trường đất gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, với nhà máy luyện thép Lưu Xá thực hiện sản xuất phôi thép với công suất 450.000 tấn/năm, sử dụng gang, thép phế liệu và các vật liệu phụ trợ. Quá trình này phát thải ra lượng lớn bụi lò, được thu gom qua hai hệ thống lọc bụi túi vải.
Theo báo cáo của nhà máy, từ năm 2010 đến nay, lượng bụi lò phát sinh khoảng 38.159.642 kg (công ty đã chuyển giao khoảng 1/4 số chất thải trên). Số lượng bụi lò tồn đọng được lưu giữ tại ba khu vực. Ở bãi chứa số 1, ước tính có khoảng 5.880 tấn chất thải nguy hại. Bãi chứa số 2 có khoảng 20.670 tấn và kho chứa cũ với khoảng 1.316 tấn.
Đối với nhà máy luyện gang, công suất của nhà máy mỗi năm sản xuất 180.000 tấn phục vụ cho sản xuất phôi thép. Nhà máy sử dụng chủ yếu nguyên liệu là quặng sắt với nhiên liệu gồm than cốc sử dụng cho lò cao và than cám cho dây chuyền thiêu kết – quá trình này phát sinh lượng lớn bụi lò.
Bụi phát sinh từ dây chuyền thiêu kết từ tháng 9/2011 trung bình 4.800.000 kg/năm. Theo báo cáo định kỳ của nhà máy, từ năm 2013 đến nay đã phát sinh và tái sử dụng tổng số 39/959 tấn bụi lò.Còn từ tháng 2/2021, nhà máy dừng tái sử dụng bụi lò, đăng ký điều chỉnh và được cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Theo đó, khoảng 225 tấn bụi lò của nhà máy được lưu chứa tạm thời và chờ đơn vị có chức năng để chuyển giao xử lý.
Vì vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty TISCO với mức phạt 565 triệu đồng, buộc công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đơn vị.
Sở TN&MT Thái Nguyên cũng yêu cầu Công ty này phải đánh giá thực trạng, khoanh vùng, xây dựng phương án khắc phục ô nhiễm tại khu vực bãi chứa số 1, 2 và báo cáo kết quả về Sở TN&MT.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng công trình lưu giữ bụi lò theo quy định và yêu cầu kĩ thuật. Chuyển giao bụi lò còn tồn đọng để xử lý và báo cáo cơ quan chức năng đúng quy định.
GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh, bụi lò sau luyện thép được xác định là chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong thời điểm chủ nguồn thải chưa xử lý được thì phải bảo quản bụi lò như một loại chất thải nguy hại. Do đó, bãi chứa phải đảm bảo quy định về độ thẩm thấu, các lớp lót, bao phủ bao nhiêu để không gây ô nhiễm qua nước mặt, nước ngầm.
"Việc tập kết bụi lò lộ thiên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, vì ra môi trường bụi lò sẽ gây ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nước ngầm và ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người", ông Tuyên khẳng định.
Lan Anh