Thái Nguyên: Phát triển đô thị thông minh cần sự đồng bộ để giải quyết các bài toán lớn
Tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn của đô thị như giao thông, năng lượng môi trường,... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý đô thị hiệu quả, tinh gọn.
Lấy người dân làm trung tâm
Đó là một trong số những nội dung triển khai được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo về việc triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
Trong công văn chỉ đạo 3219/UBND-KGVX nêu rõ: Về nhận thức người đứng đầu chính quyền địa phương, đô thị cần nhận thức đúng và đầy đủ về phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) dựa trên các quan điểm và nguyên tắc đã nêu tại Đề án 950. Phát triển ĐTTM là một quá trình liên tục và lâu dài, toàn diện và cần tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn.
Thống nhất nhận thức xuyên suốt việc phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, coi ĐTTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng công nghệ thông tin, các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề. Coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hoá các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.
Phát triển ĐTTM tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa.
Việc xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, tăng cường tham gia vào quá trình phát triển ĐTTM tại các địa phương.
Giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn như giao thông, năng lượng môi trường...
Các đơn vị chức năng liên quan cần tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn của đô thị như giao thông, năng lượng. môi trường,... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý đô thị hiệu quả, tinh gọn.
Bám sát 07 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án 950 và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên phiên bản 2.0 và phiên bản cập nhật năm 2022; Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tỉnh Thái Nguyên tại Quyết định số 4394/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Phát triển ĐTTM phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ chuyên ngành về việc thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông phục vụ phát triển đô thị thông minh và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, quyền riêng tư theo quy định của pháp luật.
Thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của ĐTTM để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng ĐTTM.
Đề nghị các địa phương đặc biệt lưu ý các vấn đề sau trong triển khai Trung tâm IOC: Trong trường hợp triển khai Trung tâm IOC, phải xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu cụ thể. Chưa thực hiện đầu tư khi chưa bảo đảm sẵn sàng các yếu tố cần thiết cho việc duy trì, vận hành và chưa xác định rõ các tiêu chí, chỉ tiêu đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai Trung tâm IOC.
Các địa phương cần cân nhắc việc triển khai phòng giám sát, điều hành với hệ thống màn hình hiển thị (Dashboard) nếu chỉ hiển thị các thông tin, dữ liệu mang tính thống kê, tổng hợp.
Tập trung hình thành hạ tầng dữ liệu, xây dựng và thực thi chiến lược phát triển dữ liệu (dữ liệu là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC). Ưu tiên các chức năng thông minh, có tính đổi mới, sáng tạo như phân tích dữ liệu lớn dễ hỗ trợ ra quyết định trong triển khai Trung tâm IOC.
Yêu cầu thực hiện đánh giá hiệu quả triển khai để tránh tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro lãng phí trong triển khai.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương nâng cao vai trò trong phát triển ĐTTM tại địa phương, bám sát chỉ đạo của Bộ Xây dựng, hướng dẫn 03 UBND thành phố triển khai đồng bộ các nội dung quy hoạch và quản lý ĐTTM theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời điều chỉnh phủ hợp với tình hình thực tế của địa phương, báo cáo UBND tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu Công văn số 2333/BTTTT-CĐSQG ngày 20/6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương; chủ động rà soát các Kế hoạch đã ban hành để để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai, bảo đảm bám sát 07 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án 950 và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp vào cuộc để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển ĐTTM tại địa phương. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai ĐTTM tại địa phương đảm bảo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Ngày 11/10/2022 trở thành dấu mốc quan trọng của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên khi địa phương này chính thức khai trương Dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị trên địa bàn với tổng mức đầu tư 44,9 tỷ đồng. Từ đó đến nay, việc triển khai công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đã và đang được thực hiện tại hai thành phố: Phổ Yên - Sông Công.
Nguyên Mạnh