Thứ hai, 06/05/2024 16:20 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/04/2023 13:10 (GMT+7)

Thái Nguyên: Chú trọng kiểm soát chất thải các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng, trang trại

Theo dõi KTMT trên

Tăng cường quản lý các nguồn thải trên địa bàn tỉnh; xử lý dứt điểm tình trạng khu, cụm công nghiệp chưa đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; chú trọng kiểm soát chất thải của các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng, trang trại chăn nuôi,...

Nhiều nội dung được nhấn mạnh trong Công văn số 1374/UBND-CNNXD về việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, UBND các huyện thành phố căn cứ nội dung nhiệm vụ phân công tại Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thái Nguyên: Chú trọng kiểm soát chất thải các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng, trang trại - Ảnh 1
Thái Nguyên: Chú trọng kiểm soát chất thải các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng, trang trại - Ảnh 2
Tổ công tác của xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên xác định tại khu vực trại trang trại của ông Nguyền Thái Long và ông Ngô Thượng Hào có xả thải ra môi trường (suối cạn), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. 

Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện các nội dung sau: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính về môi trường, đảm bảo đúng quy định, theo hướng đơn giản hóa, thu hút đầu tư.

Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu quả, có chiều sâu để việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người dân trở thành ý thức tích cực, thường xuyên, liên tục, đi vào cuộc sống thực tiễn.

Tăng cường quản lý các nguồn thải trên địa bàn tỉnh; tập trung xử lý dứt điểm tình trạng khu, cụm công nghiệp chưa đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (đặc biệt là các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung); chú trọng kiểm soát chất thải của các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng, trang trại chăn nuôi,...Kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Quan tâm đầu tư nâng cấp hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp rác không đảm bảo vệ sinh môi trường, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến, theo hướng tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn; xây dựng quy định và tổ chức quản lý chặt chẽ bùn bể tự hoại.

Xây dựng và ban hành quy định của tỉnh về kiểm soát tiêu thụ điện năng và giám sát bằng hình ảnh hoạt động của các hệ thống xử lý khí thải của các đơn vị có nguồn khí thải lớn theo quy định.

Khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh để tổ chức thực hiện; phát huy tối đa hiệu quả Hệ thống giám sát diễn biến chất lượng môi trường tự động đã được đầu tư để kịp thời phát hiện và chỉ đạo khắc phục các dấu hiệu ô nhiễm.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi đổ thải trái phép, xâm hại môi trường.

Khẩn trương nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ chưa, chậm triển khai (nếu có); đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm đang triển khai; chủ động các nguồn kinh phí tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị; khắc phục ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các khu xử lý chất thải sinh hoạt ở cấp huyện.

Hàng năm, trước ngày 30/11, các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án trước ngày 31/12.

Trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay trên địa bàn xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên có rất nhiều các trang trại chăn nuôi đang hoạt động nhưng việc xả thải không đúng theo quy định, mùi hôi thối đã gây bức xúc cho người dân. Cụ thể: Các trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên (Thái Nguyên) liên tục xả thải ra Suối cạn cạnh trại khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ năm 2017 tại xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận trang trại nuôi lợn tập trung của hộ ông Nguyễn Thái Long và Ngô Thượng Hào có nuôi lợn với số lượng lớn. Trong khi đó hệ thống xử lý nước thải, phân heo chưa đảm bảo yêu cầu, thậm chí xả thải trực tiếp ra Suối cạn cạnh trại nên mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chăn nuôi là rất nặng nề, đặc biệt về ban đêm.

Trước phản ánh của người dân, UBND xã Phúc Thuận đã lập đoàn kiểm tra và có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; UBND TP Phổ Yên; Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức kiểm tra, lấy mẫu để xác định việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường trang trại của ông Nguyễn Thái Long và ông Ngô Thượng Hào, xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Chú trọng kiểm soát chất thải các nhà máy luyện kim, nhiệt điện, xi măng, trang trại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.