Thứ sáu, 22/11/2024 12:07 (GMT+7)
Chủ nhật, 15/09/2024 17:46 (GMT+7)

Thái Bình: Nỗ lực khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất sau bão số 3

Theo dõi KTMT trên

Sau những thiệt hại của cơn bão số 3, các địa phương trong tỉnh Thái Bình đang khẩn trương khắc phục để sớm ổn định và khôi phục sản xuất.

Kiến Xương tiếp tục phòng chống ngập lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất

Bão Yagi kết hợp với mưa lớn, nước lũ dâng nhanh khiến nhiều diện tích lúa, cây màu và diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Kiến Xương bị ảnh hưởng, thiệt hại. Người dân trong huyện vẫn đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo thống kê của huyện Kiến Xương, do ảnh hưởng của mưa bão, tính đến chiều ngày 11/9, toàn huyện có khoảng 6.500ha lúa mùa bị ngập đòng, thiệt hại khoảng 1.000ha lúa bị thiệt hại và 360ha cây rau màu, gần 2.500 gia cầm bị chết, khoảng 130ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Một số đoạn bờ bao đê, đê bối bị sạt, lún, tràn bờ, kênh mương bị đổ.

Thái Bình: Nỗ lực khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 1
Công nhân nâng phai cống phục vụ tiêu thoát nước tại trạm bơm An Quốc, xã Quốc Tuấn. Ảnh: Báo Thái Bình

Theo đại diện UBND xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, những ngày qua hầu như tất cả các hộ có trang trại, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã đều chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, di chuyển lợn, gà vào trong đê chính và bảo vệ ao nuôi thủy sản. Đặc biệt đối với 28 hộ ngoài vùng đê bao, ngay sau khi có thông tin nước lũ các sông dâng cao, các chủ hộ chăn nuôi lớn đã cơi bờ, quây lưới cao thêm từ 1,5 - 2m để đề phòng tránh lũ. Ngoài ra, xã thường xuyên liên tục kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, nhất là những chỗ xung yếu để có giải pháp ứng cứu kịp thời.

Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số nhà màng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Kiến Xương đã bị thiệt hại. Mặc dù trước bão, HTX Thủy canh nông xanh Garden xã Hòa Bình đã tiến hành gia cố, chằng buộc bằng dây cáp và tháo bạt mái để giảm thiểu thiệt hại nhưng do sức gió giật mạnh đã khiến toàn bộ hệ thống nhà màng gãy đổ.

Mưa lũ lên cao, mực nước trong đồng của các xã, thị trấn cũng ngày càng lớn, có nhiều diện tích lúa và cây màu ngập sâu trong nước. Vì vậy mà những ngày qua, tất cả các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện này đã hoạt động hết công suất để tập trung tiêu nước một cách nhanh nhất, bảo vệ lúa và cây màu. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kiến Xương luôn bố trí 100% công nhân trực vận hành để thực hiện các nhiệm vụ; đồng thời vận hành bơm tiêu liên tục 8/8 tổ máy có tổng công suất 32.000m3/giờ tiêu thoát nước tối đa, bảo đảm an toàn cho 600ha sản xuất nông nghiệp của xã Quốc Tuấn và An Bình.

Huyện Kiến Xương đã tập trung cho việc di chuyển người và tài sản về nơi an toàn. Chuẩn bị tốt vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng huy động cho các điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; ngoài ra tiếp tục bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, các trọng điểm xung yếu, chủ động xây dựng phương án chi tiết, đặc biệt là công tác di dân, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đến nay tất cả người dân sống ở ngoài đê bối, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè đều được di tản tới nơi an toàn. Huyện cũng chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân, nhanh chóng ổn định, khôi phục sản xuất sau lũ.

Thái Thụy nỗ lực khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống

Sau bão số 3, huyện Thái Thụy (Thái Bình) có 7.000ha lúa mùa bị ảnh hưởng, thiệt hại từ 20% năng suất trở lên; 350ha cây màu chưa đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng, dập nát; 1.500ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Khi bão số 3 đi qua, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Hà Thái trên địa bàn huyện khẩn trương ổn định sản xuất, kinh doanh. Bà Đỗ Thị Quỳnh, đại diện Công ty TNHH Lotes Việt Nam trong khu công nghiệp này chia sẻ: Bão đã làm đổ cửa chính, tốc mái nhà dịch vụ, hỏng 2 cửa cuốn, hỏng bo mạch thang máy của Công ty, ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Công ty đã bố trí nhân lực, vật lực sửa chữa hệ thống nhà xưởng, thiết bị hư hại.

Đến sáng ngày 9/9, công ty trở lại sản xuất bình thường, 100% công nhân đi làm đủ ở 11 dây chuyền sản xuất. Ban Quản lý khu công nghiệp Liên Hà Thái cũng hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm nguồn điện, nước, internet bảo đảm sản xuất ổn định. Sau bão, điện, nước, viễn thông trên địa bàn huyện cũng từng bước được khôi phục. Đến 18 giờ ngày 11/9, Điện lực Thái Thụy đã cấp điện trở lại cho các xã, thị trấn; 100% doanh nghiệp ở khu công nghiệp Liên Hà Thái và các cụm công nghiệp.

Thái Bình: Nỗ lực khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 2
Nhân viên Công ty Điện lực huyện Thái Thụy khắc phục sự cố điện tại xã Thái Hưng, huyện Thái Thụy. Ảnh: TTXVN

Địa bàn xã Thụy Hải không có thiệt hại về người nhưng nhà để xe của Trường Mầm non, Trường Tiểu học và THCS bị tốc mái tôn, hơn 30 cây xanh bị gãy đổ, hơn 100 mái tôn của nhà dân bị tốc, hơn 100ha nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt... Để khắc phục, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã huy động tối đa lực lượng tham gia vệ sinh môi trường, toàn bộ cây đổ tại các tuyến đường đã được dọn dẹp; học sinh các trường đã đi học trở lại; 50% diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập đã được người dân khắc phục. 

Không chỉ xã Thụy Hải, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thái Thụy cũng nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão số 3; chú trọng công tác tiêu úng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đề nghị UBND các xã, thị trấn, các HTX tập trung chỉ đạo, huy động tối đa mọi phương tiện, máy bơm để bơm tiêu kết hợp với tiêu nước nhanh theo hệ thống chung. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi cử cán bộ thường trực 24/24 để phòng, chống lũ, theo dõi diễn biến mực nước, tập trung tiêu thoát nước nội đồng với phương châm chủ động, linh hoạt trong vận hành cống dưới đê khi mực nước trong đồng cao hơn ngoài sông song phải bảo đảm an toàn cho công trình.

Đông Hưng tập trung khơi thông dòng chảy, bơm tiêu úng

Do ảnh hưởng của bão, huyện Đông Hưng có 6.500/11.000ha lúa mùa bị nghiêng, đổ; thiệt hại 100ha rau màu, trên 80ha nuôi thủy sản, trên 5.600 con gia cầm.

Địa bàn xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng có 20ha bí xanh bắt đầu được thu hoạch, 20ha chuối đang ra quả. Mưa bão đã làm 50% diện tích giàn bí bị sập, cây bí bị dập và chết; 90% diện tích chuối bị gãy đổ. Để hỗ trợ bà con nông dân khắc phục thiệt hại, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng, xã Hồng Bạch đã tổ chức khơi thông dòng chảy, bơm tiêu nước chống úng cho rau màu, vận động, hướng dẫn bà con củng cố giàn bí, tập trung chăm bón diện tích cây màu còn có thể cứu để sớm phục hồi. HTX cũng đã tổ chức cho bà con đăng ký giống cây trồng mới để chủ động trồng vụ tiếp theo, đồng thời kiến nghị với cấp trên hỗ trợ giống cho bà con sản xuất.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, UBND huyện Đông Hưng chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tập trung khắc phục thiệt hại; triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ trên sông nhằm hỗ trợ bà con giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Tổ chức vận hành trạm bơm Hậu Thượng, trạm bơm Cống Lấp tiêu úng cho lúa và rau màu, vùng nuôi thủy sản. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước nhanh nhất, ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa, rau màu, ao nuôi thủy sản bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.

Các địa phương trên địa bàn huyện tuyên truyền, động viên bà con dựng buộc những diện tích lúa bị đổ; bỏ diện tích cây màu bị hỏng; chăm sóc, chống úng, phòng, trừ sâu bệnh cho diện tích cây, con còn lại theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng cho cây nhanh phục hồi. Ngành nông nghiệp có phương án để kịp thời hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản khi cần; chuẩn bị giống cây, con phục vụ bà con nông dân nuôi, trồng vụ mới. Các địa phương tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư nông nghiệp, bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ bà con nông dân sản xuất.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Nỗ lực khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất sau bão số 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới