Thách thức trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, mỗi ngày tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là 67.877,34 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc triển khai quản lý và xử lý vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn tại các địa phương.
Ngày 16/8 tại Hải Phòng, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hội thảo do Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức dự và chủ trì. Cùng với sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường của 16 tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung, đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức thông tin, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đất nước bền vững, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên công tác thu gom, phân loại rác tại nguồn vẫn còn nhiều thách thức, chưa được triển khai đồng bộ. Sự phát triển kinh tế - xã hội, áp lực dân số gia tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng tạo ra áp lực, thách thức không nhỏ trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cũng theo Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho hay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá, thay đổi cách thức quản lý với chất thải nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng. Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại: chất thải có khả năng sử dụng và tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Do vậy, Luật đã quy định UBND cấp tỉnh cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý và phát thải ra môi trường trước ngày 1/1/2025.
Theo Đại diện Cục kiểm Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong năm 2019 là 64.658 tấn/ngày, đến nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 67.877,34 tấn/ngày. Công tác thu gom vận chuyển năm 2023 toàn quốc là 88,34%, trong đó tại đô thị là 96,60%, nông thôn là 77,69%. Về cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có 1.548 cơ sở, trong đó cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ là 30 cơ sở, cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là 1.178 cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
HIện nay việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều thách thức. Ngay tại Hải Phòng, dù đã tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhưng thực tế việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Thuấn, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho biết, theo thống kê hiện thành phố mỗi ngày phát sinh gần 2000 tấn rác trong đó đô thị khoảng 830 tấn chôn lấp hợp vệ sinh, 120 tấn tái chế, nông thôn có 740 tấn xử lý hợp vệ sinh.
Để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã thiết kế, in sổ tay và tờ rơi hướng dẫn phân loại tới tay người dân, song việc triển khai còn lúng túng. Ông Thuận chia sẻ hiện còn nhiều bất cập giữa chính sách và thực tế phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn hạn chế. Phương tiện thu gom vận chuyển, hạ tầng phục vụ việc phân loại, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại chưa đồng bộ, nhất là khu vực nông thôn. Mong muốn giải quyết những vấn đề trên, ông Thuấn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho các địa phương định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, từ năm 2018 - 2023, Hội đã tổ chức trên 20.000 mô hình bảo vệ tài nguyên, môi trường; thành lập hàng trăm tổ tự quản, câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện chất thải, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở nông thôn phát sinh nhiều vấn đề nổi cộm nhức nhối; hầu hết rác thải chưa được thu gom, xử lý. Đồng thời bà Thủy cho rằng thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đưa luật đi vào cuộc sống, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tuyên truyền, tập huấn quy trình thu gom, phân loại xử lý rác thải.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ cần có một đề án, chương trình và dành kinh phí cho việc thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong khu dân cư. Ngoài ra, để triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư trên cả nước, các đại biểu đề xuất cần có sự vào cuộc của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, trong đó hội nông dân và hội phụ nữ đóng vai trò nòng cốt để tuyên truyền những chính sách, đường lối về xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Văn Linh