Thứ sáu, 29/03/2024 04:20 (GMT+7)
Thứ tư, 10/05/2023 08:00 (GMT+7)

PVEP năm 2023 [kỳ 1]: Bối cảnh quốc tế và tổng quan hoạt động trong quý 1

Theo dõi KTMT trên

Tính tới thời điểm hiện nay, PVEP đang triển khai 34 dự án dầu khí (29 dự án trong nước và 5 dự án nước ngoài). Trong đó, có 6 dự án dầu khí PVEP điều hành dự án, tham gia điều hành chung 8 dự án, tham gia góp vốn 20 dự án.

KỲ 1: BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA PVEP TRONG QUÝ 1/2023

Năm 2022, thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua một năm nhiều biến động về giá cả, nguồn cung bởi tác động của dịch Covid 19 và cuộc chiến tranh Nga - Ukraina kéo dài cho đến nay làm cho nhiều vấn đề về kinh tế - chính trị thay đổi trên toàn thế giới. Mỹ, EU và nhiều nước trên thế giới liên tục các đợt cấm vận kinh tế, chính trị Nga - một trong những đất nước sản xuất và cung ứng dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Bước vào quý 1/2023, thế giới lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng từ Mỹ lan sang châu Âu với 3 ngân hàng lớn của Mỹ bị phá sản (Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank). Ở châu Âu, Ngân hàng Credit Suisse cũng suýt phá sản buộc Chính phủ Thụy Sĩ phải can thiệp và để Ngân hàng UBS mua lại Ngân hàng Credit Suisse. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức cũng rơi vào tình trạng lao đao vì cổ phiếu bị nhà đầu tư bán tháo và giờ đây là First Republic của Mỹ có thể là ngân hàng tiếp theo bị phá sản, hoặc Chính phủ tiếp quản.

Cùng với đó là việc thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh, châu Âu, tăng lãi suất để giảm thiểu lạm phát khiến cho các hoạt động kinh tế bị dồn nén, ức chế, đồng USD lên giá khiến các nhà đầu tư luôn phải dành những khoản đầu tư lớn cho hàng hóa an toàn như vàng, trái phiếu Chính phủ Mỹ, còn dầu khí đã trở thành loại hàng hóa rủi ro và đắt đỏ.

Giá dầu khí thế giới “trồi sụt” thiếu ổn định trong khi các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước đồng minh ngoài khối (gồm Nga - OPEC+) quyết định tiếp tục hạn chế sản lượng.

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là một trong những nhà đầu tư và điều hành dầu khí trong khu vực châu Á nên không ngoại lệ, phải chịu những tác động của thị trường dầu khí thế giới. Nếu tính về trữ lượng và sản lượng, quy mô sản xuất không lớn như nhiều nhà điều hành trong khu vực, nhưng trong nhiều năm qua PVEP đã luôn giữ vai trò quan trọng về bảo đảm an ninh năng lượng và tạo ra nguồn thu lớn về ngoại tệ cho đất nước.

Trong chu kỳ ngắn hạn và trung hạn, trước những biến động trên thị trường thế giới về kinh tế - chính trị, đã xuất hiện những cơ hội lớn để PVEP thúc đẩy thành những chuỗi dự án thành công, đồng thời cũng nhận diện những thách thức mà PVEP cần triệt tiêu những rủi ro về quản trị đầu tư và quản trị biến động nhằm tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022 giá dầu thế giới tăng cao nhất so với nhiều năm qua (giá dầu kỳ hạn Brent bình quân các tháng được giao bán trên 90 USD/thùng). Do vậy, PVEP đã hoàn thành vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao. Một số chỉ tiêu nổi bật đó là:

1/ Sản lượng khai thác đạt 3,66 triệu tấn, vượt 15% so với kế hoạch được giao.

2/ Doanh thu trên 44 nghìn tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch được giao.

3/ Lợi nhuận trước thuế trên 26 nghìn tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch được giao.

4/ Lợi nhuận sau thuế trên 14 nghìn tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch được giao.

5/ Nộp thuế cho nhà nước trên 14 nghìn tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch được giao.

6/ Năng suất lao động ước vượt 18% so với kế hoạch được giao.

Kết thúc quý 1/2023, phát huy những điều kiện thuận lợi đã đạt được trong năm 2022 và giá dầu thế giới bình quân trong quý 1 vẫn ở mức cao, PVEP đã đạt được những kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:

1/ Doanh thu ước trên 9,8 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 32% so với kế hoạch năm.

2/ Lợi nhuận trước thuế ước trên 5,4 nghìn tỷ đồng.

3/ Lợi nhuận sau thuế ước trên 3 nghìn tỷ đồng.

4/ Nộp thuế cho nhà nước ước trên 2,7 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 38% so với kế hoạch năm.

Vận hội từ tình hình thị trường trong nước và quốc tế:

Năm 2023, tiếp tục xuất hiện những cơ hội mà PVEP có thể nắm bắt từ thị trường thế giới mang lại, đó là:

Thứ nhất: Có nhiều yếu tố khách quan trên thế giới khiến giá dầu bình quân kỳ hạn Brent vẫn ở mức cao (trên 80 USD/thùng) dẫn tới doanh thu của PVEP có khả năng đạt và vượt kế hoạch năm.

Theo các dự báo, cuộc chiến Nga - Ukraina vẫn chưa thể kết thúc trong năm 2023 và các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU nhắm vào Nga sẽ kéo dài, nên dầu giá rẻ của Nga chưa thể cung cấp ra thị trường thế giới để có thể tác động mạnh tới nguồn cung và giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, OPEC+ thống nhất giảm sản lượng khai thác dầu đến cuối năm 2023 làm cho nguồn cung bị giảm.

Trong quý 1/2023, giá dầu thế giới bình quân Brent trên 80 USD/thùng và dầu WTI bình quân cũng trên 75 USD/thùng. Tháng 3, giá dầu bình quân WTI giảm nhẹ xuống 73.37 USD/thùng và dầu Brent là 79.31 USD/thùng bởi tác động của cuộc khủng hoảng của 3 ngân hàng Mỹ bị phá sản, cũng như một ngân hàng của châu Âu phải được ngân hàng khác mua lại và có được hỗ trợ mạnh mẽ của các chính phủ để tránh một cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn và lan rộng.

Sang tháng 4, giá dầu bình quân lại được hồi phục tăng nhẹ bởi những tin tốt lành từ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Bảng 1: Giá dầu bình quân từ tháng 1 đến tháng 4/2023 (đơn vị: USD/thùng):

LOẠI DẦU

Tháng 1

Tháng 2

Tháng 3

Tháng 4

WTI

78.16

76.86

73.37

76.41

BRENT

83.91

83.54

79.31

81.37

Nguồn : https://www.opec.org/opec_web/en/publications/338.htm và ước tính của tác giả.

Từ đầu quý 2/2023, những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới là Mỹ và EU đã xuất hiện những tín hiệu khả quan như: Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ và sản xuất đều tăng lên, kết thúc quý 1, GDP của Mỹ tăng 1,1%, tỷ lệ thất nghiệp giảm, cho thấy khả năng kinh tế các quốc gia này sẽ dần phục hồi trong quý 3 và 4. Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao và để chống lạm phát, các ngân hàng trung ương, trong đó có Fed, ECB, cũng như Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để giảm lạm phát.

Hiện các nhà đầu tư đang cho rằng: Khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tháng 5/2023, sau đó là ECB và Ngân hàng Trung ương Anh cũng sẽ có biện pháp tương tự. Nếu tăng lãi suất sẽ làm đồng USD mạnh lên kéo theo giá bán các sản phẩm dầu khí cũng cao hơn. Có thể dự báo, giá dầu thế giới sẽ biến động nhẹ, nhưng không nhiều bởi nhu cầu đang tăng để phục vụ lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.

Đến nay, do đã làm quen với biên độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, nên các định chế tài chính và nhà đầu tư đều có những phản ứng tích cực khiến cho giá dầu khí trên thị trường được bình ổn.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch Covid 19, nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình tái phục hồi trở lại. Là thị trường có nhu cầu tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới, do đó, việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 đã mang lại những tín hiệu lạc quan.

Hiển nhiên, Trung Quốc cũng đang gặp phải một số khó khăn nhất định, nên hết quý 1/2023 một số chỉ số kinh tế không thể hiện mức tăng trưởng như mong đợi. Các thị trường bất động sản, thị trường tài chính, công nghệ, thương mại quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, hoặc tăng trưởng chậm, không đồng đều, trong khi các quốc gia đang bị lạm phát hoành hành, nhưng Trung Quốc lại giảm phát v.v...

Tuy nhiên, trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 4/2023 của IMF vẫn đánh giá nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục và phát triển ổn định từ quý 3 tới đây, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới trong năm 2023.

Thứ hai: Với các khoản thu được từ giá dầu thô cao, PVEP có thể thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; tái cơ cấu lại danh mục đầu tư các dự án. Qua đó, nhằm phân cấp mức độ ưu tiên và tối ưu hóa chi phí đầu tư, cũng như cân đối lại danh mục đầu tư các dự án trong nước và ngoài nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao.

Tính tới thời điểm hiện nay, PVEP đang triển khai 34 dự án dầu khí (29 dự án trong nước và 5 dự án nước ngoài). Trong đó, có 6 dự án dầu khí PVEP điều hành dự án, tham gia điều hành chung 8 dự án, tham gia góp vốn 20 dự án.

Ở nước ngoài, thông qua những chỉ đạo sát sao của Quốc hội và Chính phủ, cũng như PVN, PVEP sẽ có giải pháp tối ưu cho các dự án đầu tư thua lỗ trong quá khứ, đặc biệt là Junin 2 ở Venezuela và Lô dầu khí 39/67 ở Peru, Nam Mỹ.

Ở trong nước, trên cơ sở các quyết định số 683/QĐ-DKVN ngày 15/2/2022, quyết định số 4701/QĐ-DKVN ngày 19/8/2022 và quyết định số 4452/QĐ-DKVN ngày 5/8/2021 làm những cơ sở pháp lý quan trọng, PVEP cũng sẽ giải pháp tối ưu khi có đủ cơ sở pháp lý và thẩm quyền để quyết định việc tham gia, điều chỉnh, tạm dừng hoặc kết thúc đầu tư đối với dự án thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.

Đón đọc kỳ tới...

CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM VÀ NGUYỄN ANH TUẤN - BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết PVEP năm 2023 [kỳ 1]: Bối cảnh quốc tế và tổng quan hoạt động trong quý 1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.