Tây Nguyên quay cuồng trong khô hạn
Mùa khô đến sớm, nắng nóng kéo dài, cộng với mưa ít, lượng nước thiếu hụt khiến cho hàng nghìn hecta cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên bị “khát”.
Hạn hán kéo dài, khiến nhiều sông, hồ cạn đáy, hàng trăm hecta cây trồng tại các tỉnh Tây Nguyên đang trong tình trạng khô héo vì thiếu nước.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, tại Đắk Lắk, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên mực nước tại nhiều các hồ chứa đã giảm mạnh, trong đó có 40 hồ chứa hiện dung tích nước đã xuống dưới 50% và đặc biệt có 20 hồ đã cạn nước.
Nhiều hồ thủy lợi trơ đáy vì thiếu nước. (Ảnh: PLO) |
Theo ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trước tình hình một số hồ không còn khả năng cung cấp nước, Công ty đang triển khai các biện pháp chống hạn cho 1.672 hecta lúa, 15 hecta cà phê. Đắp bao tải đất để nâng cao mực nước, điều tiết nước từ các công trình lân cận, hỗ trợ dầu cho người dân để bơm nước từ các ao, hồ xung quanh khu tưới. Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên quan trắc và theo dõi tình hình nguồn nước, cắt cử người túc trực tại các công trình, điều tiết nước hợp lý không để thất thoát gây lãng phí nguồn nước.
Theo Sở NN&PTNN tỉnh Đắk Lắk, hiện tại chưa thống kê được đầy đủ mức thiệt hại vì diễn biến của thời tiết vẫn khó lường. Việc trước mắt cần làm nhanh là điều tiết hệ thống nước tưới để tránh bớt thiệt hại cho người dân, nhất là ở các huyện trọng điểm về trồng trọt, các vùng sản xuất. Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá trữ lượng nước ngầm để có hướng dẫn cho người dân cách tưới tiết kiệm.
Tại tỉnh Đắc Nông, hơn 230 hồ chứa nước trong toàn tỉnh thì nhiều hồ nước đã tụt xuống đến mức báo động. Có hơn 15.000 hecta cây trồng các loại bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều huyện trọng điểm về trồng trọt như: Huyện Cư Jut có khoảng 5.100 hecta bị ảnh hưởng; Huyện Krông Nô trên 2.500 hecta bị ảnh hưởng; Huyện Đắk Mil cũng có hơn 1.000 hecta đang thiếu nước nghiêm trọng.
Còn tại Gia Lai, theo Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 333,04 hecta lúa nước vụ Đông Xuân 2019-2020 đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng bị thiệt hại do nắng hạn.
Trong đó, diện tích thiệt hại từ 70% đến mất trắng trên 306 hecta, thiệt hại từ 30% đến 70% trên 26 hecta.
Chia sẻ với báo Đại đoàn kết, ông Cao Văn Tùng ở xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) từng là nông dân sản xuất giỏi giờ cũng phải thảng thốt, lo âu: Chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay. Tiền nợ ngân hàng giờ không biết xoay chuyển nguồn nào để trả. Tết Nguyên đán xong đã hanh khô đến rộc cả người. Gần chục hecta mía nguyên liệu như các năm trước đạt 40-50 tấn, năm nay chỉ được hơn 10 tấn, không đủ tiền nhân công và phân bón.
Hàng trăm hộ trồng mía khác cũng lâm cảnh như vậy. Ước tính có 1.200 hộ dân ở An Khê bị ảnh hưởng nặng nề bởi khô hạn.
Tại tỉnh Lâm Đồng, tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, tập trung huyện Đạ Tẻh hơn 1.150 hecta; huyện Đạ Huoai 6.780 hecta. Mực nước ở 10 hồ lớn của tỉnh không tích đủ nước so với thiết kế. Trong đó, các hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), Ma Đanh, BôkaBang (huyện Đơn Dương) giảm gần 7 m. Theo dự báo 25 nghìn hecta cây trồng thiếu nước tưới trong mùa khô, hơn 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...
Dưới cái nắng 36 độ C, anh K'Điệp, 36 tuổi, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh loay hoay tìm nguồn nước tưới cho hơn 3 hecta cà phê của gia đình đang héo rũ, rụng lá. Thậm chí nhiều cây đã cháy khô. Trong khi hai cái giếng khoan đã khô cạn.
Để cứu cây trồng, anh cùng một hộ dân khác đang góp hơn 50 triệu đồng thuê máy múc đào hai ao tìm nước tưới. Tuy nhiên, do mực nước trong ao quá cạn, vườn cà phê của gia đình lại ở trên đồi cao nên phải nối tới 20 cuộn ống dài hơn 1.000 m mới tới.
Còn theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, đến nay đã có trên 130 hecta đất sản xuất nông nghiệp bị khô hạn nặng, không thể canh tác, tập trung chủ yếu ở: Đắk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đắk Hà…
Nếu trong vài tháng tới, nắng nóng vẫn tiếp tục thì sẽ có trên 1.000 hecta hoa màu bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, hàng trăm giếng đào phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân cạn nước, làm đảo lộn đời sống.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên năm nay còn kéo dài đến tháng 5, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 25-75% so với cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 90%. Dự báo Tây Nguyên hạn nặng vào giữa tháng 3.
Trước tình trạng hạn hán cục bộ đang xảy ra tại một số vùng ngoài công trình thủy lợi vùng Thượng nguồn sông Ba, Tổng cục Thủy lợi dự báo trong thời gian tới, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và nước tưới sẽ diễn ra khốc liệt ở các huyện Kbang; Phú Thiện, Krông Pa, thị xã AyunPa (tỉnh Gia Lai), EaHleo, Ea Kar, M’Đrak, Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk). Diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự báo khoảng 2.000 - 2.500 hecta.
Tổng cục Thủy lợi cho biết, dung tích trữ trong các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai hiện thấp hơn 5% so với trung bình nhiều năm và 3,7% so với năm hạn nặng 2015.