Tây Nguyên cần sớm có chính sách đặc thù để phát triển lâu dài
Vừa qua, tại TP. Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất. Hội nghị đã đưa ra những định hướng, giải pháp trước mắt và lâu dài để phát triển Tây Nguyên.
Những tiềm năng và khó khăn của Tây Nguyên
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất, vùng Tây Nguyên được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, ngoài việc có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng Tây Nguyên còn có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Những năm qua, kinh tế khu vực Tây Nguyên đã có những nước chuyển mình ngoạn mục, điều này được minh chứng qua việc thu nhập bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm giai đoạn 2002 – 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Trần Văn Hiệp cho biết: “Qua gần 1 năm triển khai Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, đến nay tỉnh đạt được một số chỉ tiêu đề ra như: tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%, hộ nghèo giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% hàng năm; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt gần 83%. Kinh tế có sự phát triển vượt bậc, quy mô GRDP cuối năm 2022 của tỉnh đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 7 triệu đồng. Các lĩnh vực an sinh xã hội được chăm lo toàn diện, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, đại diện một số bộ, ngành liên quan và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên cũng đã trình bày ngắn gọn các tham luận, tập trung vào những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Đặc biệt là vấn đề về mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu như: giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số…
Trước vấn đề này, hầu hết các địa phương đều đề xuất có cơ chế sớm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, hàng không) tạo sự liên kết vùng chặt chẽ giữa các tỉnh. Qua đó, hình thành mạng lưới giao thông, hạ tầng logictic hoàn chỉnh, giúp các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế, nhất là du lịch xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Chủ tịch tỉnh Đắk Nông - Hồ Văn Mười lấy ví dụ, chỉ cần một cây cầu, từ TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) sang TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) chỉ 65km, khi đó hai địa phương bên cạnh phát triển du lịch sẽ có nhiều cơ hội lưu thông nông sản…. Đó cũng là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; xây dựng chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào một số loại nông sản có thế mạnh như cao su, cà phê, sầu riêng…
Đồng thời, các tỉnh thành vùng Tây Nguyên cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, nhất là vai trò của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để Tây nguyên phát triển, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển vùng
Sớm có cơ chế đặc thù với Tây Nguyên
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương, bộ, ban, ngành trung ương trình bày những vướng mắc, khó khăn cũng như đề xuất phương án tháo gỡ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, các nội dung bàn thảo tại hội nghị không mới nhưng vì thiếu cơ chế nên nhiều cơ chế liên kết vùng chưa mang lại kết quả cao. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần có cách tiếp cận mới, cách làm mới và hội nghị là sự khởi động cho cách tiếp cận mới với lộ trình thực chất hơn, chậm mà chắc.
Trong đó, trước mắt tập trung ba nhiệm vụ chính, gồm: Hoàn thiện, kết nối hạ tầng giao thông toàn vùng và kết nối giao thông với các vùng phụ cận; Các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng cơ chế để phối hợp trong việc thực hiện thu hút đầu tư, với nguyên tắc vì lợi ích chung của khu vực; Và nhiệm vụ quan trọng chính là chiến lược phát triển nông nghiệp theo chuỗi, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy sản xuất để tận dụng lợi thế của khu vực.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên, kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2023 để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương. Trong đó có một số cơ chế, chính sách đặc thù cần ưu tiên thực hiện sớm, như: các chính sách về phát triển kinh tế rừng, giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân; công tác quản lý và bảo vệ môi trường; các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, với những khó khăn các lãnh đạo tỉnh đề cập, nhiệm vụ đầu tiên là nghiên cứu các cơ chế, chính sách, huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông như các tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột,...; mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không. Và đặc biệt, tháo gỡ vướng mắc về đầu tư tuyến QL27 kết nối các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, hiện nay được cho là xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông sẽ
Theo đó, Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phó Thủ tướng khẳng định, Trung ương đã quan tâm đầu tư khá nhiều cho Tây Nguyên, nhất là hệ thống đường cao tốc. Sắp tới sẽ có cơ chế đặc thù phát triển vùng, chắc chắn Tây Nguyên sẽ vươn lên mạnh mẽ vì nói tới vùng đất này không chỉ nói về phát triển kinh tế, mà còn là bình yên và phát triển.
Dự kiến trong năm 2023 sẽ tổ chức hội nghị để triển khai các nội dung liên quan, phấn đấu cuối năm nay có cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên.
An Hữu