Thứ sáu, 22/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ ba, 12/07/2022 18:24 (GMT+7)

Tăng cường trao đổi quốc tế, hành động mạnh mẽ vì các mục tiêu khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26 và đã có những bước tiến đáng kể. Theo Chủ tịch COP26, Chính phủ Anh sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam để cùng tiến tới mục tiêu đã cam kết tại COP26 và hướng tới COP27.

Đến năm 2050, Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm

Theo báo cáo “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” do nhóm nghiên cứu IPCC thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu tại Oxfam đã có 20 năm nghiên cứu về lĩnh vực này, lúa gạo chiếm 50% phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, chiếm 15% trong tổng phát thải của Việt Nam. Việt Nam đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu trong tương lai gần đó là sự gia tăng về nhiệt độ, biến động lớn về lượng mưa, thay đổi về mùa, tăng số lượng thiên tai cực đoan, mất đất do nước biển dâng, mất sinh kế vùng ven biển và vùng khô hạn, gia tăng chi phí phục hồi và tái thiết, khó kêu gọi đầu tư dài hạn vào vùng có nguy cơ cao.

“Việt Nam của chúng ta được xếp vào top 10 các quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu.

Chúng ta phải làm một lúc hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ vừa phải giảm phát thải khí nhà kính, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Mỗi năm, chúng ta bị thiệt hại về thiên tai rất lớn. Năm 2017, chúng ta bị thiệt hại lên đến 68.000 tỷ đồng bởi thiên tai.

Bởi thế nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vừa là khả năng phát triển kinh tế, và cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trong khi đó nguồn lực trong nước chưa đáp ứng được công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiên tiến..”.

Bên cạnh đó, sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào việc quản lý tốt nguồn vốn tự nhiên gồm trữ lượng tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Tăng cường trao đổi quốc tế, hành động mạnh mẽ vì các mục tiêu khí hậu - Ảnh 1
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. (Ảnh: TTXVN)

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, các tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng…) đã và đang làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế và suy giảm tăng trưởng của Việt Nam. Theo tính toán ban đầu cho thấy, Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.

Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể đẩy tới một triệu người vào tình trạng nghèo vào năm 2030. Khi xem xét chiến lược khí hậu của Việt Nam trong tương lai, bản Báo cáo khuyến nghị các hành động của cả khu vực Nhà nước và tư nhân xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu, đạt được cam kết về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, thích ứng với khí hậu.

Tăng cường hợp tác quốc tế vì mục tiêu khí hậu

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã họp trực tuyến với ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để thảo luận về hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời, hướng tới Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27).

Tại cuộc họp, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma đã trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc triển khai cam kết tại COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050, kế hoạch cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và nội dung Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam đã triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26 và đã có những bước tiến đáng kể. Ngay sau khi Hội nghị COP26 kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào triển khai các công việc để cụ thể hóa các cam kết. Trong đó, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để tranh thủ hợp tác về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết; hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo…

Đặc biệt, trong "Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến 2050 của Việt Nam” đã thể hiện các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức và nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu; đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng "0”; đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trước đó, Việt Nam cũng đang khởi động đàm phán với các nước Nhóm G7 để thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 cho các ngành như nông nghiệp, giao thông vận tải và sử dụng đất đồng thời tăng tỷ lệ hấp thụ carbon của rừng; thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế, phi carbon hóa vận tải biển và triển khai phương tiện giao thông không phát thải, giảm phát thải khí methane trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý chất thải.

Đối với nội dung kế hoạch cập nhật NDC của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ngay sau khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đối tác nước ngoài huy động chuyên gia, xây dựng kế hoạch cập nhật NDC năm 2022. Nội dung NDC năm 2022 của Việt Nam sẽ bám sát các nội dung năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma thúc đẩy các bên liên quan và Nhóm G7 sớm xác định các khoản cam kết hỗ trợ tài chính để Việt Nam chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi. Về việc chuẩn bị cho COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án tham gia của Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

Ghi nhận và đánh giá cao những hành động, kết quả của Việt Nam sau COP26, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết Chính phủ Anh sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam để cùng tiến tới mục tiêu đã cam kết tại COP26 và hướng tới COP27. Hai bên cũng thống nhất sẽ có những cuộc họp trực tiếp để thúc đẩy các hành động thực hiện cam kết, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường trao đổi quốc tế, hành động mạnh mẽ vì các mục tiêu khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.