Tăng cường quản lý chất thải y tế và chất thải phòng chống dịch Covid-19
Đây là chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế về việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, chất thải trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Y tế tăng cường quản lý chất thải y tế và chất thải trong phòng chống dịch Covid-19 và báo cáo việc thực hiện về Bộ trước 14/5.
Để đảm bảo công tác quản lý chất thải trong các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung sau, cụ thể:
Đối với Sở Y tế, tăng cường phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải y tế theo đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế và các văn bản khác có liên quan;
Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất thải y tế. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế, nước thải y tế trên địa bàn; Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Báo cáo về thực trạng công trình, hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý và việc giám sát hiệu quả thiết bị xử lý chất thải rắn y tế (lò đốt chất thải rắn y tế, thiết bị hấp/vi sóng xử lý chất thải y tế lây nhiễm); Kết quả quan trắc nước thải y tế theo quy định; Báo cáo tình hình quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế và các văn bản có liên quan; Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông cho nhân viên y tế, người làm công tác quản lý chất thải y tế và các đối tượng khác tại đơn vị.
Báo cáo về thực trạng công trình, hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế và việc giảm sát hiệu quả thiết bị xử lý chất thải rắn y tế (lò đốt chất thải rắn y tế, thiết bị hấp/vi sóng xử lý chất thải y tế lây nhiễm) tại đơn vị. Kết quả quan trắc nước thải y tế theo quy định; Báo cáo tình hình quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) trước ngày 14/5/2022.
Thu gom rác thải y tế vẫn còn nhiều bất cập
Tính đến nay, có khoảng 87% ca mắc Covid-19 được điều trị tại nhà, thải ra lượng lớn chất thải lây nhiễm. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế; nhiều gia đình chưa phân biệt, phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh rất ít tại trạm y tế xã, cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn, chi phí cao trong việc thu gom, vận chuyển.
Đáng chú ý, vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ ở y tế trong việc tìm đơn vị để chuyển giao chất thải đưa đi xử lý.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc xử lý rác thải từ bệnh nhân mắc Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, đó là rác thải nguy hại và được xử lý theo quy định của rác thải nguy hại.
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải pháp để giải quyết hiệu quả việc xử lý rác, nhất là rác thải có chất lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay từ đầu Bộ đã xác định đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Chất thải do người bệnh Covid-19 thải ra được quản lý theo quy định chất thải nguy hại.
Ông Trần Hồng Hà cho biết, chất thải y tế thì do Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể về xác định đối tượng, phương pháp thu gom. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý loại chất thải này trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế, chất thải lây nhiễm của những hộ gia đình có người nhiễm Covid-19 không được giám sát đầy đủ do thiếu nhân lực, phương tiện thu gom.
Ông Hiền cũng cho biết, toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế đủ năng lực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm liên quan đến dịch Covid-19.
Lan Anh