Thứ bảy, 20/04/2024 08:17 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/04/2022 07:00 (GMT+7)

Quy định mới nhất theo Bộ Y tế: F1 không còn phải cách ly

Theo dõi KTMT trên

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế với người tiếp xúc gần (F1), trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0 đang trong thời kỳ lây truyền, cần bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh, trong đó F1 không phải thực hiện cách ly y tế.

Ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh Covid-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đã đạt tỷ lệ bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong liên quan đến Covid-19 giảm sâu, phần lớn các ca mắc Covid-19 không có biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Theo đó, ca bệnh Covid-19 nghi ngờ là một trong số các trường hợp sau: Là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng (sốt và ho hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở).

Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2; là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do virus có chỉ định nhập viện. Người có yếu tố dịch tễ bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định, người có mặt trên các phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện nơi làm việc, lớp học...với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

Ca bệnh Covid-19 (F0) xác định là một trong số các trường hợp sau: Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR; là người có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với virus Covid-19; là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với virus Covid-19.

Quy định mới nhất theo Bộ Y tế: F1 không còn phải cách ly - Ảnh 1
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0, F1 cần bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh, trong đó không phải thực hiện cách ly y tế.

Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của F0; người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền.

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 đang trong thời kỳ lây truyền. Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

Theo Bộ Y tế tất cả các ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ), ca bệnh xác định (F0) đều thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với F1, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0 đang trong thời kỳ lây truyền, cần bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm như: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

Tự theo dõi sức khỏe khi có triệu chứng của bệnh sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Ngoài ra, khi có kết quả dương tính với Covid-19 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng,chống lây nhiễm theo quy định.

Việt Nam chuẩn bị 2 kịch bản Covid-19 trong thời gian tới

Theo Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã chuẩn bị 2 kịch bản đại dịch trong thời gian tới gồm Covid-19 chuyển thành bệnh lưu hành và xuất hiện biến chủng mới cần ứng phó.

Trao đổi về vấn đề này, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, kịch bản đầu tiên là virus dần giảm bớt độc lực, cùng miễn dịch tạo ra khi mắc Covid-19 và tiêm vaccine, số ca nặng và tử vong sẽ giảm. Trường hợp này, Việt Nam sẽ chuyển Covid-19 thành bệnh lưu hành; có các biện pháp đưa hoạt động xã hội trở về trạng thái bình thường, giúp từng cá nhân hiểu rõ nguy cơ và chủ động phòng ngừa. Cả nước không triển khai chống Covid-19 quy mô lớn mà chủ yếu tập trung dự phòng cho nhóm nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh nền.

Thực tế, Covid-19 trong nước đang hạ nhiệt. Báo cáo về tình hình dịch Covid-19 hôm 10/4, Bộ Y tế nhận định số ca mắc cả nước tăng cao nhất trong ba tuần đầu của tháng 3 do biến chủng Omicron, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng ba đến nay. Từ đó, cơ quan này cho rằng dịch bệnh trên toàn quốc cơ bản được kiểm soát.

Tuy vậy, giáo sư Lân nhận định "hiểu biết về virus gây bệnh Covid-19 chưa toàn diện". Khi người dân tăng cường giao lưu đi lại, các biến chủng mới có thể xuất hiện hoặc các biến chủng tương tác với nhau tạo thành chủng mới, có thể làm giảm hiệu quả vaccine, thay đổi nguy cơ gây bệnh nặng, lây lan mạnh hơn. Đây là kịch bản thứ hai, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp khẩn cấp để phòng chống dịch và tiếp tục cập nhật thuốc điều trị, công nghệ sản xuất vaccine.

Theo giáo sư Lân, hiện nay trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn có nhiều thách thức, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể giảm động lực hoặc kháng lại vaccine. Đặc biệt, mọi người luôn phải nghĩ tới tình huống nhiều người đã mắc Covid-19 hoặc tiêm chủng với kháng thể giảm dần theo thời gian, vì vậy vẫn cần phủ rộng vaccine cho những đối tượng nguy cơ cao trong tình hình mới.

Tính từ 16h ngày 14/4 đến 16h ngày 15/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 20.076 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 20.076 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 15.555 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.394.533 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.104 ca nhiễm).

Được biết, trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận hơn 10,2 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 8,7 triệu đã được công bố khỏi. 7 ngày qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 31.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Quy định mới nhất theo Bộ Y tế: F1 không còn phải cách ly. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới