Thứ bảy, 27/04/2024 09:38 (GMT+7)
Thứ tư, 10/05/2023 06:50 (GMT+7)

Tăng cường hợp tác toàn cầu về quản lý an toàn hóa chất và chất thải

Theo dõi KTMT trên

Với việc tham dự Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2023, Bộ TN&MT đặt mục tiêu thể hiện trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành TN&MT nói riêng về bảo vệ môi trường và sức khỏe con người với Cộng đồng quốc tế.

Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2023 được tổ chức từ ngày 1 – 12/5 tại Giơnevơ, Thuỵ Sỹ. 

Theo thống kê của Ban Thư ký các Công ước, tính đến ngày 1/5/2023, đã có 190 quốc gia tham gia Công ước Basel, 165 quốc gia tham gia Công ước Rotterdam và 186 quốc gia tham gia Công ước Stockholm.

Theo định kỳ tổ chức 2 năm một lần, Hội nghị năm 2023 bao gồm các phiên họp toàn thể và các phiên họp kỹ thuật của từng Công ước, nhằm thảo luận và thông qua các kết luận, quyết định cho các Công ước.

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia thành viên của 3 Công ước: Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (Công ước Basel); Công ước Rotterdam về các thủ tục thỏa thuận, thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế (Công ước Rotterdam) và Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Công ước Stockholm).

Thông qua việc tham gia và thực hiện các hoạt động của Công ước Stockholm và Công ước Basel, Đoàn công tác của Bộ TN&MT đặt mục tiêu thể hiện trách nhiệm của Việt Nam nói chung và của ngành TN&MT nói riêng về bảo vệ môi trường và sức khỏe con người đối với Cộng đồng quốc tế.

Tăng cường hợp tác toàn cầu về quản lý an toàn hóa chất và chất thải - Ảnh 1
Việt Nam hiện là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Basel, Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm.

Theo đó, tại Hội nghị, các thành viên đoàn sẽ tham gia đàm phán, thông qua một số quyết định quan trọng của các Công ước liên quan đến việc quản lý các hoá chất đặc biệt nguy hại và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP) theo toàn bộ vòng đời sản phẩm hoá chất và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa các chất POP.

Cùng với đó, kiểm soát và xử lý ô nhiễm hoá chất/POP tồn lưu; thông báo và quản lý hoạt động thương mại quốc tế đối với một số các hóa chất nguy hiểm; quản lý và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại xuyên biên giới. Qua đó, thể hiện các kết quả mà Việt Nam đã đạt được sau 28 năm tham gia Công ước Basel và 22 năm tham gia Công ước Stockholm.

Bên lề Hội nghị chính thức, một số sự kiện cũng được diễn ra bao gồm:

Sự kiện “Định hướng nguồn lực tài chính: Các chiến lược tiếp cận nguồn vốn trong quản lý hóa chất” do GEF tổ chức ngày 1/5.

Sự kiện “Ô nhiễm PFAS và kinh nghiệm loại bỏ PFAS trong bọt chữa cháy” do Phần Lan phối hợp với Trung tâm khu vực của Công ước Stockholm về tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ tại Tây Ban Nha tổ chức ngày 2/5.

Sự kiện “Hợp tác để chống lại vận chuyển trái phép chất thải sang khu vực Đông Nam Á: Góp phần quản lý an toàn chất thải và thực hiện Công ước Basel” do Văn phòng Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) phối hợp với Indonesia tổ chức ngày 4/5.

Sự kiện “Cách tiếp cận linh hoạt khi thực hiện thủ tục thông báo trước” do Tổ chức Nhận thức xanh tổ chức ngày 7/5.

Sự kiện “Tủ lạnh, các thiết bị làm lạnh hết hạn sử dụng: các thách thức và cơ hội trong quản lý an toàn về môi trường tại các quốc gia phát triển, đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi” do Chương trình Đối tác hành động về những thách thức liên quan đến chất thải điện tử tổ chức ngày 7/5.

Việt Nam nỗ lực kiểm soát ô nhiễm

Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc chỉ đạo, thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia là thành viên

Nỗ lực của Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu đã được ghi nhận tại các diễn đàn trong và ngoài nước. Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1994; Nghị định thư Kyoto (trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) năm 2002; Bản Sửa đổi bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto năm 2015; phê duyệt tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta có diễn biến phức tạp với nhiều “điểm nóng”, nhất là các khu tập trung nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trong đó, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, đưa các nội dung về tài nguyên môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế chất thải, các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải và cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020 tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực (Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT). Theo đó, liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại đã có một số những điều chỉnh và quy định mới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường hợp tác toàn cầu về quản lý an toàn hóa chất và chất thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới