Chủ nhật, 24/11/2024 23:12 (GMT+7)
Thứ năm, 08/12/2022 10:50 (GMT+7)

Tăng cường hợp tác chiến lược, thúc đẩy quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone

Theo dõi KTMT trên

Thông qua các hoạt động hợp tác, Việt Nam nỗ lực tiếp cận công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng và thân thiện với khí hậu, góp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone.

Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone, thực hiện Công ước Viên, Nghị định thư Montreal. 

Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1/1994. Thực hiện Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone như CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng chính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với  Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam (Công ty Daikin Việt Nam) nhằm thúc đẩy quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone tại Việt Nam.

Tăng cường hợp tác chiến lược, thúc đẩy quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone - Ảnh 1
Việt Nam chủ động, tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone, thực hiện Công ước Viên, Nghị định thư Montreal. 

Với mục tiêu thúc đẩy quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone tại Việt Nam, Bản ghi nhớ hợp tác này trong thời gian tới sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác chính như: Tăng cường năng lực trong quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát; truyền thông, nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát, bảo vệ tầng ozone và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị lạnh và điều hòa không khí, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật có liên quan về bảo vệ tầng ozone; khảo sát, đánh giá thị trường về thu gom các chất được kiểm soát; xây dựng chương trình về dán nhãn cho các thiết bị, sản phẩm sử dụng các chất được kiểm soát có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) thấp.

Theo đó, hoạt động hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực của cán bộ quản lý, góp phần xây dựng và thực hiện hiệu quả quản lý, loại trừ các chất HFC của Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, dây chuyền làm lạnh đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đến việc sử dụng các chất HFC ngày càng tăng và tạo ra một lượng lớn phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, thông qua các hoạt động hợp tác sẽ giúp cho Cục Biến đổi khí hậu tăng cường năng lực, trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng và thân thiện với khí hậu, góp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone và thay thế bằng các công nghệ ít có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu, có hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội.

Từ năm 1994, Việt Nam chính thức là thành viên của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Theo đó, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon và CTC từ năm 2010, giảm trừ lần lượt 10% và 35% so với đường tiêu thụ cơ sở của HCFC vào năm 2015 và 2020. Đặc biệt, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ tầng ozone là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92 trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát, quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất được kiểm soát.

Hiện nay, Việt Nam đang ở pha 2 của Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC và chuẩn bị cho nghĩa vụ cắt giảm lượng tiêu thụ HCFC tới 67% so với đường tiêu thụ cơ sở vào năm 2025, đồng thời, thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC pha 1 bắt đầu vào năm 2024.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, Việt Nam cũng từng bước lồng ghép những tính toán về phát thải trực tiếp và gián tiếp của môi chất lạnh trong Đóng góp quốc gia tự quyết định. Điều đó, thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ và các ngành, lĩnh vực về sự đóng góp của làm mát hiệu quả, bền vững đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tạo nền tảng vững chắc cho các công việc và hoạt động sắp tới.

08 chất làm suy giảm tầng ozone được kiểm soát

Theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định8 chất làm suy giảm tầng ozone bao gồm:

(1) Bromochloromethane;

(2) Carbon tetrachloride (sau đây gọi tắt là CTC);

(3) Chlorofluorocarbon (sau đây gọi tắt là CFC);

(4) Halon;

(5) Hydrobromofluorocarbon (sau đây gọi tắt là HBFC);

(6) Hydrochlorofluorocarbon (sau đây gọi tắt là HCFC);

(7) Methyl bromide;

(8) Methyl chloroform.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường hợp tác chiến lược, thúc đẩy quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới