Thứ sáu, 26/04/2024 16:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/11/2021 07:00 (GMT+7)

Tăng cường giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường giai đoạn 2016-2020

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo "Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020" được xem là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT vừa ban hành công văn gửi các Bộ ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực và được phối hợp, đầu tư nguồn lực của nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.

Theo đó, Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 đánh giá khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm vừa qua. Đồng thời, tập trung phân tích hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường nước, không khí và môi trường đất; Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn... trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt cả ở trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, báo cáo xác định những vấn đề tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020; Nhận diện các thách thức trong công tác quản lý và đề xuất các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Tăng cường giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường giai đoạn 2016-2020 - Ảnh 1
Cảnh rác thải nhựa tại bến tàu Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Việt Hùng)

Đây là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đạt những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội; Mặc dù đầu nhiệm kỳ (năm 2016) gặp sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, chính trị, kinh tế của khu vực và đã gây tác động rất nghiêm trọng lên các thành phần môi trường và hệ sinh thái biển. Thêm vào đó, cuối nhiệm kỳ (năm 2020) mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao của thế giới.

Trong đó, 4 năm đầu (2016 - 2019), nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8%/năm; Năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng đã gây áp lực lớn lên môi trường do các loại chất thải phát sinh từ hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường (bảo vệ môi trường) hiện nay và giai đoạn tiếp theo.

Đến năm 2020, các thành phần môi trường nước mặt lục địa tại các lưu vực sông vẫn duy trì được chất lượng tốt, khá tốt ở phần trung lưu, thượng lưu; Chỉ còn một số đoạn sông chảy qua nội đô, nội thị hoặc các khu vực tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề còn cục bộ ô nhiễm (sông Cầu, đoạn qua Bắc Ninh, sông Nhuệ, Đáy, đoạn qua Hà Nội, Phủ Lý…). Chất lượng môi trường không khí có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2016 - 2018; Năm 2019, xuất hiện một số đợt có chất lượng kém tại Hà Nội, TP.HCM; Năm 2020 chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; Trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, chất lượng không khí tại các đô thị lớn có xu hướng tốt hơn.

Ngoài ra, môi trường đất cơ bản duy trì chất lượng tốt tại các vùng như giai đoạn trước đây, cục bộ tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp có biểu hiện tích lũy của kim loại nặng. Đáng chú ý, các khu vực bảo tồn ĐDSH được duy trì bảo vệ; trong giai đoạn 2016 - 2020, thế giới đã công nhận thêm 18 khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn, khu Ramsar, vườn ASEAN cho Việt Nam.

Như vậy, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số khu vực như: Ô nhiễm môi trường nước ở một số đoạn sông chính chảy qua khu đô thị, các làng nghề; Ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn, khu công nghiệp (khu công nghiệp), khu vực sản xuất, kinh doanh; Vấn đề tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây tác động tiêu cực đến môi trường đất. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường cũng là thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững, Bộ TN&MT đề nghị tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các vấn đề nóng, nổi cộm như: Công tác giám sát các dự án, cơ sở lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường; Quản lý chất lượng môi trường không khí tại các đô thị, môi trường nước các lưu vực sông; Quản lý rác thải đô thị, nông thôn; Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung; Quản lý sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp; Hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN, cụm công nghiệp và làng nghề.

Không những vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp; Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các văn bản, quy định mới về pháp luật bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường giai đoạn 2016-2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới