Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Chiều 11/10, TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam tổ chức Hội thảo truyền thông và góp ý xây dựng chính sách trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Thống kê của Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam cho biết, 51,2% dân số toàn cầu sử dụng Internet, trong đó, hơn 1/3 người dùng thuộc lứa tuổi từ 15-24 tuổi; 68% trẻ em tự học cách sử dụng internet và 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đăng tải internet.
Khi tham gia mạng trực tuyến, ngoài việc được tiếp cận những kiến thức phong phú trong các lĩnh vực đời sống, văn hóa, giải trí, khoa học, trẻ em có nguy cơ có những rủi ro như: Tiếp xúc tư liệu không phù hợp, kích động bạo lực; lạm dụng tình dục, quấy rối, dụ dỗ vi phạm pháp luật; bị khai thác thương mại… Trẻ chưa nhận thức đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet; phụ huynh gặp khó khăn trong việc giám sát của trẻ trên mạng...
Tại Đà Nẵng, Dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam và Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng triển khai trong ba năm (2018-2021) với tổng số tiền 728.351 USD do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ.
Dự án sẽ triển khai các hoạt động: Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ tự bảo về mình trên môi trường mạng thông qua tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ, thực hành… hỗ trợ các sáng kiến để trẻ tự bảo vệ bản thân; phát triển tài liệu thân thiện với trẻ; củng cố đường dây, tổng đài, đa dạng hóa các kênh để hỗ trợ cộng đồng tiếp cận dịch vụ; tổ chức các hoạt động cho đội ngũ giảng viên, cán bộ trẻ em, phụ huynh… với khoảng 15.000 học sinh THCS và THPT, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng trên địa bàn 3 quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ được hưởng lợi.
Trong đó, dự án mong muốn xây dựng, rà soát và chỉnh sửa các chính sách công nghệ thông tin truyền thông về bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại qua môi trường để phù hợp với thực tế tại TP.Đà Nẵng.
Qua việc tìm hiểu tại 3 quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, trẻ dưới 3 tuổi đã bắt đầu sử dụng internet, và nhiều nhất ở từ 10 đến 11 tuổi; 95% trẻ sử dụng mạng tại nhà. Tuy nhiên, chỉ có 10,4% trẻ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng, và ở phụ huynh chỉ có 8,6%.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.Đà Nẵng cho rằng: Việc sử dụng CNTT cho trẻ quyền tiếp cận thông tin, tri thức, tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú trong các lĩnh vực đời sống, nâng cao kỹ năng sống, theo đuổi ước mơ nghề nghiệp, song trẻ em cũng đối mặt với nhiều rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực trên môi trường mạng như: Tiếp xúc các tư liệu nội dung không phù hợp, dễ tổn thương, bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm, lạm dụng tình dục... do đó bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cần được cả xã hội chú trọng.
TP.Đà Nẵng đã triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em đối với các doanh nghiệp CNTT – truyền thông, phụ huynh, giáo viên. Xây dựng đa dạng kênh truyền thông, tiếp nhận ý kiến, phản ánh về bảo vệ trẻ em; mở rộng Tổng đài 1022 của thành phố, mở rộng chuyên mục “Bảo vệ trẻ em” trên Cổng Góp ý thành phố; sử dụng các mạng xã hội như facebook, zalo kết nối với tổng đào để chuyển tiếp các sự việc lạm dụng tình dục trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các doanh nghiệp CNTT – truyền thông, các đại lý internet…