Thứ sáu, 22/11/2024 17:06 (GMT+7)
Thứ ba, 05/01/2021 11:28 (GMT+7)

Tài nguyên nước - yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Vài năm trở lại đây, tình trạng nước biển dâng, sạt lở, bờ sông, bờ biển phức tạp hơn, cho thấy, sự khắc nghiệt của thiên nhiên ngày càng hiện hữu nếu không có giải pháp căn cơ, thực sự bền vững.

Tài nguyên nước vùng ĐBSCL đang bị khai thác một cách cạn kiệt và không theo quy hoạch nhất là vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm thời gian qua và hệ lụy từ việc khai thác vô tội vạ này dẫn đến tình trạng sụt lún đất, ngập lụt ở đô thị và tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, bờ biển những năm trở lại đây.

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã chỉ rõ, nước ngọt, nước lợ và nước mặn đều là tài nguyên, việc quy hoạch, khai thác có hiệu quả sẽ mang lại lợi ích về kinh tế, đảm bảo hệ sinh thái một cách bền vững và phải biết vận dụng linh hoạt, có giải pháp có chính sách và công cụ thích hợp để điều chỉnh và kiểm soát, nhằm phát triển kinh tế, xã hội.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nguyên Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright, nền tảng lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL là tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái nhưng tất cả đang bị khai thác tới mức thiếu bền vững và đứng trước những rủi ro, thách thức. Những thách thức không thể dự đoán, vì vậy, cần có biện pháp quản lý rủi ro và thích ứng, đồng thời phải có tầm nhìn chiến lược trong phát triển để không bị trói buộc trong không gian; phát triển không gian và mở rộng không gian sinh tồn, mở liên kết với Đông Nam Bộ, TP.HCM, hành lang ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông.

Tài nguyên nước - yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Vấn đề sạt lở ảnh hưởng đến đời sống của người dân (điểm sạt lở tại Cần Thơ năm 2019).

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, ĐBSCL không chỉ cần mô hình tăng trưởng mới mà cần mô hình phát triển mới thích nghi và quản lý được các rủi ro từ môi trường; đồng thời, nên thay đổi quan điểm an ninh lương thực để tạo không gian linh hoạt cho các địa phương chuyển đổi nông nghiệp và tái cơ cấu, tăng tính hiệu quả và thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu.

“ĐBSCL không chỉ cần một mô hình tăng trưởng mới một cách toàn diện hơn, cần một mô hình phát triển mới có tính tổng hợp bao trùm hơn rất nhiều. Mỗi tỉnh có khát vọng riêng của mình và chúng ta cũng cần tạo cơ chế linh hoạt cho các tỉnh. Chúng ta đưa ra các quy hoạch nhưng cũng phải tính tới ý chí, nguyện vọng cũng như khả năng thay đổi trong tương lai của các địa phương. Ý thứ hai cũng rất quan trọng đó là sự linh hoạt giữa các mục đích chuyển đổi đất, do đó cũng phải thay đổi chính sách liên quan đến đất, tạo ra sự sử dụng linh hoạt hơn, cuối cùng là nghiên cứu khả năng tích tụ ruộng đất một cách thận trọng”, TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc quản lý và khai thác nguồn nước thiếu bền vững đã làm gia tăng thách thức về an ninh nguồn nước của vùng ĐBSCL hay các vấn đề sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.

Tài nguyên nước - yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng ĐBSCL - Ảnh 2
Sạt lở, bờ sông vài năm trở lại đây càng phức tạp cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên ngày càng hiện hữu đối với ĐBSCL.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc quản lý nguồn nước một cách hiệu quả sẽ phân bổ không gian phát triển vùng ĐBSCL và sẽ quyết định đến khu vực sinh thái, ngành nghề phát triển phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

“Nước là vấn đề rất lớn của ĐBSCL, làm sao chúng ta quản lý một cách bền vững, hiệu quả thì lúc đó mới phân bổ được không gian phát triển của vùng ĐBSCL. Nước sẽ quyết định đến khu vực về sinh thái, cũng như khu vực ngành nghề phát triển với điều kiện nước của vùng đó và cũng tính tới những biến đổi trong tương lai với sự tác động của biến đổi khí hậu cũng như việc kiểm soát nước ở đầu nguồn. Do vậy, quyết định những nội dung về nước là yếu tố quyết định đối với vấn đề phân vùng phát triển và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của vùng, trong đó kết hợp hạ tầng giao thông, đường bộ, đường thủy, đường hàng không với hạ tầng thủy lợi, hạ tầng về nước, hạ tầng về điện”, ông Trần Quốc Phương cho hay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cũng không nên coi vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức mà cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, từ đó có vận dụng, điều chỉnh để phát triển.

Tài nguyên nước - yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng ĐBSCL - Ảnh 3
Người dân loay hoay tìm sinh kế khi sạt lở vẫn đang diễn biến phức tạp.

Dẫn chứng về bài học kinh nghiệm trên thế giới, ông Nguyễn Chí Dũng nêu, Israel là quốc gia thiếu nước ngọt, nhưng lại có nền nông nghiệp phát triển và hiệu quả nhất thế giới với các phương thức canh tác chưa từng thấy. Dubai ở Trung Đông không có nhiều tài nguyên và toàn sa mạc nhưng vẫn có những đô thị phát triển mà nhiều người nổi tiếng muốn đến sống.

“Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội. Đây là một quan điểm mang tầm nhìn tích cực, trong đó, không nhìn nhận vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức mà ngược lại cần phải coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Vùng ĐBSCL nắm giữ nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi đang phải đối mặt với nhiều tác động lên đời sống kinh tế, xã hội toàn vùng. Trong đó, nguồn nước bị chi phối từ các hoạt động ở thượng nguồn; biến đổi khí hậu, sụt lún đất... đây đều là những vấn đề cấp bách chưa có giải pháp thực sự mang tính bền vững trước những tác động này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ đạo: “ĐBSCL phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cam kết kiến tạo cơ chế thuận lợi để ĐBSCL phát triển”.

Rõ ràng, những thách thức đặt ra cần phải giải quyết một cách đúng đắn, kịp thời mang tính tổng thể và chiến lược trước những thách thức lớn đặt ra từ an ninh nguồn nước, ngập lụt và suy thoái đồng bằng. Bài viết cuối chúng tôi sẽ phân tích rõ những cơ hội, thách thức đan xen trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL khi nơi đây đang nắm giữ những cơ hội, vận hội lớn trong tiến trình phát triển.

Thanh Tùng - Phạm Hải

Bạn đang đọc bài viết Tài nguyên nước - yếu tố cốt lõi trong phát triển của vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới