Thứ sáu, 22/11/2024 21:24 (GMT+7)
Thứ năm, 18/08/2022 11:00 (GMT+7)

Sức hút, nguồn cảm hứng lớn lao từ Cách mạng Tháng Tám và lãnh tụ Hồ Chí Minh

Theo dõi KTMT trên

Cách đây 77 năm, vào tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên, tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền và giành lại nền độc lập dân tộc

Dường như tất cả những gì tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đều được khơi dậy và hội tụ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi tinh hoa của dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao của tư tưởng loài người trong thời đại mới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo bước ngoặt sâu sắc, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực; thể hiện đầy đủ, sâu sắc và sinh động bản chất dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thắng lợi vẻ vang đó là động lực, là mục tiêu cao cả, là niềm cảm hứng to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta viết tiếp trang sử mới của một thời đại mới vì niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vì phẩm giá con người.

Sức hút, nguồn cảm hứng lớn lao từ Cách mạng Tháng Tám và lãnh tụ Hồ Chí Minh - Ảnh 1
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. (Ảnh: Tư liệu).

Qua những lần bổ sung và thông qua Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, trong thành phần Quốc hội, Chính phủ có thêm sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Bằng Đoàn... Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, đăng báo Cứu quốc, số ra ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều". Bác đã nhấn mạnh: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống nơi phồn hoa, trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến kiến quốc đầy gian khổ, thiếu thốn như: Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum... và nhiều người khác.

Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng, tài năng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức hút, sức tác động lạ kỳ. Nếu coi bản chất của cuộc cách mạng chân chính là văn hóa thì việc thực hành văn hóa, nâng tầm văn hóa của cả dân tộc, cũng là thực hành một cuộc cách mạng to lớn và sâu sắc. Đường lối văn hóa kháng chiến “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện đầy đủ trong Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" ra ngày 25/11/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được sáng tỏ, nhấn mạnh trong bức thư "Nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước hiện nay" của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16/11/1946.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người nhấn mạnh: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”... “Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Sức hút, nguồn cảm hứng lớn lao từ Cách mạng Tháng Tám và lãnh tụ Hồ Chí Minh - Ảnh 2
Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới). Ảnh tư liệu

Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951) ở Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người đề cao vai trò xung kích của văn hóa trong sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự... phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “chính trị, kinh tế, văn hóa đều “phải coi là quan trọng ngang nhau”.

Cũng như giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ thế hệ Cách mạng Tháng Tám cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trước sự đổi vận, đổi đời của dân tộc, của nhân dân mình. Từ đây, đội ngũ văn nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình văn học, nghệ thuật cùng dân tộc đi vào cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược Pháp. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; khám phá, ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến và quyết thắng của cả dân tộc. Những tên tuổi tiêu biểu được khẳng định và tiếp tục có những sáng tạo mới, thành công mới.

Về văn học, có các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Thôi Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư...

Về sân khấu, có các nhà biên kịch, đạo diễn: Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Thuận, Ngô Tất Tố, Vũ Lăng...

Về âm nhạc, có các nhạc sĩ: Văn Cao, Đinh Nhu, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác, Hoàng Việt, Lê Yên, Phan Huỳnh Điểu...

Về mỹ thuật, có các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Lương Xuân Nhị...

Về điện ảnh, nhiếp ảnh, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về máy móc, phương tiện, vật liệu, các nghệ sĩ của ta như: Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Mai Lộc, Phan Nghiêm, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Phạm Văn Khoa đã chụp và quay được những bức ảnh, những đoạn phim tài liệu rất quý về Ngày Độc lập 2/9/1945, về nạn đói năm 1945, sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về (1946), Pháp tấn công phố Hàng Than và Trận đánh tại Ô Cầu Dền (1946), Trận đánh đồn Mộc Hóa của Tiểu đoàn 307 (1948), Chiến dịch Biên giới ở Đông Khê (1950)...

Trong số các nhà văn, nghệ sĩ thời kháng chiến chống Pháp, có những văn nghệ sĩ đã hy sinh anh dũng như: Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân.

Đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng, nhiều thế hệ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục trở thành người chiến sĩ trong các cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đánh thắng bè lũ bành trướng xâm lược và diệt chủng ở hai đầu đất nước, đưa đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều hội đoàn, tổ chức làm công tác văn hóa, văn nghệ, khoa học, kỹ thuật; các trí thức, văn nghệ sĩ Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đảng, Nhà nước khẳng định quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển đất nước; khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là đội ngũ tài năng của dân tộc, từ đó góp phần nâng tầm trí tuệ, tầm văn hóa của dân tộc, sức mạnh nội sinh của đất nước.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Sức hút, nguồn cảm hứng lớn lao từ Cách mạng Tháng Tám và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới