Chớp thời cơ, vận dụng sáng tạo đường lối đấu tranh trong Cách mạng tháng Tám năm 1945
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc và xây dựng nền cộng hòa dân chủ. Đây là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang với bao chiến công hiển hách. Trong đó, Cách mạng tháng Tám năm 1945 được coi là một trong những mốc son chói lọi nhất - bản anh hùng ca vĩ đại của lịch sử dân tộc thế kỷ XX.
Ðảng ra sức xây dựng và phát triển thực lực cách mạng trong nước đồng thời tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, kết hợp yếu tố dân tộc và quốc tế. Thực lực cách mạng là sức mạnh của toàn dân tập hợp dưới ngọn cờ, đường lối của Ðảng và Mặt trận Việt Minh; là sức chiến đấu của Ðảng tiền phong trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và giàu kinh nghiệm đấu tranh; là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang rộng khắp trong toàn dân, vũ trang toàn dân. Tháng 8/1942 và tháng 1/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh sang Trung Quốc liên lạc với lực lượng đồng minh tranh thủ sự ủng hộ sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam. Cổ vũ của quốc tế là quan trọng, song quyết định vẫn là chính lực lượng của ta. "Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi".
Chỉ trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”. Bên cạnh đó, Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) với tuyên bố “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” cũng báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Giáo sư người Nhật Bản Singo Sibata đã nhấn mạnh, Bản Tuyên ngôn Độc lập đã “phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc”.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, bài học nắm vững và tận dụng triệt để thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Đảng ta tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Giữa bộn bề khó khăn của những buổi sơ khai thành lập Nước, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Nhận định về thời cơ và chớp thời cơ
Các chuyên gia nhận định, sự thành công của Cách mạng tháng Tám là nhờ sự hội tụ những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau. Và một trong những vấn đề đó chính là việc Đảng ta đã biết nhận định về thời cơ và chớp lấy thời cơ.
Thời cơ là một hoàn cảnh thuận lợi đến trong một thời gian ngắn, đảm bảo một việc nào đó có thể tiến hành có kết quả. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, hợp thành tình thế cách mạng có ba nhân tố chủ yếu sau:
“Thứ nhất, giai cấp và tầng lớp thống trị bên trên đã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, không thể kiểm soát nổi tình hình, trở nên bất lực, không còn có chế độ thống trị như cũ được nữa.
Thứ hai, các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới một hành động giải phóng.
Thứ ba, tầng lớp, bộ phận trung gian, những người trí thức yêu nước, có tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngã về phía cách mạng. Tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng. Hội đủ những điều kiện đó, về cơ bản, tình thế cách mạng đã chín muồi”.
Có thể thấy, một sự sáng tạo nổi bật trong Cách mạng Tháng Tám là Ðảng chủ động thúc đẩy cao trào cách mạng của quần chúng, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ. Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám xuất hiện nửa cuối tháng 8/1945, khi cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ; quân phát-xít Nhật đầu hàng Liên Xô và đồng minh (15/5/1945); chính quyền phong kiến và chính phủ tay sai Nhật ở Việt Nam hoang mang cực điểm; các tổ chức đảng và Mặt trận Việt Minh quyết tâm đưa quần chúng vào hành động cách mạng. Nguy cơ lớn nhất là quân Pháp sau khi bị Nhật gạt khỏi Ðông Dương (ngày 9/3/1945) tìm cách quay lại. Hội nghị Ðảng Cộng sản Ðông Dương ngày 15/8/1945 đã quyết tâm "chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Ðông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta". Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi khi có cơ hội tốt nhất và đẩy lùi nguy cơ khi quân Pháp chưa kịp quay lại và quân Ðồng minh chưa kéo vào.
Như vậy, một cuộc khởi nghĩa diễn ra thành công không phải dựa vào một âm mưu, một đảng phái mà phải dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân, dựa vào một chuyển hướng lịch sử quyết định.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Đó chính là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mãi mãi soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lan Anh